Sách: Ô, dù, "lọng"

Ô, dù, "lọng"
Hữu Thọ là một trong những cây bút sắc sảo về đề tài chống tiêu cực.

vi
252

Mô tả

 

o duTác giả: Hữu Thọ

Số trang: 252 trang

Giá:  43.000đ

Hữu Thọ là một trong những cây bút sắc sảo về đề tài chống tiêu cực. Nhắc đến Hữu Thọ, điều làm người đọc ấn tượng nhất chính là những bài báo sắc sảo, đa dạng trong phong cách, tinh nhạy trong việc nắm bắt các vấn đề thuộc về đời sống, trong đó tiêu biểu là những bài viết về đề tài chống tiêu cực. Các bài viết được ông thể hiện bằng một lối ngôn ngữ hiện đại, linh hoạt, nhiều bài được viết bằng phong cách bàn bạc, đối thoại. Loạt bài phê phán thói hư, tật xấu của đời sống xã hội là một mảng rất điển hình cho phong cách chính luận của nhà báo Hữu Thọ.

Gần 60 năm cầm bút, quãng thời gian đủ để một đời người bước lên  hàng thượng thọ, nhưng ngòi bút của nhà báo Hữu Thọ thì dường như không có khái niệm già hay trẻ. Người ta vẫn thấy trong ông tràn trề nhiệt huyết, phong cách của nhà báo dám nhìn thẳng vào sự thật, không ngại đấu tranh với những vấn đề tiêu cực của xã hội.  Ô, dù, lọng là tên một tiểu phẩm mà ông đặt làm tựa đề cho cuốn sách, được viết theo lối châm biếm nhằm phê phán, lên án những hiện tượng tiêu cực như “ô”, “dù”, tham ô, tham nhũng, hối lộ, chạy quyền,… đã, đang và sẽ còn nảy sinh trong xã hội.

Cuốn sách bao gồm 108 tiểu phẩm, được viết từ tháng 2-2004 đến tháng 4-2006 đã được đăng trên báo Nhân dân cuối tuần cùng một số bài viết của nhà báo Hữu Thọ và một số bài trả lời phỏng vấn về ông. Các tiểu phẩm trong cuốn sách đều mang dấu ấn đời thường – một mảng đặc sắc trong sự nghiệp báo chí của nhà báo Hữu Thọ, là sự cống hiến có bản sắc của tác giả vào sự nghiệp báo chí trong thời kỳ đổi mới.

Qua mỗi tiểu phẩm của ông, người đọc đều nhận thấy giá trị nhân văn sâu sắc và những thông điệp ẩn chứa đằng sau nó. Các bài viết phản ánh đúng sự thật, nói trúng vấn đề bức xúc của xã hội, đáp ứng được sự hiểu biết mới qua thông tin mới và khía cạnh bình luận mới. Mỗi bài viết đều đậm đà tính đối thoại, thể hiện tinh thần chiến đấu cao, giọng văn nhẹ nhàng mà nặng lòng đời thực.

Lấy chủ đề là những mẩu chuyện đời thường tưởng chừng vặt vánh, nhưng những điều Hữu Thọ mắt thấy tai nghe đã được phản ánh sâu sắc trong từng tiểu phẩm, lần lượt những mặt trái của xã hội được ông phơi bày một cách khéo léo. Đó cũng là những trải lòng, những trăn trở, suy nghĩ của một nhà báo, một công dân có trách nhiệm với xã hội. Đọc tác phẩm của ông, có đôi lúc dường như người đọc phải dừng lại suy ngẫm, đặc biệt cách đặt tiêu đề tiểu phẩm rất hình ảnh, ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc như tiêu đề: Con thằn lằn màu gi? Cái tai, cái mồm… Các tác phẩm trong Ô, dù, lọng được ông viết bằng lối tư duy kín kẽ, nhưng cũng đầy cá tính, phong cách của một người không ngại đấu tranh với tiêu cực. Ông đã hòa nhập vào xã hội, lắng nghe, thấu hiểu để có những bài viết theo lối nhập cuộc, nóng hổi tính thời sự và chất suy ngẫm thế sự. Hàng loạt những vấn đề xã hội nhức nhối như: chạy quyền, chạy chức, tham ô, hối lộ, đánh bóng tên tuổi, làm thì láo, báo cáo thì hay, nói một đằng, làm một nẻo và những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, giá trị nhân cách con người của một số bộ phận cán bộ đang xuống cấp… được ông phản ánh, lồng ghép bằng những câu chuyện đời thường qua mỗi tiểu phẩm.

Đọc các bài viết của Hữu Thọ trong cuốn sách mới thấy, thời gian dần lùi xa, con người ngày càng già đi, nhưng ngòi bút của ông vẫn luôn dồi dào bút lực. Bởi ông biết gắn mình với xã hội, biết quan sát, lắng nghe, nhạy cảm với thời cuộc để nắm bắt các vấn đề một cách tinh nhanh. Cũng chính vì thế mà người đọc luôn tìm thấy ở các tác phẩm của ông những điều không bao giờ cũ.

Các tiểu phẩm được ông dẫn dắt tự nhiên, chặt chẽ, đan xen các vấn đề một cách khéo léo, đôi khi là bỏ ngỏ để người đọc tự ngẫm và rút ra kết luận. Nói đấy, kể đấy, cười đấy mà sao lại chua chát đến vậy; nhẹ nhàng đấy, điềm tĩnh đấy nhưng sao vẫn trĩu nặng suy tư. Thấu hiểu lý lẽ nhân gian, biết nhìn nhận cái đúng, sai, những tiểu phẩm của ông luôn được thể hiện dưới nhiều hình thức, giọng điệu khác nhau. Ngòi bút ông đi sâu vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội, ông vạch trần và hé lộ cho người đọc thấy những mảng tối mà nếu không phải người trong cuộc thì khó biết được.

Bằng tài năng và ngòi bút của mình, Ô, dù, lọng là tập hợp những tác  phẩm đầy chiêm nghiệm, đúc kết nhưng cũng rất thực tế có tính chiến đấu cao. Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, mượn câu chuyện này để rẽ người đọc sang hướng khác, ngòi bút Hữu Thọ luôn sâu sắc, tự tại mà cũng biến ảo, linh hoạt đến bất ngờ. Trong tiểu phẩm “Người hiền” mới có thể dùng “người hiền”, Hữu Thọ đã dùng chuyện người xưa chọn hiền tài mà nói về thời nay: “Đọc lịch sử, thấy vua Trần Minh Tông trong lời dặn lại vua con và quần thần trước khi mất… Trong lời dặn đó, Người nói: “Nếu ta không hiền thì kẻ ta dùng cũng không hiền. Đó chính là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, cùng loại thì hợp nhau”. Còn “ngày nay, phát hiện “người hiền” là từ tập thể, nhưng sử dụng “người hiền tài” tuy cũng là tập thể nhưng vai trò người đứng đầu là rất quan trọng”. Thế mới thấy rằng người xưa chọn hiền tài bao gồm cả đức lẫn tài, việc lựa chọn người hiền còn là từ tấm lòng, cách nhìn người, sử dụng người của các bậc minh quân, còn người nay lại phụ thuộc vào tài nịnh hót, vào “ô, dù”…

Những hiện tượng văn hóa lai căng, được du nhập từ một số nước được thịnh hành, những kiểu ăn mặc không phải lối trong thời gian gần đây cũng được ông bàn đến trong tác phẩm Lạc điệu: “Đang có trào lưu ăn mặc theo “mốt” của một số bạn trẻ. Thật ra các bạn đó cũng không am tường lắm về các “mốt” ăn mặc của thế giới. Chủ yếu là bắt chước cách ăn mặc của nhân vật mà các bạn đó ưa thích… Ấy thế mà ở ta có bạn còn vác cả đồ bắt chước các “ngôi sao” màn ảnh đó ra trường, cũng bắt chước nhuộm tóc đủ màu… Mọi người nhìn họ không phải để ngắm một kiểu trang sức, một phong cách đẹp, mà là tò mò nhìn một con người học mót lố bịch, một con người lạc điệu”. Họ mải miết chạy đua theo cái gọi là “mốt” mà quên đi một điều rằng: trang phục không chỉ toát lên vẻ đẹp hình thức, mà còn thể hiện vẻ đẹp về văn hóa, tri thức của người sử dụng nó. Hay trong tiểu phẩm Trăm đường trù úm, bằng hình thức bàn bạc hội thoại, tiểu phẩm đã mạnh dạn bàn bạc đưa ra lý do tại sao tình trạng tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống tham nhũng lại bị hạn chế: “… một anh bạn nói: - Chính sự trù úm và cái bệnh sợ trù úm đã làm cho nhiều người ngại ngùng không dám góp ý phê bình hoặc đấu tranh với các sai phạm của thủ trưởng. – Còn cả sự nể nang và móc ngoặc nữa chứ. Nhưng đúng là sự trù úm là cản trở quan trọng…   Nhưng day dứt nhất là chuyện thủ trưởng không tin tưởng, không hỏi ý kiến, không giao việc quan trọng… coi như vẫn lĩnh lương, vẫn giữ trách nhiệm mà “ngồi chơi xơi nước” như người vô tích sự”.

Hữu Thọ đã hoàn toàn chinh phục người đọc bởi sự thông minh, tinh nhạy và hiểu biết thấu đáo. Dường như chạm đến lĩnh vực nào, ông cũng rất am tường: về vấn đề giáo dục, ông có tác phẩm Số phận các thủ khoa, Tâm sự của một nhà báo về "bán chữ, mua chữ""; về văn hóa quảng cáo có bài Văn hóa quảng cáo, Lạc điệu; về vấn đề tham ô, hối lộ: Thế nào là đủ?, Khôn ngoan chẳng lọ thật thà… Có bài chỉ một "vốc chữ", chưa đầy một gang tay, nhưng lại đề cập đến nhiều vấn đề lớn, có chất thời sự và có tính muôn thuở. Vẫn luôn là vậy, các bài báo của Hữu Thọ thường bàn đến nhiều vấn đề lớn trong một bài rất nhỏ. Dựa trên những mẩu chuyện hội thoại đời thường nhưng Hữu Thọ vẫn có thể dựng chúng thành những bài báo đọc không bao giờ nhạt.

Bằng chính những tác phẩm báo chí của mình trong suốt thời gian qua, Hữu Thọ đã tìm được giọng điệu riêng cho mình trong giàn đồng ca đa thanh của làng báo chí đương đại và ngày càng bộc lộ rõ rệt những điệu khúc đặc biệt của riêng ông. Tỉnh táo mà đắm say. Khôn ngoan mà vẫn nhân hậu. Biết nhiều mà không chán nản. Hiểu thấu mà không kiêu bạc… Những phẩm chất này đã hòa quyện trong ông thành một “bản năng gốc” tự nhiên mà dung dị và để độc giả đọc một lần là nhớ mãi.

 


 

 

 




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận