Hỏi đáp: Xử lý tài sản thế chấp khi chưa đến hạn và yêu cầu bên vay trả nợ

Xử lý tài sản thế chấp khi chưa đến hạn và yêu cầu bên vay trả nợ

Câu hỏi

Bà P vay tôi 350 triệu nhưng không có tài sản thế chấp. Hiện tại bà P đang thế chấp một căn nhà tại ngân hàng để vay 400 triệu và giá trị căn nhà là 1 tỷ. Vậy sẽ xử lý như thế nào về trường hợp vẫn đang trong thời gian thế chấp. Tôi phải làm như thế nào để lấy lại 350 triệu đồng. Xin chân thành cảm ơn.
Phan Văn Bin
Pháp luật

Trả lời

1. Xử lý đối với tài sản thế chấp

Điều 56 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm quy định các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm:

- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

- Pháp luật quy định tài sản bảo đảm phải được xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.

- Các trường hợp khác do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định.

Như vậy, nếu không xảy ra một trong các trường hợp nêu trên thì Ngân hàng sẽ không có căn cứ xử lý tài sản thế chấp của bà P.

Riêng với trường hợp: Pháp luật quy định tài sản bảo đảm phải được xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì theo quy định tại Điều 324 Bộ luật Dân sự đối với trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự: Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác. Trong trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.

2. Yêu cầu bà P trả nợ bạn

Để yêu cầu bên vay trả nợ cho bạn thì bạn có thể lựa chọn nhiều phương pháp giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.

Trước hết, bạn và bên vay cùng nhau thương lượng để tìm ra hướng giải quyết thuận lợi cho cả hai bên và vẫn giữ được tình cảm họ hàng. Đây là nguyên tắc giải quyết những tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dân sự được các bên lựa chọn đầu tiên và là nguyên tắc xuyên suốt quá trình giải quyết, kể cả khi vụ việc đã được đưa ra tòa án.

Nếu không thể thương lượng được thì bạn có thể mời bên thứ ba tiến hành hòa giải, yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ; hoặc bạn có thể gửi đơn khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết và yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự. Trong đơn khởi kiện bạn cần thể hiện đầy đủ những nội dung theo Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi ngày 29/3/2011:

- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

- Tên, địa chỉ của người khởi kiện;

- Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;

- Tên, địa chỉ của người bị kiện;

- Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;

- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.

Khi gửi đơn khởi kiện, bạn gửi kèm theo hợp đồng vay tiền mà hai bên đã ký để làm căn cứ chứng minh cho yêu cầu của mình.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 65/2011/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự

Nghị định 163/2006/NĐ-CP Về giao dịch bảo đảm

CTV3
02/11/2014

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=47637


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận