“Nàng Thơ ơi, hãy kể cho ta nghe chuyện vị anh hùng muôn vàn trí xảo, sau khi dùng mưu hạ được T’roa thần thánh, đã phiêu lưu khắp đó đây, đặt chân lên bao nhiêu thành bang và thông hiểu biết bao phong tục! Khi còn lênh đênh trên biển cả, chiến đấu bảo vệ tính mệnh của mình và để cho các bạn đồng hành được trở về xứ sở, người đã chịu bao nỗi đắng cay! Nhưng người không cứu được họ như lòng người mong mỏi…” (Trích).
Cầu nguyện thần Thơ ở đầu thiên trường ca, Hômerơ đã giới thiệu nhân vật chính Ulyxơ với nội dung thiên trường ca Ôđyxê về nhân vật ấy. Sau mười năm chinh chiến xa quê hương mới được trở về Tổ quốc, “vị anh hùng” ấy lại phải làm mồi cho sự phục thù của thần Đại Dương, bị những cơn gió tai ương đuổi theo, thổi phiêu bạt trên biển cả mênh mông, bị những nữ thần cầm tù ở những đảo xa lạ, gần mười năm nữa. Hai mươi năm xa cách, Ulyxơ mới được đặt chân lên đất quê hương, thì người vợ đức hạnh, chung thủy, Pênêlôp đang bị hơn trăm kẻ cầu hôn ép buộc phải tái giá với một người trong bọn họ. Con người “muôn vàn trí xảo” lại phải chiến thắng kẻ thù mới được đoàn tụ với vợ con.
Cuộc lữ hành gian khổ của Ulyxơ không phải là sản phẩm đơn thuần của trí tưởng tượng. Trong đời sống của người Acai, tổ tiên người Hy Lạp ngày nay, chinh chiến và đi biển là hai hoạt động chủ yếu. Ôđyxê là bản trường ca về sinh hoạt hàng hải. Tả về những cuộc lữ hành trên biển, nhất là những cuộc hồi quân từ T’roa về quê hương là một thể sử thi thịnh hành trong thời đại các anh hùng.