Sách: Cho Anh Thêm Một Ngày Nữa Để Yêu Thương

Cho Anh Thêm Một Ngày Nữa Để Yêu Thương
72.000
Tác giả: An NhiênBìa mềm. Xuất bản tháng 01/2014. NXB Văn HọcSố trang: 309. Kích thước: 12 x 20cm. Cân nặng: 290 gr
53a6e4187f8b9a77248b456c

vi
309
12 x 20cm.

Mô tả

Không biết bạn thế nào, riêng tôi, ngay từ khi nhìn thấy cái tên này, tôi đã biết chắc đấy không phải là tên thật. An Nhiên chắc chắn là bút danh.

 

Không những thế, đấy phải là bút danh của một cô gái trẻ, lãng mạn, lãng đãng, nhạy cảm, nếu hay cười thì trong lòng lại có nhiều ẩn ức. Nếu không phải thế, đời nào cô ấy lại chọn cho mình cái tên An Nhiên, thầm cầu mong cho mọi thứ trong cuộc sống của mình không có gì sóng gió, bình yên êm đềm như dòng sông.

 

Tôi để ý thấy trong các sáng tác của mình, An Nhiên sử dụng rất nhiều từ “tịnh yên”, và cốt truyện thường thiên về hướng tin vào định mệnh. Người tin vào định mệnh có hai loại: Một là người bị số phận trêu ngươi nhiều lần đến mức ngán ngẩm mà tặc lưỡi mặc cho định mệnh định đoạt cuộc chơi. Hai là người thật sự vô lo vô nghĩ, chuyện gì trên đời cũng có xu hướng “cái gì đến sẽ đến”. Loại thứ nhất quá bi quan. Loại thứ hai tốt hơn. Thanh thản và đỡ sốt ruột. Đấy chính là An Nhiên.

 

Trong một chia sẻ nhân dịp ký tặng sách, An Nhiên nói rằng, câu nói yêu thích của cô là một câu ngạn ngữ Nhật Bản: “Nhất kỳ nhất hội”, ý nói mọi cuộc gặp gỡ trên đời này đều do nhân duyên. Tôi đảm bảo bạn sẽ gặp ở hầu hết những câu chuyện của An Nhiên trong cuốn sách này cái triết lí mà cô ưa chuộng ấy. Gặp gỡ, yêu thương, tan vỡ, tất cả đều do chữ “duyên”. Vì thế, cứ thanh thản mà sống, yên ả mà yêu, mỉm cười mà bước qua sóng gió.

 

Cho Anh Thêm Một Ngày Nữa Để Yêu Thương, tôi đặc biệt ấn tượng với 4 truyện ngắn. “Góc ảnh của anh” là một câu chuyện tuyệt vời với ngôn ngữ uyển chuyển và khả năng khai thác tâm lý tốt. “Radio của những kẻ đi yêu” thể hiện một phong cách viết mới mẻ đầy cảm hứng của An Nhiên: Các câu chuyện tưởng như chẳng liên quan lại gắn kết với nhau một cách lạ lùng. Bạn có thể đọc truyện này theo bất kỳ một cách nào mà bạn muốn (và hy vọng bạn sẽ không phải loay hoay với nó). “Chúng tôi không phải là tình nhân” với sự khéo léo của tác giả trong việc sử dụng thủ pháp chuyển kịch tính của câu chuyện thành kịch tính của xúc cảm: sụp đổ - đợi mong - hy vọng - hạnh phúc - sụp đổ. Và “Nếu là nhân duyên” - một câu chuyện rất Nhật Bản, từ văn phong đến văn hóa, nhưng vẫn rất Việt Nam (An Nhiên là cựu sinh viên ngành Nhật Bản học nên cô bị ảnh hưởng nhiều từ màu sắc của đất nước này). Cái kết cũng rất đáng để… bâng khuâng.

 

Hy vọng sau khi đọc xong cuốn sách, bạn sẽ đặt niềm tin nhiều hơn vào số phận. Đừng nghĩ rằng tôi đang khuyên bạn phó mặc sự đời, không phải đâu, mọi chuyện đâu sẽ có đó, mà thường là có hậu. Bạn nên ghi ngay câu thành ngữ Nhật trong truyện “Nếu là nhân duyên” vào sổ tay để hằng ngày ngẫm nghĩ. “Sode furi au mo tashou no en”, nghe rất có vẻ “Mọi thứ đều có số”. Rất tuyệt!

 

Nguyễn Đức Long - BBT Hãy nói yêu thôi đừng nói yêu mãi mãi




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận