Sách: Ám Ảnh Xanh - Khúc Bi Tráng Cuối Cùng

Ám Ảnh Xanh - Khúc Bi Tráng Cuối Cùng
93.000
Tác giả: Chu LaiBìa mềm. Xuất bản tháng 03/2013. NXB Văn HọcSố trang: 374. Kích thước: 13.5 x 21cm. Cân nặng: 330 gr
53a6e4187f8b9a77248b456c

vi
374
13.5 x 21cm.

Mô tả

Một ngàn chín trăm bảy tư.


Chiều cuối năm. Gió lạnh thổi hun hút trên cánh đồng mới gặt. Cảnh một làng quê vùng ngoại thành Hà Nội hiện ra nao buồn. Buồn như dòng sông mùa cạn đang trôi chảy lững lờ ngoài kia, buồn như cây cầu Long Biên không hiểu có tự thuở nào mà thân hình khẳng khiu cứ mãi rùng mình trong sóng nước như thế và buồn như con đò dọc nhà ai tối nay không hiểu đậu bến nào mà cánh buồm rách nát sao lại gợi lên tiếng thở dài của một kiếp đời trôi nổi, vô định làm sao. Gió bấc, mưa phùn làm nhòa đi luỹ tre, bờ ao, giếng làng, ngõ gạch, ngôi đền, gốc si, cây sung, mái lá, khói lam chiều... Bóng một cô thôn nữ đi làm về bước trên mặt đê ảo huyền như không có thật. Song lại rất thật cái dáng đi xiêu xiêu, chênh chếch của cô mỗi khi có một đợt gió mạnh từ dưới sông thổi lên. Ơi cô gái, cô đi về đâu trong cái chiều rét tái tê thế này? Cô đi về một mái nhà có cha, có mẹ hay có chồng, có con đang ngóng đợi bên mâm cơm đạm bạc và cũng có thể chả ai mong đợi cả, chỉ có mái nhà trống tuềnh với bát hương người chồng liệt sĩ ngún khói trên bàn thờ hoặc bóng hình người yêu vẫn hun hút ở nơi xa để mỗi đêm chợt thức giấc, đôi mắt đẹp của cô lại rớm tràn nước mắt... Nhìn bóng cô chuyển dịch đơn côi trong chiều muộn, không một người khách vãng lai nào lại không tự thốt lên từ đáy lòng một câu hỏi bùi ngùi như thế. Đất nước chiến tranh, dân tộc trận mạc, những câu hỏi như vậy âu cũng là lẽ thường tình. Thử hình dung bức tranh làng quê đồng bằng bắc bộ sẽ nghèo đi biết bao nhiêu nếu không có một cái dáng hình con gái đẹp và buồn đến phiêu linh như vậy.

Và cả mẹ nữa, ơi bà mẹ sông Hồng, nếu không có mẹ với mái tóc bạc phơ, nét mặt siêu thoát, nhân từ đang ngồi ở đầu ngõ tre pheo, những ngón tay nhăn nheo đang nhẹ đan một tấm áo len màu cỏ úa, mắt dõi nhìn về phương Nam diệu vợi như không nhìn thấy gì, không nhìn đi đâu cả, một cái nhìn xa xăm và nhẫn nại thì cái sức ràng níu ở hậu phương sẽ bớt độ ấm tình đi biết chừng nào! Trước mặt bà, trên đường làng lát gạch rêu phong có một bầy trẻ nhỏ đang chạy nhảy nô đùa với những trái bóng bay trên tay. Tiếng trẻ nói cười ríu ran làm bừng sắc cả cái ngõ nhỏ rợn ngợp bóng si già. Bà mẹ bất giác mỉm cười, cái nhìn nhòa dần đi... Để rồi trong cái nhìn bảng lảng một chút khói sương đó chợt hiện lên hình ảnh một cậu bé ngộ nghĩnh cũng đang chạy trên đường làng như thế. Hình ảnh ấy lớn dần thành một người lính Vệ quốc đoàn, mũ ca lô đội lệch, áo trấn thủ, ba lô vuông sau lưng đi xăng xái trên mặt đê, thỉnh thoảng lại quay lại đưa tay vẫy vẫy về phía bà, một tiếng Mẹ vang lên... Hình ảnh đó biến mất. Một hình ảnh khác cũng trẻ trung không kém, khuôn mặt hao hao giống với khuôn mặt kia nhưng là đội mũ tai bèo, áo Tô Châu xanh, ba lô con cóc trám thay vào đó, đang tươi cười chạy lại phía bà nhưng càng chạy lại càng xa, xa mãi, rồi mất hút vào đoàn quân đang bôn tập trên đường cái quan mù bụi để rơi lại một tiếng: "Bà ơi... Bà ơi... Mẹ ơi... hai tiếng gọi đó mới thân thuộc làm sao trong tâm tưởng bà mẹ khi người lính ra đi và cả khi người lính vĩnh viễn ngã mình vào lòng đất.

Bà mẹ tháo kính, ngừng đan, đưa vạt áo lên chấm khẽ nước mắt và khi nhìn lên, có một đoàn lính trẻ đầy mình ngụy trang, nụ cười rạng rỡ đang hành quân rầm rập tiến đến, rầm rập đi qua mặt bà trong những miệng cười trẻ trung và tiếng chào rộn rã:

- Bà giáo ơi! Bà ở lại nhé! Chúng cháu đi, hết giặc sẽ về.

- Bà ơi! Sao mắt bà buồn thế? Bà phải vui lên để cầu chúc cho con cháu ra đi chân cứng đá mềm chứ.

- Chắc lần này là xong đấy bà ạ! Dứt khoát xong để bà không phải ngồi đợi chờ mãi như vậy nữa.

- Chúng cháu chào bà. Bà vào đi không trời lạnh lắm đấy...

Bà mẹ mỉm cười gật nhẹ mái đầu trắng cước, cái cười héo hắt nhưng thật ấm. Đoàn quân đi qua, vẩn bụi tan dần, những chiếc lá tre khô không còn cuốn theo bàn chân chiến sĩ nữa. Họ đi khuất xa rồi mà vẫn văng vẳng lại bài ca Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước... Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình... Đám trẻ hò nhau đuổi theo đoàn quân một đoạn rồi cũng tản về nhà mình. Chỉ còn lại bà mẹ trong mênh mang buốt giá. Bà khẽ thở dài, từ từ đứng dậy bước vào trong nhà, đi đến bàn thờ, đốt mấy nén hương cắm lên rồi đứng lặng nhìn một tấm ảnh đã ố vàng thời gian, tấm ảnh một người đàn ông mang khuôn mặt cương nghị, cân quắc, có nét gì đó gợi nhắc đến hai khuôn mặt của hai hình ảnh trên kia. Tiếng bà lầm rầm như tiếng động của thời gian:

- Ông ơi... thế là chúng nó lại đi cả rồi. Làng xóm bây giờ vắng lắm! Ông có thiêng ông hãy về phù hộ cho chúng nó, cho ba cha con nó ở trong kia được gặp nhau, được tai qua nạn khỏi, tránh hết hòn tên mũi đạn trở về với làng xóm, về với tôi. Tôi bây giờ cũng yếu lắm rồi... ông có nghe tiếng tôi nói không?

Như để ứng lời bà mẹ, một nén hương bỗng phát cháy và một âm hưởng trầm hùng mơ hồ gì đó lạ lắm, như tiếng động của núi rừng, của tiếng chiêng cồng xa xôi khẽ nương theo ngọn lửa vang lên, vẳng tới khiến bà thoắt giật mình, toàn thân nhẹ rung trong một cảm giác tâm linh khác lạ. Tiếng động đó bay trên bầu trời, len vào từng nhà, đậu trên ngọn tre, lan xuống mặt sông và lắng lại trong đáy mắt bà mẹ. Tiếng mẹ lại thì thào, run rẩy:

- Ông... ông bảo chúng nó đang ở đấy phải không? Tôi... tôi biết ơn ông bao năm nay đã ở cạnh tôi nhưng xin ông vào với chúng nó đi... Xa ông tôi buồn lắm nhưng tôi ở một mình được rồi. Ông vào đi...

Giữa bàn thờ, một nén hương khác lại cháy sáng. Nước mắt bà mẹ rịn ra trên đôi gò má nhăn nheo... Ngoài kia, dòng sông dường như cũng đang rền lên cái âm thanh sâu thẳm và bí hiểm tới vô cùng đó. Cái âm thanh như dội lên từ lòng đất. Dội xuống từ chín tầng không trung. Dội vào trong cái nhìn của mẹ, bà mẹ Việt Nam, bà mẹ sông Hồng, bà mẹ đã bao lần tiễn chồng con ra đi để rồi chỉ biết âm thầm chờ đợi bên nhang khói hắt hiu...

 

(trích đoạn)

 




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận