Đây là tình huống về cho nhận con nuôi còn xảy ra khá phổ biến trong thực tiễn đời sống nhân dân. Vấn đề phát sinh trong tình huống này là cả việc đăng ký khai sinh cho cháu bé và việc đăng ký nuôi con nuôi đều vướng mắc về thủ tục, cụ thể:
- Đối với việc đăng ký khai sinh: Không có Giấy chứng sinh, trong khi cháu bé hiện đang sống với vợ chồng chị Thuỷ - người nuôi dưỡng chứ không phải là người sinh ra cháu;
- Đối với việc đăng ký nuôi con nuôi: Cháu bé được mẹ đẻ đồng ý cho làm con nuôi vợ chồng chị Thuỷ nhưng người mẹ không có mặt để thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi, mặt khác, về thủ tục thì việc đăng ký nuôi con nuôi trong trường hợp này không có Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi hợp lệ (phải là Giấy thoả thuận được lập theo mẫu quy định).
Về nguyên tắc, trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân xã X có thể vận dụng quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi để khai sinh cho cháu bé theo yêu cầu của chị Thuỷ. Tuy nhiên, việc khai sinh và việc đăng ký nuôi con nuôi trong trường hợp này liên quan chặt chẽ đến nhau. Do đó, phương án tốt nhất là nên giải quyết việc đăng ký nuôi con nuôi trước, sau đó thực hiện việc đăng ký khai sinh, tránh tình trạng trẻ đã được xác định các thông tin về họ, tên sau đó lại phải thay đổi khi quan hệ nuôi con nuôi được xác lập, hoặc khi xảy ra tình trạng người mẹ đẻ không đồng ý cho con làm con nuôi nữa.
Như vậy, việc giải quyết tình huống này sẽ thực hiện như sau:
- Uỷ ban nhân dân xã X yêu cầu vợ chồng chị Thuỷ tìm cách liên lạc với mẹ đẻ của cháu bé để có thể thực hiện đúng thủ tục cho và nhận con nuôi theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Việc liên lạc với chị Vang - mẹ đẻ của cháu bé là có thể thực hiện được thông qua người cô họ ở cùng xã vợ chồng chị Thuỷ. Phân tích rõ cho chị Thuỷ biết là vì cháu bé không phải là trẻ bị bỏ rơi, mà có thể xác định được mẹ đẻ nên để có thể đăng ký nuôi con nuôi thì cần sự có mặt của người mẹ cháu bé để thể hiện sự tự nguyện đồng ý cho con nuôi bằng cách:
+ Cùng vợ chồng chị Thuỷ lập Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi theo đúng mẫu quy định;
+ Cùng có mặt với vợ chồng chị Thuỷ tại Uỷ ban nhân dân xã khi đăng ký nuôi con nuôi theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP để thể hiện sự tự nguyện cho con.
- Sau một thời gian, nếu việc liên lạc với chị Vang - mẹ đẻ cháu bé không có kết quả hoặc chị Vang không chịu đến làm thủ tục cho con nuôi thì Uỷ ban nhân dân xã X có thể vận dụng quy định về việc đăng ký nuôi con nuôi và đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi theo quy định tại Điều 16, khoản 2 Điều 25, khoản 1 Điều 28 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP để đăng ký nuôi con nuôi và đăng ký khai sinh cho cháu bé.