Đọc "Cội Nguồn Cảm Hứng" rất nhiều đoạn, người đọc bị rơi vào một cảm giác… chơi vơi. Chơi vơi trong cái không gian tự do mênh mông mà tác giả đang diễn giải, chơi vơi trong cảm giác không với tới được, không nhận cảm hết được miền tự do mênh mông ấy. Đúng như ông Nguyễn Trần Bạt viết: “Tự do là cái mà trí tưởng tượng của con người luôn vươn tới, hay nói cách khác, trong trí tượng của mình, con người luôn cảm thấy đằng sau nó vẫn còn nó.” Cảm giác bị giới hạn bởi sự thiếu thốn tự do làm con người ngột ngạt. Những cá nhân mang trong mình năng lực sáng tạo thường cảm thấy những giới hạn đó rõ ràng hơn và luôn tìm cách thoát ra khỏi khuôn khổ chật hẹp đó. Nhưng cảnh giới tự do trong Cội nguồn cảm hứng lại làm được điều ngược lại, khiến cho người đọc nhận ra giới hạn năng lực của chính mình trước không gian tự do bao la. Miền tự do kia mênh mông quá và cá nhân như bị ngợp ở trong đó, đôi khi cảm thấy bất lực và thất vọng bởi năng lực của mình đã không thể cao hơn để cảm nhận cho hết những bến bờ của tự do. Từ chơi vơi trong miền tự do ấy, người đọc lại có cảm giác phân vân. Phân vân không hiểu bầu trời tự do xa xanh kia có thật hay không, hay mãi mãi chỉ là một đích đến mà con người khát khao vươn tới. Cảnh giới tự do kia có giống như nền Cộng hoà của Plato, nền thương mại toàn cầu tự do của Adam Smith, nền nhân trị của Khổng Tử, nền hoà bình vĩnh cửu của Kant, trạng thái vô vi của Lão Tử hay trạng thái tĩnh tâm tuyệt đối của Đức Phật? Đó mãi mãi là những khát vọng tinh thần vĩ đại, con người vẫn đang trong hành trình tiệm tiến tới nó chứ chưa bao giờ sống trọn vẹn trong nó và chạm hoàn toàn vào nó. Nhưng nếu không có những đích đến tinh thần như vậy, mỗi cá nhân biết neo tựa vào hệ giá trị nào? Cội nguồn cảm hứng đã thành công trong việc khiến người đọc phải suy nghĩ và bị khích lệ hướng tới việc tự giải phóng mình tới những đích đến tự do cao hơn…