Trong khoảng vài năm trở lại đây, các nhà kinh tế, tài chính khắp nơi trên thế giới đều phải thừa nhận rằng các diễn biến kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên khó dự báo và kiểm soát. Sự kiện to lớn và gần đây nhất khiến cho hầu hết tất cả các nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách, nhà phân tích… phải ngỡ ngàng chính là cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bắt nguồn từ Mỹ đầu năm 2008. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phải chứng kiến sự suy yếu, sụp đổ của hàng triệu doanh nghiệp lớn nhỏ mà đặc biệt là thảm cảnh của tập đoàn Lehman Brother, một trong những định chế tài chính lớn nhất và lâu đời nhất tại nước này, cũng như việc các "người khổng lồ" khác như AIG, Bank of America, GM… cho dù đã được chính phủ Mỹ cứu trợ nhưng vẫn phải đối mặt với nguy cơ phá sản rất lớn. Sự kiện này đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của rất nhiều người trước đó về các tập đoàn rằng chúng "quá lớn để có thể đổ vỡ" và thu hút được sự quan tâm nghiên cứu đặc biệt của các nhà kinh tế trên toàn thế giới. Cho tới nay, nguyên nhân được cho là lớn nhất góp phần gây ra cuộc khủng hoảng trên là sự thả lỏng trong quản lý tài chính và kiểm soát rủi ro tín dụng trong các hợp đồng tín dụng mua nhà đất của người dân Mỹ. Sự thả lỏng này đã được duy trì trong một khoảng thời gian đủ lâu, trong khi giá nhà đất tiếp tục bị đẩy lên quá cao so với giá thực, khiến cho gần như toàn bộ hệ thống các ngân hàng, các quỹ đầu tư, công ty tài chính Mỹ trở nên yếu ớt và không còn đủ sức kháng cự khi những hợp đồng tín dụng kể trên bắt đầu bị phá vỡ. Ngoài rủi ro tín dụng, các cuộc điều tra sau cuộc khủng hoảng cũng đã cho thấy nhiều điểm bất hợp lý khác tại các tập đoàn lớn này, ví dụ như chính sách lương thưởng, chính sách đầu tư sang các ngành, lĩnh vực khác… Phải nhìn nhận thực tế rằng những nguyên nhân trên không chỉ xuất phát trong hoạt động quản lý từ phía các tập đoàn Mỹ mà còn từ hoạt động giám sát thiếu chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan giám sát tài chính tại nước này. Chính cuộc khủng hoảng đã là minh chứng vô cùng rõ ràng cho tầm quan trọng của một cơ chế giám sát tài chính đối với các tập đoàn. Tại Việt Nam, nhận thấy những lợi ích to lớn của mô hình tập đoàn kinh tế, rất nhiều các tập đoàn đã xuất hiện trong thời gian gần đây, bao gồm các tập đoàn tư nhân và các tập đoàn nhà nước với những đặc điểm, nhiệm vụ, mục tiêu và vai trò tương đối khác nhau.
|