Sách: Biên thành

Biên thành
43.000
53a6e4d97f8b9aec248b4587

vi
196
12 x 20 cm

Mô tả

Tóm tắt tác phẩm
 
Thúy Thúy, cô bé mồ côi sống cùng ông ngoại làm nghề lái đò trên con sông đã trở thành một thiếu nữ khả ái ở tuổi 15. Người ông vui mừng khi thấy cậu cả Thiên Bảo của gia đình chủ bến đem lòng thương yêu cô Thúy Thúy nhưng nàng chẳng hề để ý tới việc cưới xin. Thực ra, trái tim nàng đã thầm lặng hướng theo cậu hai Na Tống, cho dù chàng trai đã được gia đình sắp xếp cho cuộc hôn nhân với một gia đình danh giá. Cuộc tình tay ba chưa có lối thoát thì cái chết đã cướp đi cậu cả Thiên Bảo trong một chuyến đi thuyền. Thúy Thúy bị coi là kẻ mang vận đen cho gia đình chủ bến, tình yêu của nàng và Na Tống rơi vào tuyệt vọng. Người ông quá lo lắng, đau buồn cũng sớm lìa bỏ cuộc sống trong một đêm mưa gió. Na Tống chẳng tìm ra cách giải quyết nào cho số phận tình yêu, ra đi không một lời hẹn ước. Thúy Thúy ở lại với con đò cô đơn, chờ mong người con trai có thể sẽ về mà cũng có thể chẳng bao giờ quay lại.
 


Nhận định

“Vẻ đẹp tạo hình của Biên thành – thiên tiểu thuyết có nhân vật chính là một ông lão và cô cháu gái này luôn được giới phê bình nhấn mạnh; nó làm ta nghĩ tới một bức tranh Trung Hoa cổ điển, và mời gọi ta trở lại kiếm tìm một thế giới trữ tình đã mất của những ai chài, của đồng nội… Một kiệt tác của một tác giả quan trọng.”
- SDM -

“Bị khuất đi nhiều bởi những đồng nghiệp nổi tiếng có lối viết thiên về chính trị như Lỗ Tấn hay Lão Xá… Tác phẩm của Thẩm Tùng Văn đan dệt phức tạp, giàu có tầng lớp và trữ tình. Trung Hoa của quá khứ và hiện tại sống động trong văn ông một cách tự nhiên như vốn thế. Nỗi buồn thấm qua nhưng cảnh đồng quê… có gì đó không chắc chắn và cũng nhiều hy vọng... Trong khi Lỗ Tấn là nhà ký sự của siêu ý thức xã hội thì Thẩm giống như một nhà nhân loại học, và trong ý nghĩa này, dương như ông gần với độc giả hiện đại hơn. Trong khi những người khác hướng đến một xã hội Trung Hoa của tự phê bình, của các thay đổi, thì Thẩm, một cách đẹp đẽ và giản dị, chỉ cho ta cuộc sống vốn dĩ vẫn hiện hữu như thế đó. Tác phẩm của ông là sự hoà quyện giữa nỗi buồn sâu xa cho quá khứ, hy vọng cho tương lai, và hơn tất cả, là vẻ đẹp và sự trong sáng của cõi sống hiện tại”.
- Matthew W.Baker -
 
*****
 
Trích đoạn tác phẩm
 
Sáng sớm ngày mồng Năm, trời mưa bụi, nước cho thuyền rồng đã dâng lên ở phía thượng du, nước sông đã chuyển sang màu đỗ xanh. Ông quản đò vào thành mua một số thứ cần dùng để ăn tết. Ông đội nón làm bằng lá cọ, xách một cái làn, một quả bầu to để đựng rượu, vai còn vắt một cái đẫy hai túi, trong đó có một xâu gồm sáu trăm tiền. Vì là ngày tết nên rất nhiều người từ xóm lớn, thôn nhỏ mang tiền, gánh hàng vào thành bán và mua. Những người này dậy từ rất sớm nên sau khi ông ngoại đi rồi, con chó vàng trông đò cùng Thúy Thúy. Thúy Thúy đội trên đầu cái nón mới tinh, kéo hết chuyến đò này đến chuyến đò khác chở khách qua lại. Con chó vàng ngồi ở đầu đò. Mỗi khi đò cập bến, nó nhảy trước lên bờ cắn chặt dây chão khiến ai đi đò cũng thích thú. Có một số khách là dân quê cũng mang chó vào thành. Đúng như tục ngữ thường nói, “chó cậy gần nhà”, một khi chó rời khỏi nhà thì dù có đi cạnh chủ cũng trở nên hết sức hiền lành. Khi chó ấy qua đò, con chó của Thúy Thúy thế nào cũng tới đánh hơi. Nhận được từ Thúy Thúy một ánh mắt, con Vàng hình như hiểu ý chủ nên không dám có hành động nào khác. Cho mãi đến khi nhảy lên bờ làm xong việc kéo dây chão, thấy con chó lạ leo núi thì thế nào con Vàng cũng đuổi theo. Nó hoặc đánh hơi người chủ của con chó kia, hoặc đuổi theo con chó lạ. Lúc ấy Thúy Thúy bực mình gọi to: “Vàng, Vàng, mày làm gì thế? Còn có việc phải làm, mày đã chạy à?”, thế là con Vàng vội trở về đò rồi đánh hơi khắp sàn đò, mãi không thôi. Thúy Thúy mắng:
- Này làm cái trò điên gì thế? Bắt chước ai thế? Còn không ngồi im ở đầu đò hay sao?
Con Vàng cực kỳ hiểu biết, tức khắc trở về chỗ cũ, chỉ thỉnh thoảng như nghĩ đến gì đó mà khe khẽ sủa lên mấy tiếng.
Mưa mãi không tạnh, một màn khói phủ lên suối. Khi nào không có việc gì làm trên đò. Thúy Thúy liền tính nhẩm về hành trình của ông ngoại. Cô biết chuyến này ông ngoại đến những đâu, gặp những ai, nói những chuyện gì, kể cả tình hình bên cổng thành hôm nay như thế nào. Như người ta nói “trong lòng có quyển sổ, Thúy Thúy tính rõ ràng như chính mắt trông thấy. Cô lại hiểu tính ông ngoại, hễ gặp người quen là lính cũ trong thành thì bất kể là người coi ngựa hay lính nuôi quân, bao giờ cũng nói lời chúc tụng cần có trong ngày tết. Người này nói: “Ông đội, ngày tết ăn no uống say nhé!”, thì người kia nói: “Ông quản đò, ông cũng ăn no uống say nhé!”. Có khi ông ngoại cũng chúc như thế mà người kia nói: “Có gì mà ăn no uống say? Bốn lạng thịt, hai bát rượu, làm sao no được, say được?” thì ông ngoại ắt thành thực khẩn khoản mời người quen ấy về núi Bích Khê uống cho đã. Nếu người nào ngay lúc ấy muốn uống rượu trong bầu thì ông ngoại đưa ngay bầu rượu cho người ấy, không hề keo kiệt. Uống một ngụm xong mà người lính già kia đưa lưỡi liếm mép khen rượu ngon thì ông ngoại lại nài người ấy uống thêm ngụm nữa. Nếu lúc đó rượu không còn bao nhiêu, ông ngoại ắt chạy tới hàng quen mua đầy bầu rượu mới thôi.
Thúy Thúy còn biết ông ngoại sẽ tới bến nói chuyện với thủy thủ của những thuyền vừa cập bến được một vài ngày, hỏi thăm giá gạo, giá muối dưới hạ du. Có lúc ông cụ khom lưng chui vào khoang thuyền sặc mùi cá cùng mùi dầu mỡ, mùi dấm, mùi khói củi, khi đó các thuỷ thủ sẽ vốc một nắm táo đỏ trong vò đưa cho ông ngoại. Hồi lâu, khi ông già về đến nhà bị Thúy Thúy oán trách thì nắm táo đỏ đó sẽ thành thứ hoà giải giữa ông và cháu. Hễ ông ngoại đến phố bờ sông, thế nào cũng có rất nhiều ông chủ hiệu biếu bánh chưng và những thứ khác, tỏ lòng kính trọng ông quản đò hết lòng với chức trách. Tuy ông kêu, “Tôi đã mang cả một đống thế này, mang nữa thì gãy xương già này mất”, nhưng bất kể thế nào, dù ít dù nhiều ông cũng phải nhận. Khi tới bên phản thịt của hàng thịt lợn, ông muốn mua thịt nhưng người ta không chịu nhận tiền. Nếu người mổ lợn không chịu nhận tiền, ông đành sang hàng khác mua chứ quyết không nhận chút lợi đó. Người mổ lợn nói:
- Cụ ơi, cụ cố chấp thế để làm gì? Cháu có bắt cụ phải cày ruộng đâu!
Nhưng nói thế nào cũng không nghe vì ông già cho đó là tiền mồ hôi nước mắt, không so với việc khác được. Nếu người mổ lợn vẫn không chịu nhận tiền thì ông già sắp sẵn số tiền phải trả rồi bất thình lình ném tiền vào ống đựng tiền dài mà to rồi xách thịt bỏ đi. Người bán thịt biết tính ông già như thế nên khi ông già mua thịt, bác ta chọn miếng thịt ngon nhất, lại cố ý cân thừa ra. Ông cụ kịp thời trông thấy ắt nói:
- Này ông chủ, tôi không cần chỗ thịt ngon đâu. Thịt chân giò là thứ thịt mà người trong thành thái chỉ để xào với mực, ông chủ đừng có đùa với tôi. Tôi ưa thịt dọi, chỗ nhiều bì để về hầm với củ cải nhắm rượu.
Nhận thịt xong, ông già đếm lại tiền trước khi trao, lại bảo người bán thịt đếm lại nhưng chủ hàng vẫn bỏ ngoài tai, ném luôn tiền kêu xủng xoẻng vào ống tre dài. Thế là ông quản đò mỉm cười rất dễ thương bỏ đi. Người hàng thịt và những người mua thịt khác thấy vẻ mặt đó đều cười hồi lâu.
Thúy Thúy còn biết thế nào ông ngoại cũng đến nhà ông Thuận Thuận.
Thúy Thúy ôn lại mọi chuyện được nghe, được thấy trong hai ngày tết Đoan ngọ của hai năm. Lòng cô bé rộn lên niềm vui sướng, dường như trước mắt có một vật gì đó, chẳng khác gì bông hoa quỳ màu vàng lung linh mà khi nhắm mắt nằm trên giường sáng nay trông thấy nhưng không nắm bắt được. Cái vật đó trông rõ ràng ở ngay trước mắt nhưng nắm không được mà nhìn cũng không được chuẩn.
Thúy Thúy nghĩ: “ở Bạch Kê Quan có hổ thật sao?”. Cô không biết vì sao bỗng lại nghĩ đến Bạch Kê Quan. Thế là lại nghĩ: “Ba mươi hai người chèo sáu mái chèo, khi ngược dòng gặp gió thì giương buồm lớn gồm một trăm vuông vải ghép thành, trước tiên lên thuyền lớn ở đây rồi tới hồ Động Đình, thật nực cười...”. Cô bé không biết hồ Động Đình rộng chừng nào, cũng chưa bao giờ thấy thuyền lớn đến như thế. Nhưng nực cười hơn nữa là tự cô bé cũng không biết tại sao mình lại nghĩ đến chuyện này.
Một toán người qua đò, có quang gánh, người chạy việc, còn có hai mẹ con. Người mẹ mặc quần áo màu chàm mới tinh, giặt và hồ thật cứng, cô con gái đánh má hồng, mặc quần áo mới, như tới nhà người quen trong thành chúc tết và xem đua thuyền rồng. Sau khi mọi người lên đò và đã ổn định, Thúy Thúy vừa nhìn cô bé vừa kéo đò qua suối. Thúy Thúy đoán cô bé đó chừng mười tuổi, có vẻ được chiều, dường như chưa bao giờ xa mẹ. Cô bé đi đôi giày mũi nhọn quang dầu, mặt giày đôi chỗ lấm bùn, quần vải màu xanh biếc ngả tím. Thấy Thúy Thúy nhìn mãi mình, cô bé cũng nhìn lại Thúy Thúy, hai mắt long lanh như hai viên bi thủy tinh. Người đàn bà có vẻ là mẹ hỏi Thúy Thúy bao nhiêu tuổi. Thúy Thúy chỉ cười, không muốn trả lời, bèn hỏi lại cô bé bao nhiêu tuổi. Nghe người mẹ bảo mười hai tuổi, Thúy Thúy không nhịn được cười. Rõ ràng hai mẹ con này là vợ và con gái một nhà giàu, có thể nhận ra từ dáng vẻ của họ. Thúy Thúy nhìn kỹ cô bé và phát hiện cổ tay cô bé còn đeo một cái vòng bạc hình xoắn thừng sáng loang loáng khiến Thúy Thúy rất thích. Đò cập bờ, khách lần lượt lên khỏi đò, người đàn bà lần trong túi ra một đồng tiền giúi vào tay Thúy Thúy rồi đi. Lúc ấy Thúy Thúy quên khuấy mất quy tắc của ông ngoại, không cảm ơn cũng không trả lại tiền, chỉ đứng ngây ra nhìn theo cô bé đi lẫn trong đoàn người. Khi họ sắp leo qua đỉnh núi nhỏ, Thúy Thúy mới hốt hoảng đuổi theo, trả đồng tiền cho người đàn bà ở trên đỉnh núi. Bà kia nói:
- Ta cho cháu đấy mà!
Thúy Thúy không nói gì, chỉ mỉm cười lắc đầu. Không đợi bà ấy nói thêm, cô bé chạy thật nhanh xuống bến đò.
Về đến bến, bờ bên kia lại có người gọi đò, Thúy Thúy đưa đò sang. Chuyến đò thứ hai có bảy người, lại cũng có hai cô bé ăn mặc sạch sẽ để đi xem thuyền rồng. Hai em này không được xinh vì thế Thúy Thúy càng không thể quên được cô bé lúc trước.
Người đi đò hôm nay thật đông, trong số đó, các cô bé cũng nhiều hơn ngày thường. Thuý Thuý ở trên đò kéo chão cho đò rời bến, cốt để xem có cái gì đẹp, cái gì kỳ lạ, nên cô bé cứ ngây người, mi mắt đỏ mọng, không vẻ nào không để lại ấn tượng trong ký ức cô bé. Khi không có khách qua đò, đợi ông ngoại thì ông ngoại chẳng về, Thúy Thúy bèn cố gắng ôn lại dáng vẻ của những cô bé đó và khe khẽ ngân nga cái gọi là bài hát:
Bạch Kê Quan có hổ cắn người,
Không cắn ai khác,
Trước hết cắn tiểu thư con ông tổng đoàn...
Cô chị cài một chiếc trâm vàng,
Cô Hai đeo một chiếc xuyến bạc,
Chỉ có cô Ba tôi đây chẳng đeo gì,
Suốt năm trên tai chỉ đeo sợi giá đỗ.
Trong thành có người về quê, trông thấy ông quản đò đứng trước tiệm rượu ghé miệng bầu nhường cho một thuỷ thủ trẻ, mời anh ta uống rượu trắng ông mới mua. Khi Thúy Thúy hỏi, người ấy kể lại những điều trông thấy. Thúy Thúy cười ông ngoại hào phóng không phải lúc, không phải chỗ. Người qua đò đi rồi, cô bé lại ngồi trên thuyền khe khẽ hát bài hát thầy mo đón thần. Điệu hát ấy rất uyển chuyển, êm ái, trong niềm vui vương một chút buồn; đoạn kết có lời như sau:
Dài lâu phúc lộc ấy ơn thần,
Mưa thuận gió hoà thần có tâm.
Ngon ngọt rượu cơm bày trước mắt,
Lợn dê béo tốt lửa đang hầm.
........................................
Hồng Tú Toàn, Lý Hồng Chương
Lúc sống hai ông là bá vương.
Giết người, đốt nhà, thủ tiết, tận trung đều đúng độ,
Nay ngồi chung chiếu chẳng cần nhường.
..............................
ăn thong dong, uống thong dong,
Gió mát, trăng thanh dễ vượt sông.
Tay nắm tay về khi say khướt,
Tôi hát một bài tiễn hai ông.
Hát xong, Thúy Thúy thấy hơi buồn. Cô bé nghĩ đến ánh lửa bập bùng, tiếng trống, tiếng tù và ở cánh đồng bằng phẳng trong lễ hoàn nguyện hồi cuối thu.
Xa xa, trống đã vang lên. Thúy Thúy biết lúc này thuyền rồng có vẽ những đường chỉ dài màu đỏ chót đã được đưa xuống nước. Mưa lâm thâm vẫn chưa tạnh, một màn khói bao phủ mặt suối.
 



Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận