Khi xin giấy phép xây dựng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, bạn phải tuân thủ quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người xin cấp giấy phép xây dựng. Cụ thể theo điểm c khoản 1 Điều 68 Luật Xây dựng, bạn có quyền: “Được khởi công xây dựng công trình nếu sau thời gian quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này mà cơ quan cấp giấy phép không có ý kiến trả lời bằng văn bản khi đã đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 72 của Luật này”; đồng thời bạn có nghĩa vụ theo quy định tại điểm c và điểm d Khoản 2 Điều 68 Luật Xây dựng: Thông báo ngày khởi công xây dựng bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xây dựng công trình trong thời hạn bảy ngày làm việc trước khi khởi công xây dựng công trình và thực hiện đúng nội dung của giấy phép xây dựng; khi có sự điều chỉnh, thay đổi thiết kế phải được sự chấp thuận của cơ quan cấp giấy phép xây dựng.
Tại Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng cũng nêu rõ: Chủ đầu tư có trách nhiệm: Trước khi khởi công xây dựng 7 ngày làm việc, chủ đầu tư công trình phải gửi văn bản thông báo ngày khởi công cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng, đồng thời gửi văn bản thông báo ngày khởi công kèm theo bản sao giấy phép xây dựng cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xây dựng công trình biết để theo dõi thực hiện; Tổ chức triển khai thực hiện xây dựng công trình theo giấy phép xây dựng đã được cấp (theo khoản 2 Điều 19 Nghị định số 64/2012/NĐ-CP).
Như vậy, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng thì bạn có nghĩa vụ thực hiện xây dựng theo đúng nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp. Nếu có sự thay đổi các yếu tố như: chiều cao công trình, số tầng và các yếu tố khác làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính thì bạn phải đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng trước khi xây dựng (điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 64/2012/NĐ-CP).