Chị “dại khờ “ kể cho chúng ta nghe câu chuyện của chính chúng ta. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1981.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của cây bút trẻ Nguyễn Quỳnh Trang mang cái tên như một “phóng sự lịch sử”: 1981. Nhan đề của cuốn sách không hề có dụng công đánh đố người đọc, nó đơn giản chỉ là một mốc thời gian, đơn giản như một giây có thêm một số đứa trẻ được sinh ra và một số người nhắm mắt xuôi tay về với vĩnh hằng. Là một người đa cảm, hay lo nghĩ, với gần 300 trăm trang tiểu thuyết, tác giả như muốn níu giữ những tâm hồn không dễ lãng quên trong cuộc đời này.
Khác với nhiều cây bút thuộc thế hệ 8X thường “buông thả” cho mạch chuyện trôi theo dòng cảm xúc, Nguyễn Quỳnh Trang lại lựa chọn một lối giãi bày tâm tư khá logic. Tác phẩm của chị chủ định tìm đến một niềm đồng cảm với người đọc chứ không phải ban phát những câu từ để “lạ hoá” cảm xúc. Chị "dại khờ" kể cho chúng ta nghe câu chuyện bắt đầu từ năm 1981.
Kết cấu của tác phẩm khá đặc biệt: hai câu chuyện của một người được khớp nối vào nhau nhưng tác giả chủ động thay vai người kể chuyện. Quỳnh - nhân vật chính của thời quá khứ được khắc hoạ qua con mắt của “người kể chuyện biết tuốt” (hay thông tuệ như Chúa trời), và Tôi - nhân vật chính của thời hiện tại cũng là người giãi bày. Nếu trong vai “người kể chuyện biết tuốt”, Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ những xung động ấu thơ với thế hệ 8X - những người khép lại một “thời đại ăn cơm độn”, thì với nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, chị lại chủ định tạo lập cho nhân vật một nét tính cách riêng, khá cởi mở, và khi ấy cuốn tiểu thuyết trở thành “một trường hợp”. Nhưng ở “vai” nào, Nguyễn Quỳnh Trang đều cho thấy một lối kể chuyện tự nhiên, tự nhiên như “ngày nào cũng xuống phố, ngày nào cũng ngồi ở quán café để nhâm nhi cho hết buổi chiều” vậy.
Ngay từ những chương đầu tiên, chúng ta đã biết mối quan hệ giữa Quỳnh và Tôi, dẫu cho họ có lối sống hoàn toàn khác biệt. Hoàn cảnh xô đẩy hai tâm hồn. Họ thuộc về hai thời đại khác nhau, nhưng vẫn là một trong khát khao “người với người sống với nhau tử tế”. Qua hai thế kỷ (thậm chí là hai thiên niên kỷ), họ vẫn nguyên vẹn là những con người cô đơn, lẻ loi và lạc lõng. Dẫu đã từng có một mái ấm gia đình, một người cha “nuôi” lý tưởng, người em trai hồn nhiên… Quỳnh vẫn nhanh chóng trở thành nạn nhân của một thời kỳ khốn khó. “Nạn dịch” đói ăn, đói mặc, đói công danh, thừa thãi sự ích kỉ đáng thương hại… đã nhấn chìm tuổi thơ của cô. Còn Tôi là nạn nhân của thời kỳ đói sự tử tế, đói lòng thương trong một cuộc sống no đủ và quay cuồng vì không còn gì đáng tin. Một đằng lâm vào cảnh đói khát tàn bạo, một đằng là tàn bạo để khỏi đói khát. Rốt cuộc thì họ (và cả chúng ta) vẫn cứ sống bơ vơ, bơ vơ để mà sống.
Nguyễn Quỳnh Trang đã thành công khi làm chủ đựơc giọng điệu của mình. Chị khiến người đọc day dứt bởi những trang văn viết về tuổi thơ của Quỳnh và trăn trở bởi những nỗi lòng “tưng tửng như không” của Tôi. Nghĩa là ở đâu và bất cứ khi nào, các nhân vật của chị vẫn cứ “âm thầm náo động những trái tim đa cảm thông minh” của người đọc. Với 52 chương (có chương viết rất ngắn), diễn biến nhanh gọn, gấp gáp, xen lẫn từng chương quá khứ và hiện tại vào nhau, việc thay đổi điểm nhìn cứ dồn đẩy người đọc đi từ những suy tư này đến những nghiền ngẫm khác. Một bài toán của nỗi đau, của hi vọng và chán chường không trông mong vào những lời biện giải. Cứ sống đã, cứ tự tin tồn tại giữa đời này.
Khó mà xác định được rạch ròi những tuyến nhân vật trong 1981. Nhân danh ai và cái gì chúng ta quy kết họ là người tốt hay kẻ xấu? Rốt cuộc thì họ vẫn mãi là một thứ đồ chơi trong tay Chúa, là sản phẩm của sự Hữu Minh, họ đang tồn tại với bản năng sống thuần tuý. Từ cậu bạn đồng tính với nỗi đau thành thực, từ gã người yêu lịch lãm… đến một người cha “ưu thời”, một người mẹ cam chịu… Họ sống với một bản ngã đã được định đoạt. Cát bụi đôi lúc bay lên và tan biến để không phải trở về với cát bụi. Văn của Nguyễn Quỳnh Trang giàu cảm xúc, nó xoa dịu tâm hồn bấn loạn, làm mềm những suy tư căng thẳng tựa dây đàn.
Một vài chi tiết kì ảo không làm “lãng đãng” câu chuyện của Nguyễn Quỳnh Trang. Ngay cả trong cơn mơ hay những lời tiên đoán, sự thật vẫn hiện ra gai góc và lạnh lùng. Những ẩn ức được thổi bùng lên trong nỗi đau chân thật, bởi rốt cuộc thì muốn hay không muốn, “Tôi đã ở đây trong cuộc đời này”.