Lúc ấy vào độ 3 giờ chiều, một ngày thứ năm. Trong khu sân quần mà bên ngoài là những hàng ruối kín mít, chỉ có một sân hữu là được hai người Pháp dùng đến. Hai đứa trẻ nhỏ tuổi uể oải đi nhặt những quả bóng để nén cho hai người Tây. Mồ hôi ướt đầm áo, hai người này cũng chơi uể oải như những nhà thể thao bất đắc dĩ khác. - xanh ca! (1) - xanh xít! (2) Những câu hô như vậy chen lẫn những tiếng bồm bộp của những quả ban bị đánh đi, như giữ nhịp cho khúc âm nhạc của mấy vạn con ve sầu. Ngoài đường ở vệ hè, một người bán nước chanh, ngồi chồm chỗm trên càng xe, đương nói chuyện với một người bạn đồng nghiệp. - Quái, thứ năm gì mà vắng thế! - Chốc nữa họ mới lại chứ? Bây giờ mới hơn ba giờ. Từ hôm nay trở đi, họ tập gấp, chắc ngày nào cũng phải luyện chứ chả cứ thứ năm thứ bảy hay chủ nhật… - Thế à? Sao biết? - Mê đi! Ba bốn tháng nữa, đức vua ra đây, lại còn gì! Chuyến này sẽ có cúp oai ghê… Các anh các chị gọi là tập mửa mật. Trên hè, dưới bóng cây gạo, một ông thầy số đã có tuổi ngồi bình tĩnh nhìn cái cháp, nghiên mực, miếng son, ống bút, với mấy lá số tử vi mẫu, thỉnh thoảng lại ngáp một cái như một nhà triết học chân chính. Cách đấy mười bước, Xuân Tóc Đỏ ngồi tri kỷ với một chị hàng mía. Thương mại? Không! Ấy là một cuộc tình duyên, với, hơn nữa - theo lối gọi của những ông làm báo - một cuộc tình duyên của Bình dân (chữ B hoa). Là vì Xuân Tóc Đỏ cứ sấn sổ đưa tay toan cướp giật ái tình… - … Cứ ỡm ờ mãi! - Xin một tị! Xin một tị tỉ tì ti thôi! - Khỉ lắm nữa! - Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn… - Thật đấy. Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ! Nhưng này! Duyên kia ai đợi mà chờ? Tình kia ai tưởng mà tơ tưởng tình? Hàng đã ế bỏ mẹ ra thế này này, mua chẳng mua giúp lại chỉ được cái bộ ếm… Xuân Tóc đỏ đứng phăng lên, anh hùng mà nói dỗi: - Đây không cần! Chị hàng mía lườm dài một cái, cong cớn: - Không cần thì cút vào trong ấy có được không? Xuân Tóc Đỏ lại cười hí hí như ngựa rồi ngồi xuống… - Nói đùa đấy, chứ đây mà lại chả cần đấy thì đấy cần đếch gì đây? Thôi đi, làm bộ vừa vừa chứ… Bán một xu nào. - Ừ! Ứ! Đưa tiền ngay ra đây xem! Rút ở túi quần sau một cái mù soa, cởi một nút buộc như một cái tai lợn, Xuân Tóc Đỏ đập đồng hào ván xuống thềm gạch xi măng đánh keng một cái rất oanh liệt. Trong khi chị hàng mía cầm một tấm để róc vỏ thì Xuân lải nhải tự cổ động cho mình: - Năm hào còn hai đấy! Tối hôm qua mất ba hào. Thết bạn cẩn thận… Hai hào vé đi tuần trong Hý viện rồi lại bát phở tái năm. Chơi thế mới chánh chứ? Công tử bột thì cũng chúa đến thế là cùng… Ấy ăn tiêu rộng như thế mới chết! Đây bảo đấy về đây phải lo thì khỏi ăn chơi, thì đấy mãi chả nghe! Chị hàng mía làm thinh, Xuân nhồm nhoàm nhai mía, lấy bã ném vào một cái cột đèn. Sau cùng, hắn chùi tay vào quần, đứng lên vươn vai… Chị hàng mía đưa trả hào chín tiền thừa thì hắn khoanh hai tay sau lưng không nhận. - Bỏ hộ vào túi quần… Thọc tay vào! Bực mình, chị hàng để tiền dưới đất thì hắn cúi xuống nhặt lấy vậy. - Chả nưới mẹ gì cả! Than ôi cái cảnh đêm thu tịch mịch càng làm như gợi khách đa sầu! Vừa hát mấy câu cải lương Nam Kỳ, hắn vừa đỏng đảnh tiến đến chỗ ông thầy số. Hắn đứng nhìn ông già hồi lâu như một anh dân quê lần đầu đứng trước cái chuồng khỉ của bà Bé Tý, rồi nói lớn: - Xem một quẻ đây! Ông cụ tỉnh cơn ngủ gật tức khắc, lôi ngay cái bút lông gài ở tai xuống nhanh nhẹn chẳng kém những thầy cảnh sát lúc biên phạt. - Hai hào! Hai hào một lá, có bằng lòng thì…. - Một hào đấy! Bói rẻ còn hơn ngồi không. - Ừ, thì đặt tiền đi vậy… - Thì đặt! Đây không cần! Hắn ngồi xuống chiếu, để lên nắp cháp hào chỉ. Ông thầy lấy giấy bản, loay hoay mài mực, nhổ vài ba bãi nước bọt vào nghiên mực, rồi cầm bút hỏi: - Ngày sinh, tháng đẻ, nói ra. - Hai mươi nhăm tuổi đấy, bố ạ! Tháng mười, ngày rằm, giờ gà lên chuồng. Ông thầy bò nhoài trên chiếc chiếu, trước khi viết lên giấy còn lẩm nhẩm đọc trong mồm và bấm trên ngón tay. Xuân Tóc Đỏ khoanh tay quanh hai đầu gối, để cằm tì lên một cổ tay. Ông thầy vừa viết vừa nói: - Tuần triệt đương đầu kiếp không thân mệnh…. Âm dương tuần triệt tại tiền, Cha mẹ ắt hẳn chơi tiên thuở nào. Nếu nói đúng giờ thì số này phải bồ côi sớm. - Đúng đấy! Đúng! - Lúc thiếu thời thì cậu vất vả lắm. - Khá! - À, mà số này cũng không xấu lắm đâu. Khốc hư tý ngọ cư quan Tiếng tăm rậy khắp giang sơn một thời. Sau này danh phận cũng to cơ đấy! - Được! Thế bao giờ? - Từ năm nay trở đi đã mở vận đấy. - Chưa thấy gì cả. - Cuối năm sẽ thấy. - Từ đầu năm đến giờ đã phát những gì? - Đầu năm đến giờ chỉ phát sao đào hoa thôi…! - Thế là thế nào? - Nghĩa là những chuyện giai gái thì dễ ăn thua lắm. Xuân Tóc Đỏ vỗ tay đôm đốp như những khi nó thấy bọn quần vợt đánh được một miếng hay. Rồi nó nói ngậu sị. - Đúng ghê! Đúng ghê! Hôm qua, lúc tan hát, đi qua ngõ Sầm Công thì có ba bốn chị chạy ùa ra, vây chung quanh, kéo tay, níu áo, tình bỏ mẹ ra ấy! Xin chịu thầy. Rồi quay lại doạ chị hàng mía: - Phải biết! Rồi khẽ nói với ông thầy: - Ngay như con bé bán mía này thì cũng "nước nôi" đến nơi chứ có không đâu! Cụ đoán đáng đồng tiền lắm. …….
|