Nền kinh tế nước ta đang ngày càng phát triển theo xu hướng hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà Nước đã và đang thực hiện chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó Nhà nước cần chú trọng phát huy nội lực đất nước, trong bối cảnh này, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản được đánh giá là ngành kinh tế kỹ thuật hết sức quan trọng, bởi nó liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, lại sử dụng nguồn tài chính và nhân lực hết sức to lớn. Thực tế cho thấy tại nước ta hoạt động đấu thầu trong xây dựng hết sức phổ biến và có vai trò đặc biệt quan trọng. Đấu thầu trong xây dựng tuy còn mới, nhưng qua nhiều bước hoàn thiện đã chứng tỏ sự phù hợp và tất yếu cần áp dụng trong nền kinh tế, nó thực sự mang lại hiệu quả kinh tế to lớn, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, thúc đẩy sự hoàn thiện của bản thân nhà thầu về năng lực và tổ chức để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về chất lượng công trình cũng như tiến độ thực hiện. Pháp luật về đấu thầu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực thi hiệu quả công tác đấu thầu. Nhìn chung Nhà nước ta đã rất nỗ lực trong việc ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực đấu thầu nói chung và đấu thầu xây lắp nói riêng để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước nhưng có thể nói tư duy luật chưa đạt yêu cầu, các văn bản được ban hành liên tiếp và thay đổi liên tục, có khi cùng một lúc áp dụng nhiều văn bản khác nhau, có khi một văn bản mới ban hành đã sửa đổi, điều này gây khó khăn cho việc áp dụng cũng như trong công tác kiểm soát hoạt động đấu thầu. Là một thành phố Thủ đô, Hà Nội luôn là một trong những thành phố đi đầu trong việc phát triển thương mại, thị trường Hà Nội đã và đang có những tiến bộ mới. Để đáp ứng nhu cầu đó, Thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng. Hiện nay Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đang chú trọng chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn thành phố. Tại các quận nội thành, chủ trương thành phố chủ yếu thực hiện chuyển đổi mô hình kết hợp với đầu tư xây dựng lại, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế. Trong số các dự án đó có dự án đầu tư xây dựng chợ Hôm thuộc quận Hai Bà Trưng thành trung tâm thương mại Chợ Hôm - Đức Viên. Dự án này được đưa ra đấu thầu năm 2007 nhưng cho tới hiện nay vẫn chưa khởi công được do phải tổ chức đấu thầu lại. Trong thời gian thực tập tại phòng Thanh tra - Sở Thương mại Hà Nội, tôi được tiếp xúc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhận thức được vai trò của đấu thầu nói chung và đấu thầu xây lắp nói riêng, nhận thức được thực tiễn áp dụng pháp luật đấu thầu xây lắp trong việc đấu thầu dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Chợ Hôm - Đức Viên, trong phạm vi khóa luận này tôi viết về "Pháp luật về đấu thầu xây lắp và thực tiễn áp dụng trong dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại chợ Hôm - Đức Viên". Khóa luận này gồm các nội dung chính sau: Chương 1: Lý luận chung về đấu thầu và đấu thầu xây lắp Chương 2: Thực tiễn áp dụng pháp luật đấu thầu xây lắp trong dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Chợ Hôm - Đức Viên - Nhìn từ góc độ Sở Thương mại Hà Nội. Chương 3: Hoàn thiện pháp luật về đấu thầu xây lắp, kiến nghị nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về đấu thầu xây lắp. Để hoàn thành khóa luận này, tôi xin chân thành cảm ơn thầy giáo Ths NGUYỄN HỮU MẠNH và Ths ĐỖ KIM HOÀNG đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn và tạo điều kiện giúp tôi hoàn thành bài viết này. Và khóa luận của tôi cũng không thể hoàn thành nếu không có sự giúp đỡ của các cán bộ phòng Thanh tra - Sở Thương mại Hà Nội. Do kiến thức có hạn, khả năng tiếp xúc và nhận thức thực tiễn còn hạn chế nên khóa luận này không tránh khỏi những sai sót, kính mong quý vị góp ý để bài viết của tôi hoàn chỉnh hơn.
|