Sách: 80 người làm thay đổi thế giới - Kinh doanh sạch và lợi nhuận lâu dài

80 người làm thay đổi thế giới - Kinh doanh sạch và lợi nhuận lâu dài
74.000

vi
12 x 20 cm

Mô tả

CHI TIẾT SÁCH

Tên sách: 80 người làm thay đổi thế giới - Kinh doanh sạch và lợi nhuận lâu dài

Tác giả: Sylvain Darnil, Mathieu Le Roux

Dịch giả: Nguyễn Hồi Thủ

Số trang: 368 trang    

Khổ sách: 12 x 20 cm

Giá bìa: 74.000 VNĐ

Nhà xuất bản Tri thức, tháng 5/2009 

Lời tựa của Maximilien Rouer

Tôi sinh ra trong một thế giới khá giản dị. Năm 1972, người ta chia ra hai loại người: loại “tốt” và loại “ác”, họ có thể hoặc là những người cộng sản hoặc những người khác, tùy theo kẻ nói là ai... Sự phân biệt này là điều khó tránh và mọi người đều tự do lựa chọn phe của mình. Hôm nay, tự định nghĩa mình trở nên rắc rối hơn. Nếu vài cậu thanh niên vẫn còn bằng lòng với các quy chiếu của hôm qua thì nhiều người khác lại tìm cách kiến tạo mình theo những vấn nạn mới, hiện thực và toàn cầu: Sự rối loạn khí hậu, tham nhũng, cuộc chiến chống nghèo khó, thiếu nước, tổn hại đến đa dạng sinh học.

Quyển sách này là để dành cho họ.

Càng ngày càng đông, những người trẻ tuổi này không công nhận mình thuộc các kiểu mẫu của quá khứ mà họ xem không còn phù hợp với thực tế của mình. Ngược lại với thế hệ 68[1], thế hệ này rõ ràng là đã được hội nhập, có bằng cấp và thuộc về những môi trường xã hội được hưởng đặc quyền. Những thành viên của nó chấp nhận nhiều quy tắc áo quần và ngôn ngữ. Nhưng thái độ của họ chỉ “bình thường” một cách bề ngoài. Họ chối bỏ chặng đường bố mẹ họ đi qua, sự nghiệp trong một công ty lớn, với tiện nghi và xe cộ to đẹp. Tuy nhiên, họ làm việc rất căng. Họ ít khi có thẻ của một đảng chính trị, thế mà họ lại hoàn toàn dấn thân đấu tranh để cho một nhân sinh quan mới về cuộc sống được tồn tại. Họ tố cáo sự bất lực của thế hệ 68 và không thể hình dung được một cách nào khác về sự dấn thân của mình ngoài công cuộc đóng góp cụ thể, hữu hiệu và có thể đo đếm được cho xã hội.

Theo tôi, Mathieu và Sylvain là những người như vậy. Họ đến tìm tôi vào tháng 9 năm 2002 với hai tính cách rõ rệt. Người thứ nhất trông như một anh trẻ tuổi vừa ra trường: đầy nghị lực, ý chí và tham vọng. Người thứ hai đã thuyết phục tôi làm việc với họ. Dự án của họ là sản phẩm thuần túy của hình thức dấn thân mới này: một trạng thái tinh thần kết hợp lý tưởng với chủ nghĩa thực dụng. Một quyết tâm thành công và muốn gây tác động nhưng không phải về bất cứ phương hướng nào.

Công ty mà tôi góp phần thiết lập, BeCitizen, đã được thai nghén như một công cụ để hướng các xã hội về một sự phát triển bền vững bằng các hoạt động của nó. Hai chục người đang quây quần chung quanh tôi hôm nay đều cùng chia sẻ một mong muốn có được kết quả cụ thể, một tác động tích cực toàn diện. Tuy chưa thật sự được biết đến, BeCitizen đã nhận được hàng chục hồ sơ lý lịch xin việc mỗi tuần. Những người trẻ tuổi siêu-bằng cấp, vài kẻ tập sự và những người khác nhiều kinh nghiệm hơn, những người hôm qua còn đang xin việc trong các tập đoàn lớn, hôm nay lại tẩy chay chúng vì thấy đó là những cấu trúc vô nghĩa hoặc chỉ xem đấy là một lối đi bắt buộc đưa đến sự dấn thân hữu hiệu hơn sau đó... Họ đặt ưu tiên cho ý nghĩa hành động trên quy chế chức vị. Từ nay, họ muốn cuộc đời mình có ý nghĩa hơn là thành công “trong cuộc đời”.

Có lẽ những người trẻ tuổi này đã ý thức được lợi thế của họ: giàu có (thuộc về 1/6 dân số hành tinh đang tiêu thụ 80% tài nguyên thế giới), được giáo dục và tự do (công dân của một nhà nước pháp quyền và dân chủ). Họ nhận thấy cái địa vị thoải mái này bắt họ phải có trách nhiệm với những người không được hưởng những thứ ấy. Thật vậy, đối với 5/6 còn lại: Làm sao có thể nghĩ đến tương lai khi cái thường nhật không được bảo đảm? Khi sự thiếu vắng giáo dục làm tha hóa con người? Khi sự suy nghĩ không thôi đã là phạm tội?

Cuộc cách mạng Internet đã làm cho ý thức này càng trở nên tự phát. Nói nhiều thứ tiếng và lúc nào cũng nối mạng, thế hệ này cảm thấy hơn bao giờ hết là mình gắn liền với cả thế giới. Sự giảm giá của các phương tiện chuyên chở gần đây đã cho phép họ, ở tuổi 25, đi du lịch – nghĩa là được quan sát – nhiều hơn cả một đời của thế hệ trước. Đem so sánh các nỗi ưu tư của họ với ưu tư của thế hệ trước, thế hệ này đã ý thức hơn bao giờ hết những nguy cơ xã hội và môi trường mà họ phải nhanh chóng tìm được những câu trả lời. Càng ngày càng nhiều người trẻ tuổi biết lãnh trách nhiệm đối với tương lai chung của họ - “cùng hội cùng thuyền với nhau” - và tìm cách hành động. Thêm vào đó, họ ý thức được rằng Nhà nước không tự cho phép riêng mình đưa ra giải pháp đối với các nguy cơ mới này. Về phần tôi, lên 16 tuổi, năm 1988, tôi mang dấu ấn suốt đời bởi sự khập khiễng giữa cuộc khủng hoảng máu nhiễm trùng với sự trì trệ chính trị để giải quyết nó[2]. Từ đó tôi tin chắc rằng, tính phức tạp của những cuộc khủng hoảng mới sẽ vô hiệu hóa tất cả các mưu toan giải quyết đến độc nhất từ phía trên, và ngược lại, để giải quyết, cần thúc đẩy sự liên đới của tất cả. Thế hệ mới này tự nhận lấy trách nhiệm của mình, họ sớm nhận biết rằng thế hệ đàn anh không tài nào đủ sức để gìn giữ những đặc quyền của họ. Họ muốn tự lo liệu lấy cái thế giới mà con cái họ sẽ sống. Vì vậy, chúng ta phải cùng góp phần phát kiến và chấp nhận những giải pháp cách tân để đối mặt với các thách thức xã hội và môi trường mới, và phải làm với tư cách công dân, cổ đông, người tiêu thụ, nhân viên một thể chế, người tranh đấu và nhà kinh doanh.

Đó là điều mà Sylvain và Mathieu đã quyết định chứng minh cho chúng ta khi đi vòng quanh Trái đất để gặp những người đàn ông và đàn bà đang hành động, phát kiến, gây cảm ứng, sáng tạo, thông tin, xây dựng những giải pháp lâu bền. Những nhân vật được trình bày ở đây là những người đầy nhiệt huyết, những nhà kinh doanh ý thức được các nguy cơ và quyết tâm hành động thay vì chịu đựng. Quyển sách này là một thông điệp lạc quan, ví dụ nó chứng minh rằng chúng ta có thể tưởng tượng được những giải pháp cũng hữu hiệu, tiện lợi, sinh lợi khác - mà lại bền vững, tôn trọng con người lẫn môi trường hơn nhiều.

Mong sao họ có thể thuyết phục mọi người rằng một thế giới khác là khả thi và khuyến khích các bạn hành động theo hướng này, bằng cách gợi cảm hứng qua những giải pháp được đề cập ở đây, nhưng nhất là làm sao bắt đầu bằng cách nghĩ ra những giải pháp của chính các bạn...

Maximilien Rouer,

Sáng lập viên và Chủ tịch của BeCitizen[3] 

***** 

Mục lục

Lời tựa của Maximilien Rouer           

Nhập đề  

 

I. Châu Âu

1. Tristan Lecomte - Paris (France)

Mậu dịch công bằng  

2. Peter Malaise - Lalle (Bỉ)

Ecover và chất tẩy rửa sinh thái         

3. Peter Koppert - Berkel en Rodrenriijs (Hà Lan)

Canh nông bền vững, chỉ giản dị thế thôi!    

4. Jorgen Christensen - Kalundborg (Đan Mạch)

Khuôn viên sinh thái Kalundborg, một sự “cộng sinh sinh thái” thật sự      

5. Jan Peter Bergkvist - Stockholm (Thụy Điển)

Chủ khách sạn sinh thái         

6. Karl Stützle - Düsseldorf (Đức)

Hóa chất cho thuê      

7. Carlo Petrini - Bra (Ý)

Carlo và Slow Food   

 

II. Châu Á

1. Dr. Govindappa Venkataswamy - Madurai (Tamil Nadu/Ấn Độ)

Dây chuyền Mc Donald cho bệnh đục thủy tinh thể 

2. Bác sĩ Chandra Gurung - Katmandu (Nepal)

Du lịch sinh thái ở Nepal       

3. Sulo Shrestha Shah - Katmandu (Nepal)

Để thay đổi thế giới, bà ta đã lập công ty riêng         

4. Muhammad Yunus - Dacca (Bangladesh)

“Hướng về một thế giới không nghèo khổ”  

5. Iftekhar Enayetullah và Maqsood Sinha - Dacca (Bangladesh)

Chất thải: một mỏ vàng         

6. Suraiya Haque - Dacca (Bangladesh)

Hàng trăm nhà trẻ ở Bangladesh       

7. Allen Chan - Hồng Kông (Trung Quốc)

Trồng rừng, một nghề làm ăn mới     

8. Takao Furuno - Fukuoka (Nhật Bản)

Gạo vịt, sao lại không?          

 

III. Bắc Mỹ

1. Thomas Dinwoodie - Berkelay (Hoa Kỳ)

Mới dưới ánh mặt trời           

2. Dov Charney - Los Angeles (Hoa Kỳ)

Một “nhãn hiệu đạo lí” 100% Mỹ      

3. Neil Peterson - Seattle (Hoa Kỳ)

“Nếu chúng ta dùng chung xe?”        

4. Amory Lovins - Snowmass (Hoa Kỳ)

Năng lượng để bán lại...         

5. William Drayton - Arlington (Hoa Kỳ)

Kinh doanh để thay đổi thế giới        

6. William McDonough - Charlottesville (Hoa Kỳ)

Kiến trúc cho hành tinh         

7. Gary Hirshberg - Londonderry (Hoa Kỳ)

Cuộc cách mạng sinh học      

8. Oliver Peoples - Cambridge (Hoa Kỳ)

Nhựa sinh học, thật kỳ diệu! 

9. Amy Domini - Boston (Hoa Kỳ)

Người đàn bà thì thầm “đạo lý” bên tai các ông chủ Phố Wall         

10. Ray Anderson - Atlanta (Hoa Kỳ)

Người Chủ tịch Tổng Giám đốc đã cải biến…

 

IV. Nam Mỹ và châu Phi

1. Guy và Neca Marcovaldi - Praia do Forte (Brazil)

Tất cả vì những con rùa…     

2. Rodrigo Baggio - Rio de Janeiro (Brazil)

Công dân tin học       

3. Jaime Lerner - Curitiba (Brazil)

Người châm cứu cho đô thị    291

4. Fabio Rosa - Porto Alegre (Brazil)

Từ cây đèn cầy đến năng lượng mặt trời…   

5. Hernando de Soto - Lima (Peru)

Eldorado của kinh tế không chính thức…     

6. Garth Japhet - Johannesburg (Nam Phi)

Truyền hình thực tế ở Soweto           

7. Nick Moon - Nairobi (Kenya)

Công nghệ thích ứng với kinh doanh

Kết luận         

Sáng kiến để không ảnh hưởng đến khí hậu của chúng tôi.  

Tài liệu tham khảo      

Lời cảm tạ   



[1] Thế hệ 68: Thế hệ các sinh viên trẻ ở Pháp vào năm 1968 với những phong trào phản kháng tả khuynh bắt đầu bằng sự kiện chống chiến tranh Việt Nam – ND.

[2] Năm 1988, máu nhiễm vi khuẩn HIV đã được truyền và lây lan cho hàng loạt bệnh nhân trong các nhà thương Pháp – ND.

[3] Hoạt động của BeCitizen là cố vấn chiến lược cho những công ty, cảnh báo, thông tin và giáo dục đại chúng về những lợi hại của sự phát triển bền vững. Nó đề xuất những giải pháp thay thế thực tiễn cho những người có thẩm quyền và những người dẫn đầu dư luận, tài trợ nghiên cứu thăm dò và huấn luyện để thích nghi với những nguy cơ mới. Những sáng lập viên của BeCitizen đã thành lập doanh nghiệp độc lập này như một đòn bẩy hành động để hoàn thiện kiểu mẫu phát triển hiện nay. Mục đích của họ là hành động trong các lĩnh vực mà việc làm của họ đạt được ảnh hưởng đáng kể.




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận