" Đấu tranh giai cấp là một trong những động lực thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội có sự phân chia giai cấp". Đấu tranh giai cấp thực chất là cuộc đấu tranh giữa những giai cấp mà lợi ích căn bản đối lập nhau. Đấu tranh giai cấp là một trong lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội có giai cấp đối kháng. Điều đo được thể hiện trước hết ở chỗ: Thông qua đấu tranh giai cấp sự xung đột giữa lực lượng sản xuất mới và quan hệ sản xuất già cỗi được giải quyết, bước quá độ từ một chế độ xã hội lỗi thời sàng một chế độ mới cao hơn được thực hiên. Xét đến cùng, nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người là hoạt động sản xuất ra của cải vật chất. Song sự phát triển của sản xuất chỉ diễn ra khi quan hệ sản xuất còn phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Khi quan hệ sản xuất đã lỗi thời thì mâu thuẫn với lực lượng sản xuất, mâu thuẫn này biểu hiện về mặt xã hội thành mâu thuẫn giữa giai cấp cách mạng đại biểu cho phương thức sản xuất mới, với giai cấp bóc lột, thống trị - đại biểu cho những lợi ích gắn liền với quan hệ sản xuất lỗi thời. Mẫu thuẫn đó chỉ có thể được giải quyết bằng cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp cách mạng và quần chúng bị bóc lột, mà đỉnh cao của nó là cách mạng xã hội, thay thế quan hệ xã hội cũ bằng quan hệ sản xuất mới, mở ra địa bàn mới cho sản xuất xã hội phát triển. Sản xuất xã hội phát triển, đương nhiên kéo theo sự phát triển của toàn bộ đời sống xã hội.