Đây là một nội dung quan trọng được đề cập trong cuốn sách Luận cứ khoa học và một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo phường hiện nay của tập thể tác giả, do TS. Nguyễn Duy Hùng làm chủ biên.
Phường là đơn vị hành chính cơ sở ở đô thị, là nơi cuộc sống có nhiều diễn biến phong phú, sinh động, đa dạng và phức tạp. Là cấp gần dân nhất, thực hiện những dịch vụ liên quan trực tiếp tới lợi ích của nhân dân, trong mọi trường hợp, phường luôn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hành chính nhà nước và ngay trong bản thân cuộc sống của nhân dân tại địa phương. Vì vậy, để thực hiện được nhiệm vụ và thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp phường phải có năng lực, trình độ, phẩm chất, bản lĩnh và kinh nghiệm.
Người cán bộ cơ sở sống trong thực tiễn, “cải tạo thực tiễn” và thích ứng với thực tiễn, do đó, yêu cầu về năng lực nắm bắt, hiểu biết và xử lý thực tiễn rất cao; chỉ khi nắm được thực tiễn địa phương, bao quát được tình hình các mặt của địa phương, người lãnh đạo phường mới có khả năng triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của cấp trên tại địa bàn, giải quyết tốt các công việc của địa phương. Đối với cán bộ phường, thực tiễn là điều không thể thiếu, nếu không muốn nói là yêu cầu “cứng”.
Muốn bám sát thực tiễn thì phải gần dân và biết lắng nghe ý kiến của nhân dân. Muốn gần dân, người cán bộ phải có tác phong dân chủ. Tác phong dân chủ ở đây không chỉ phản ánh phương pháp lãnh đạo và làm việc trong nội bộ, mà quan trọng hơn là tinh thần trọng dân, văn hoá trọng dân. Nó quyết định trực tiếp đến uy tín, mối quan hệ và niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, với chính quyền, với Đảng. Trong môi trường công tác tại cơ sở, dân chủ là chìa khoá của thành công.
Hơn nữa, do công việc có tính chất thực tiễn cao, tính năng động lớn, luôn thường trực các tình huống biến động, phát sinh tại cơ sở phường khiến cho các hoạt động tại đây phải có sự thích ứng cao độ, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phường phải có tác phong làm việc nhanh nhạy, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm.
Khi nói đến tính chất công việc ở cơ sở, không thể không nói đến hoạt động tác nghiệp của người cán bộ có tính tương tác cao độ với quần chúng nhân dân, nếu không muốn nói sự thành công của nhiều công việc phụ thuộc phần lớn vào sự ủng hộ, tham gia của nhân dân. Từ việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…cho đến các phong trào xã hội tại địa bàn dân cư. Do vậy, người cán bộ lãnh đạo cơ sở phường cần có năng lực giao tiếp với dân, vận động quần chúng, biết tiếp thu, lắng nghe sự phê bình của quần chúng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
Cuốn sách Luận cứ khoa học và một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo phường hiện nay đã tập trung phân tích, làm rõ những luận cứ khoa học và thực tiễn của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ phường, tổng kết, đánh giá thực trạng tình hình, đưa ra các giải pháp khả thi xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo phường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây là tài liệu tham khảo quý giá trong việc nghiên cứu, học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá X “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tái bản cuốn sách này. Độc giả có thể tìm mua sách tại Nhà sách 24 Quang Trung, Hà Nội và các hiệu sách với giá 20.000đ./.
MAI LAN