Xin nhờ chuyên gia tư vấn giúp con 1 số vấn đề, trong quá trình học con có những thắc mắc nhờ chuyên gia giúp cho. Câu 1: quá trình t...
Câu hỏi
Xin nhờ chuyên gia tư vấn giúp con 1 số vấn đề, trong quá trình học con có những thắc mắc nhờ chuyên gia giúp cho. Câu 1: quá trình tiêu hóa quan trọng nhất là ở đâu? giải thích vì sao nó lại quan trọng? Câu 2: người bị bệnh gan da và mắt thường có màu vàng giải thích vì sao lại có hiện tượng này? chế độ ăn kiêng dành cho người bệnh là như thế nào?
Chào bạn ! Quá trình tiêu hóa được diễn ra tuần tự ở miệng, dạ dày và ruột. Tiêu hoá ở ruột non là giai đoạn quan trọng nhất của toàn bộ quá trình tiêu hoá. Ở ruột non, các chất thức ăn được phân giải tới mức đơn giản nhất nhờ tác dụng của các dịch tiêu hoá: dịch tuỵ, dịch ruột, dịch mật. Dịch tuỵ tiêu hoá protid, lipid, glucid trong đó thuỷ phân tới trên 80% lượng glucid thức ăn. Khi thiếu dịch tuỵ sẽ gây ra rối loạn tiêu hoá nghiêm trọng, cơ thể thiếu chất dinh dưỡng. Chất duy nhất của dịch mật có tác dụng tiêu hoá là acid mật. Các acid mật tồn tại dưới dạng muối với natri hoặc kali, nên gọi là muối mật. Muối mật làm nhũ hoá lipid, tăng diện tiếp xúc của lipid với men lipase giúp tiêu hóa lipid. Muối mật tạo micell giúp hoà tan các sản phẩm thuỷ phân lipid và các vitamin tan trong dầu để hấp thu chúng được dễ dàng. Mật tạo môi trường kiềm ở ruột, kích thích nhu động ruột, ức chế hoạt động của vi khuẩn lên men thối ở phần trên ruột non. Khi tắc mật sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hoá và hấp thu một loạt chất dinh dưỡng, nhất là lipid. Dịch ruột có đủ các loại men tiêu hoá protid, lipid và glucid. Các men này thực hiện giai đoạn cuối cùng của quá trình tiêu hoá, biến các chất dinh dưỡng còn lại ở ruột non thành các phân tử đơn giản và hấp thu chúng.
Bệnh gan làm vàng da vàng mắt chỉ khi gan bị chai nặng không lọc được hay dịch mật hoặc ống dẫn mật bị đóng nghẽn như bị sạn ống mật hay ung thư gan. Bệnh nhân thực sự bị vàng da và mắt do bệnh gan thì thường là vàng khe toàn người cả mắt, cả da. Trong trường hợp này thì gan bị hư cho nên toàn cơ thể bị ảnh hưởng cho nên người bệnh thường cảm thấy rất mệt mỏi, bải hoải, ăn uống không được, xuống cân, sình bụng, nóng sốt, phân đổi thành màu xám vì thiếu chất mật vàng chứ không chỉ có vàng da, vàng mắt không mà thôi. Còn thông thường nhiều người tưởng mình mắt vàng thì thật ra là vì các mạch máu dưới lòng mắt bị đỏ làm cho lòng mắt không được trong chứ không phải vàng như nhiều người lầm tưởng.
Để bảo vệ gan, tránh hoặc hạn chế tổn thương cho gan và giúp mau lành, người bệnh cần ăn uống đúng cách. Chế độ ăn theo từng giai đoạn: Giai đoạn viêm cấp tính: bệnh nhân ăn thức ăn lỏng, mềm như cháo, bột đậu nành, bột sắn. Có thể kết hợp truyền dung dịch glucoza ưu trương 30%, 40%. Nước trái cây pha đường, chuối, đu đủ, hồng xiêm nghiền. Sau một thời gian cho tăng dần thức ăn đặc như cháo thịt hầm nhừ, súp khoai tây nghiền, bánh mì, bánh quy ăn với sữa loãng. Bệnh nhân cần được ăn nhiều bữa, ngoài 3 bữa chính là sáng, trưa, tối, các bữa phụ cho ăn thức ăn lỏng giàu đạm, ít mỡ như sữa tách bơ, sữa đậu nành… Giai đoạn phục hồi: cần cho ăn đảm bảo các chất: protein từ 1,5 – 2,0g/kg thể trọng, nên ăn thịt bò, phomát, thịt lợn nạc, gan gà, cá, sữa đậu nành. Gluxid: 4-5g/kg thể trọng, nên ăn cơm, khoai tây, khoai lang, bánh ngọt, rau xanh các loại, trái cây chín. Lipid cần 0,5g/kg thể trọng, nên ăn dầu thực vật. Các loại vitamin nhóm B là cần nhất, cùng với vitamin C, K, PP, E, A, D. Bệnh nhân cần ăn nhạt nếu bị phù hoặc cổ trướng.