Về tính chất vụ việc
Trong tình huống trên, căn cứ vào thực trạng đoạn đường sắt bị tháo mất một số ốc vít và bu lông, có thể khẳng định ngay là đã có hành vi phá hoại tuyến đường sắt xảy ra trước đó. Hành vi này có tính chất rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu có đoàn tàu chạy qua. Đây là hành vi phá huỷ công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải đường sắt; nếu vì mục đích chống chính quyền nhân dân mà làm việc này thì phạm vào tội phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Hành vi nói trên có thể bị xử lý theo các quy định sau:
- Điều 85 Bộ luật Hình sự 1999 quy định, người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, xã hội thì có thể bị phạt tù đến chung thân hoặc tử hình.
- Điều 231 Bộ luật Hình sự 1999 quy định, người nào phá huỷ công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá và xã hội thì có thể bị phạt tù đến chung thân hoặc tử hình.
Trách nhiệm của UBND xã khi tiếp nhận thông tin về vụ việc
Trong trường hợp này, chính quyền xã cần làm những việc sau đây:
Thứ nhất, bằng cách nhanh nhất thông báo ngay thông tin về sự cố này cho ngành đường sắt ở các ga tàu để không cho tàu chạy qua khu vực đường sắt bị phá hoại và cử công nhân đến sửa chữa;
Thứ hai, chỉ đạo Công an xã đến ngay nơi xảy ra sự việc, giữ nguyên hiện trường. Đồng thời thông báo ngay cho cơ quan Công an huyện, thị xã để cơ quan này đến khám nghiệm hiện trường, thu giữ tang vật và tiến hành các biện pháp điều tra thủ phạm; đồng thời báo cáo cho UBND cấp trên được biết về hành vi phá hoại đường sắt xảy ra trên địa bàn;
Thứ ba, từ vụ việc này, UBND xã cần có biện pháp phổ biến trên phương tiện truyền thông của xã về tính chất và hậu quả nghiêm trọng của hành vi phá huỷ kết cấu đường sắt có thể dẫn đến thảm hoạ đổ tàu;
Thứ tư, phát động phong trào quần chúng nhân dân tố giác các hành vi phạm tội xảy ra trong các xã liên quan đến vụ việc này;
Thứ năm, phối hợp và thực hiện các yêu cầu của cơ quan Công an trong việc phát hiện, tìm ra những người đã có hành vi tháo ốc vít và bu lông đường sắt, đặt một số thanh sắt trên đường sắt;
Thứ sáu, tổ chức lực lượng Dân quân tự vệ phối hợp với ngành đường sắt tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ đoạn đường tàu chạy qua khu vực xã.
Các văn bản liên quan:
Bộ Luật 15/1999/QH10 Hình sự