Sách: Cải Cách Giáo Dục Nhật Bản

Cải Cách Giáo Dục Nhật Bản
85.000
Tác giả: Ozaki MugenBìa mềm. Xuất bản tháng 02/2014. NXB Lao ĐộngSố trang: 340. Kích thước: 14.5 x 20.5cm. Cân nặng: 380 gr
53a6e4177f8b9a77248b4567

vi
340
14.5 x 20.5cm.

Mô tả

Khi nhìn vào lịch sử giáo dục hiện đại của Nhật Bản bao gồm cả giáo dục quốc gia chủ nghĩa trước chiến tranh và giáo dục quốc dân dựa trên nền dân chủ sau chiến tranh, có thể thấy đó là lịch sử của các cuộc cải cách giáo dục của quốc gia (quốc dân). Và các cuộc cải cách đó trong phần lớn các trường hợp là mang tính chính trị và được tổng quát hóa như một cuộc cải cách chính trị. Có một thực tế là vai trò của giáo dục Nhật Bản hiện đại luôn đi kèm với chính trị và chìa khóa giải quyết các vấn đề chính trị của thời đại thường được đòi hỏi ở giáo dục.

 

Trong báo cáo của Hội đồng thẩm định khóa trình giáo dục Nhật Ban đã hé lộ nhận thức: “Trước hết trường học phải là nơi thoải mái và vui vẻ đối với trẻ em. Trẻ em phải có đủ không gian để có thể tiến hành chậm rãi những gì liên quan đến mối quan tâm và sở thích của mình. Đồng thời nó phải là trường học nơi các giờ học dễ hiểu được triển khai, những điều không hiểu có thể được coi là lẽ tự nhiên, những thất bại trong học tập, những dò dẫm và vấp ngã được tiếp nhận như là chuyện đương nhiên. Thêm nữa để có được điều đó, nó phải là nơi mối quan hệ con người với con người mà trẻ em mong muốn và mối quan hệ tin cậy giữa giáo viên và học sinh với tư cách là nền tảng được xác lập, bầu không khí trong lớp học ấm áp, trẻ em an tâm và có thể phát huy được năng lực của bản thân.

 

Trong môi trường giáo dục như thế thì không phải chỉ có giờ học các môn giáo khoa mà thông qua toàn bộ cuộc sống ở trường học, trong quá trình hoạt động học tập cùng với giáo viên, việc bản thân trẻ em có thể cảm nhận mình được coi trọng như là một con người không có gì thay thế, được tin cậy và được nếm trải hạnh phúc khẳng định bản thân và thực thi cái tôi là rất quan trọng”

 

Quả thật giáo dục hiện đại là thể chế được tổ chức một cách quy mô bởi quốc gia và thông qua giáo dục mà xã hội được “tái sản xuất” trong đó trẻ em được được đảm bảo về nhân quyền và sinh tồn. Và một khi như vậy thì đương nhiên, một loạt các yếu tố căn bản như giải quyết các vấn đề quốc tế, đối phó với các vấn đề xã hội, trợ giúp sự sinh tồn của cá nhân sẽ trở thành các vấn đề cơ bản của giáo dục. Cũng có trường hợp những yếu tố mang tính ngoại lệ như phục vụ quyền lợi của cá nhân, đoàn thể, tổ chức cũng có thể được đưa vào.

 

Cuốn sách này sẽ xác nhận điều đó trong dòng chảy mang tính lịch sử của giáo dục Nhật Bản hiện đại và ngay cả khi suy ngẫm về cải cách giáo dục hiện tại thì đây cũng là điều cần phải được hiểu một cách thấu đáo và phổ biến với tư cách như là một định lý lịch sử. Nói tóm lại, cho dù là giáo dục dưới thể chế thiên hoàng thời trước chiến tranh hay giáo dục thời chủ nghĩa quân phiệt đi chăng nữa thì cũng không hề có sự tách rời khỏi dòng chảy này. Quốc gia với thể chế thiên hoàng đã thúc đẩy công nghiệp hóa trong nước và nó mang trong mình cả nguyên lý không thể tránh khỏi là cá nhân hóa, chủ nghĩa quân phiệt cũng thế, để phục vụ các cuộc chiến tranh với bên ngoài thì công nghiệp, kĩ thuật và năng lực trình độ cao của cá nhân trở thành sự cần thiết đương nhiên. Và “Giáo dục sau chiến tranh” cũng vậy, định lí này đã trở thành nguyên lí chính sách dẫn dắt cải cách giáo dục. Có thể nói giáo dục đã phát huy chức năng của mình ở phương diện như thế.

 

Cũng giống như thế, cần phải xem xét xem cải cách giáo dục đã đưa ra phương thuốc nào để giải quyết các tình huống, các vấn đề khi đó và trên thực tế đã có những kết quả nào được tạo ra. Thêm nữa, cũng cần phải hiểu việc học tập và cuộc sống của trẻ em đang ở trong tình trạng như thế nào, nó đang được tiếp nhận ra sao và người ta đang cố gắng thay đổi hay chưa.

 

Tác giả nhận định: “Dẫu cho đánh giá thế nào thì cuộc cải cách giáo dục không thể chậm trễ vẫn đang đặt ra. Cải cách giáo dục một lần nữa sẽ được hiểu như là vấn đề thận trọng và mang tính toàn cầu chứ không phải là sự giải quyết cái khung quốc gia đơn thuần và chúng ta mong ước con đường đó sẽ sớm được triển khai.”

 

 

Về tác giả

 

Ozaki Mugen sinh năm 1942 tại tỉnh Aichi.

 

Lấy bằng Tiến sĩ về Giáo dục học tại Đại học Kyoto.

 

Từng là Giáo sư Đại học nữ sinh Osaka, hiện là Giáo sư tại khoa văn học Đại học Kansai.

 

Một số sách do ông biên soạn đã xuất bản:

-  Giáo dục hậu chiến sử luận (Impact Shuppankai, 1991)

-  Hình ảnh giáo dục của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản (Sekaishisosha, 1991)

-  Vấn đề và nguyên lí giáo dục (viết chung, Showado, 1994)

-  Trường học là ngã tư đường (viết chung, Impact Shuppankai, 2000)

 

 

Trích đoạn

 

Phong trào giáo dục nghệ thuật

 

Môi trường sinh hoạt mới mẻ của trẻ em được hình thành với trung tâm là các gia đình trung lưu kiểu mới ở các đô thị đã sinh ra nhu cầu về văn hóa thiếu nhi và văn học thiếu nhi. Kết quả là sự chú ý tới các “trẻ em” được nuôi dạy trong các gia đình hiện đại đã hướng các nhà nghệ thuật, những người cầm bút về phía cuộc vận động cải cách giáo dục.

 

Một trong những đặc điểm của phong trào thời kì này là không chỉ những người liên quan đến giáo dục mà cả người dân thông thường hay những người làm việc liên quan đến văn hóa đều có mối quan tâm lớn đến phong trào. Ví dụ tháng 7 năm 1918 (năm Taisho thứ 7) tạp chí “Akai Tori” (Chim đỏ) do Suzuki Miekichi sáng lập được xuất bản. Tạp chí này hoạt động nhằm: “phát triển và bảo tồn toàn diện tính hồn nhiên của trẻ em, loại trừ những sách vở thô tục tầm thường, tập trung nỗ lực thành thật của những nhà nghệ thuật hiện đại hàng đầu đồng thời đón chào những nhà sáng tác trẻ hướng đến trẻ em”. ,

 

Kikuchi Kan tác giả truyện đồng thoại cùng Osanai Kaoru, Tokuda Shusei, Arishima Takero, Sato Haruo, Komiya Toyotaka, Akutagawa Ryunosuke, Shimazaki Toson, các nhà văn hạng nhất đương thời đã đua nhau gửi đến các sáng tác đồng thoại và đây là điều mà lúc đương thời thông thường sẽ không bao giờ có được. Trong số rất nhiều các kiệt tác văn học thiếu nhi tồn tại đến ngày nay thì các tác phẩm như “Tơ nhện”, “Toshishun” của Akutagawa, “Chùm nho” của Arishima, muộn hơn một chút là “Giá treo bàn do gió bắc đem tới” của Kubota Mantaro hay ở thể loại đồng dao “Mắt chuồn chuồn” của Kitahara Hakushu, “Chim hoàng yến” của Saijo Yaso vẫn rất nổi tiếng. Số tháng 5 năm 1919 được ghi nhớ như là mốc đánh dấu Hakushu chuyển sang viết đồng dao và Yamada Kosaku, Narita Tamezo bắt đầu hoạt động với tư cách là nhà sáng tác.

 

“Akai Tori” sau khi ra đời đã tiến hành hoạt động hướng dẫn trẻ em viết văn do Miekichi đảm nhận và về sau muộn hơn một chút là sự hướng dẫn sáng tác thơ thiếu nhi của Hakushu. Những nỗ lực đó đã thu hút được sự ủng hộ nồng nhiệt, đông đảo của các bậc phụ huynh, giáo viên và học sinh. Thành công của “Akai Tori” đã dẫn đến sự ra đời của nhiều tạp chí thiếu nhi sau này như “Kane no Hoshi” (Sao Kim), “Kane No Tori” (Chim vàng), “Vương quốc trẻ thơ”. Bên cạnh đó các báo, tạp chí nói chung cũng đua tranh đăng các chuyện đồng thoại, các bài đồng dao tạo ra ảnh hưởng lớn tới sự phồn vinh của văn học thiếu nhi. Hơn nữa với tư cách là tạp chí đón nhận bản thảo từ khắp nơi đương nhiên nó đã tạo ra ảnh hưởng tới giáo dục trường học và về sau trở thành một trong những nhân tố tạo nên phong trào cải cách viết văn được triển khai vào thời Showa.

 

Xu hướng mới của văn học thiếu nhi như trên cũng lan tới lĩnh vực giáo dục nghệ thuật và giáo dục biểu hiện. Ví dụ ở môn vẽ thay thế cho kiểu giáo dục truyền thống tiến hành bằng việc đưa ra cho học sinh các tranh vẽ sẵn trong các cuốn “sách mẫu” việc cho học sinh tự do chọn chủ đề, đề tài và vẽ tranh tự do đã trở thành dòng chảy chủ lưu. Tháng 4 năm 1919 tại trường tiểu học Kanagawa tỉnh Nagano “triển lãm tranh tự do” của Yamamoto Kanae được mở và thu được thành công lớn. Từ đó trở đi triển lãm tranh thiếu nhi với tư cách là cơ hội công bố hoạt động sáng tác đã trở thành thông lệ. Bên cạnh đó ở phong trào cải cách viết văn thay thế cho sự giảng dạy truyền thống với các bài văn mẫu, phong trào “Tự do chọn chủ đề” ở đó trẻ em tự tìm chủ đề, tự do sáng tác đã được xúc tiến tích cực với vai trò trung tâm của Ashidae Nosuke và định hình vững chắc trong giáo dục trường học. Những phong trào cải cách giáo dục này tuy đơn giản nhưng đã làm thay đổi toàn thể diện mạo của giáo dục trường học, đem lại cho cuộc sống của trẻ em ở trường học tính chủ thể và sinh khí.

 

Phong trào đấu tranh của người lao động, dân chúng và giáo dục

 

Sau vụ đốt cháy công viên Hibiya(1), phong trào dân chúng xuất hiện trên vũ đài lịch sử bằng phong trào bảo vệ hiến pháp về sau đã tiếp tục được triển khai thành phong trào thường xuyên và có tổ chức. Ở đó các hoạt động giáo dục cũng trở nên sôi sổi. Ví dụ như ở phong trào công nhân, Hội hữu ái do Suzuki Bunji và những người khác thành lập vào tháng 8 năm 1912 (năm Minh Trị thứ 45) về sau vào năm 1919 đã triển khai các giờ giảng về lao động một cách liên tục, có tổ chức và cho ra đời Trường lao động Nhật Bản vào tháng 9 năm 1921. Ở Osaka Trường lao động Osaka với vai trò trung tâm của Kagawa Toyohiko được thành lập vào tháng 6 năm 1922 và tháng 8 năm 1923 Trường lao động Kobe cũng ra đời. Đương thời lí luận “chủ nghĩa quốc tế cộng sản” rất thịnh hành và tiếp nhận ảnh hưởng đó phong trào giáo dục người lao động độc lập đã được nhắm tới. Do phong trào “chủ nghĩa quốc tế cộng sản” có mục đích là giáo dục sự tự giác giai cấp của người lao động và sứ mệnh cải tạo xã hội cho nên nội dung giáo dục trung tâm là Lịch sử học, Kinh tế - chính trị... Mặt khác Hiệp hội hợp tác với mục tiêu tạo ra sự hợp tác giữa những người lao động từ năm 1921 đã đưa phong trào giáo dục lao động vào quỹ đạo chính thức. Sau sự thành lập Học viện lao động ở Osaka các Trường học lao động ở Tokyo và các nơi khác cũng lần lượt ra đời và hoạt động sôi nổi.

 

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế sau chiến tranh những năm 20, cuộc đấu tranh của những người nông dân canh tác nhỏ phát triển mạnh, công đoàn của nông dân được thành lập ở khắp nơi. Tháng 9 năm 1922 sau khi những người như Kagawa Toyohiko, Sugiyama Motojiro thành lập Công đoàn nông dân Nhật Bản, ở khắp nơi các Trường nông dân, Đại học nông dân mùa hè được kiến thiết và ở các chi nhánh thuộc các phủ, tỉnh những bài giảng mùa hè cũng được tiến hành. Nội dung của các bài giảng này là Chính trị học, Kinh tế học, Khái luận về nông nghiệp, Phân bón, Lí luận kinh doanh của nông gia... Các sách giáo khoa riêng được biên soạn, các giáo sư từ các trường đại học, học sinh và các nhà văn hóa, nhà hoạt động trong phong trào nông dân... đã được điều động tham gia và phong trào giáo dục nông dân được triển khai rộng lớn ngoài sức tưởng tượng.

 

Ở phong trào đấu tranh của những người nông dân canh tác nhỏ, khi các hoạt động tẩy chay trường học, nghỉ học tập thể diễn ra phong trào giáo dục tự chủ đã liên tục được tổ chức. Trường tiểu học Kizaki trong phong trào đấu tranh ở làng Kizaki thuộc tỉnh Niigata đã trở nên nổi tiếng. Các nhà vận động nông dân như Miyaki Shoichi, các nhà hoạt động từ các trường đại học đã tập trung ở đây, điều hành trường tiểu học và lập kế hoạch vận hành các trường nông dân, thư viện nông dân, viện nghiên cứu các vấn đề nông dân.

 

Song song với sự thịnh hành của phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, phong trào cải cách của học sinh, thanh niên cũng trở nên sôi nổi. Tại Đại học đế quốc Tokyo, “Học sinh tư tưởng đoàn thể tân nhân hội” do Akamatsu Katsumaro lãnh đạo với cương lĩnh: “Học sinh chúng ta sẽ nỗ lực xúc tiến hợp tác để đem lại vận khí mới cho sự ngiệp giải phóng văn hóa nhân loại trên phạm vi thế giới. Học sinh chúng ta sẽ tiến hành phong trào cải tạo hợp lí Nhật Bản hiện đại”. Năm sau tại Đại học Waseda, Asanuma Inejiro cùng đồng sự đã thành lập Đồng minh những người kiến thiết. Ở các trường đại học, trường bậc cao, trường cao đẳng các hội nghiên cứu khoa học xã hội, Setsurumento(1)đã lần lượt ra đời nhằm thu hút học sinh tham gia vào các hoạt động cải cách xã hội.

 

Ở các địa phương trong thời kì này phong trào văn hóa thanh niên tự lập cũng bắt đầu. Ví dụ như tổ chức thanh niên “Hội đốt lửa đồng” ở tỉnh Gunma, “Hội những người gieo hạt” (Hội nghiên cứu tư tưởng thanh niên Akita) ở Tsuchizaki tỉnh Akita rất nổi tiếng. Tại Trường đại học tự do Shinano (ngôi trường được thành lập tháng 11 năm 1921) ở thành phố Ueta, tỉnh Nagano đã diễn ra các hoạt động giảng dạy trong 6 tháng mùa đông, mỗi tuần 1 buổi thời gian từ 6 đến 10 giờ tối với nội dung trung tâm là các môn khoa học nhân văn, khoa học xã hội. Các thanh niên trong vùng đã vừa tự đảm nhận tài chính vừa tiến hành điều hành trường học một cách độc lập. Phong trào này đã dẫn đến sự ra đời của các đại học như Đại học tự do Ina, Đại học tự do Tohokku ở các tỉnh Niigata, Fukushima, Gunma. Bên cạnh đó phong trào khai sáng, cải tạo văn hóa do các giáo viên trẻ ở địa phương tiến hành cũng diễn ra sôi nổi.




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận