Ngày xưa, khi đề cập đến lãnh thổ Việt Nam, nhiều người thường chỉ nghĩ đến phần lục địa, chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, bắc giáp Trung Quốc, Tây giáp Lào và Campuchia. Tuy nhiên, theo định nghĩa hiện đại, lãnh thổ không chỉ gồm có vùng núi, vùng trung du, vùng đồng bằng và sông ngòi, mà còn bao gồm tất cả vùng trời, vùng biển và hải đảo. Như vậy, đất nước Việt Nam của chúng ta không chỉ chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, mà còn trải rộng từ Tây Trường Sơn tới Đông Trường Sa.
Quê hương Việt Nam thân yêu có một bờ biển dài khoảng 3.260km, chạy từ biên giới Trung Quốc tới vịnh Thái Lan. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một quốc gia có nhiều hải đảo và quần đảo: ước tính gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Vì vậy, lãnh thổ của chúng ta đâu chỉ thu hẹp ở phần lục địa, với khoảng 329.314,5km2, mà còn trải rộng ra Biển Đông và vùng lãnh hải bao la. Ranh giới của Việt Nam đương nhiên được mở rộng gấp nhiều lần và tiếp giáp với lãnh hải của tám quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, Campuchia và Thái Lan. Do đó, đất nước Việt Nam đã được nhân rộng gấp ba hay gấp bốn lần không những về lãnh thổ, mà cả về tiềm năng, sức sống và định hướng phát triển tương lai.
Biển Đông là biển lớn nhất trong sáu biển lớn của thế giới với diện tích khoảng 3.447.000km2. Trong Biển Đông bao la đó, lãnh hải của Việt Nam chiếm khoảng trên 1.000.000km2. Trước khi bị một số nước xâm chiếm, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay từ thế kỷ XVIII nước ta đã thiết lập đội Hoàng Sa để khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền của mình.
Ở giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay, Biển Đông đóng một vai trò rất quan trọng đối với đất nước chúng ta, vì vừa cung cấp tài nguyên lớn lao, vừa trở thành cửa ngõ, bàn đạp để vươn ra đại dương. Đây là con đường huyết mạch nối liền các quốc gia Tây Á và Nam Á với các nước Đông và Bắc Á, cũng như với thế giới. Chính vì vậy một số nước đang nhòm ngó vào Biển Đông.