Sách: Chuyện Mình Chuyện Người (Tái bản)

Chuyện Mình Chuyện Người (Tái bản)
109.000
Tác giả: Việt LinhBìa mềm. Xuất bản tháng 09/2013. NXB Hội Nhà VănSố trang: 448. Kích thước: 13 x 19cm. Cân nặng: 360 gr
53a6e4237f8b9a77248b4578

vi
448
13 x 19cm.

Mô tả

Việt Linh viết ngắn, nhưng dư âm câu chuyện của chị ngân dài sau câu chữ. Việt Linh chọn những đề tài nhỏ nhưng miên man suy nghĩ, để vụt ra những ý tưởng lớn, đôi khi khiến người khác giật mình.

 

Cuốn sách tập hợp 90 bài viết, đăng tải rải rác trên báo chí trong suốt 20 năm làm báo của đạo diễn Việt Linh. Nhưng không phải những con số, mà chính câu chuyện lan man chị kể đã khẳng đinh cái tâm, cái nghĩa và cái tầm của tác giả những bộ phim như Gánh xiếc rong, Mê Thảo thời vang bóng, Dấu ấn của Quỷ, Chung cư... Chuyện Mình Chuyện Người viết theo thể tạp bút - một thứ văn dễ viết ra "chữ" nhưng kiến tạo thành "nghĩa" mới thực khó. Không yêu cầu tình tiết, cốt truyện như truyện ngắn; không câu nệ vần vè như thơ ca... tạp bút tưởng như là thể loại dễ tính, nhưng kỳ thực nó chỉ lưu lại dấu ấn của những người thực sự tài hoa. Bằng những câu chuyên nho nhỏ, nếu chưa đủ sức khiến độc giả phải choáng váng, Việt Linh cũng đã neo lại trong lòng người những phát hiện mới, những đau đáu những dằn vặt, hay có khi chỉ là một tiếng thở dài...

 

Qua nhiều số phận, nhiều mảnh đời khi chủ ý khắc họa, khi chỉ thoáng qua, Việt Linh thể hiện cái nhìn của một người phụ nữ đa mang, giàu lòng trắc ẩn. Cùng viết về tình mẫu tử như bao cây bút khác, chị chọn phút giây hạnh ngộ giữa người mẹ và sinh linh bé nhỏ để suy ngẫm về thứ tình yêu riêng tư đầy thánh thiện. Ngoài mẫu số chung với muôn người mẹ trên trái đất, người mẹ trong Việt Linh còn mang tâm hồn rất đỗi Á đông khi chị viết: "Có con, tấm lòng vốn không độc ác của mẹ bỗng trở nên mềm dịu, bao dung. Có con, mẹ bỗng khao khát làm thêm bao điều thiện. Không phải là động cơ duy nhất, và cũng không phải mọi lúc, nhưng rõ ràng, mẹ đã bắt đầu nghĩ đến hai chữ phúc đức mà ông bà ta thường nói... vốn tin luật nhân quả, giờ mẹ càng tin hơn sự vay trả ở đời... Tí Teo ơi, con không chỉ làm cuộc đời mẹ có thêm nhiều ý nghĩa, mà nhiều ý nghĩa của cuộc đời, từ lúc có con, đã được mẹ nhìn bằng một con mắt khác". (Hạnh ngộ)

 

Bằng lối tư duy giàu tính khái quát và khả năng trải rộng suy nghĩ ra khỏi giới hạn của sự kiện, từ một bác Phêđo, chị nghĩ về cả một thế hệ nước Nga ân tình chung thủy; từ một người Việt vô gia cư trên đất khách, chị xót xa cho biết bao số phận tha hương; từ một lời cảm ơn - xin lỗi, chị khắc khoải nghĩ đến cách hành xử của con người... Như là suy nghĩ bằng trái tim và quan sát bằng đôi mắt trìu mến, thân thương với cuộc đời, Việt Linh phát hiện ra từ những con người xa lạ nét đẹp ẩn khuất, từ những sự kiện tưởng vô can nhiều niềm hy vọng nhân sinh. Đó là một anh bác sĩ khù khờ khi lần đầu tiên lên máy bay nhưng đặc biệt giỏi giang và tận tình. Đó là một thanh niên ngơ ngác sang Paris tưởng sẽ được hưởng số tiền thừa kế kếch xù của ông ngoại nhưng cuối cùng toại nguyện đến thanh thản khi được mang về chỉ một nắm tro tàn của ông... Có một cuộc đời tươi đẹp trong những chuyện mình chuyện người mà Việt Linh nhặt nhạnh.

 

Vốn là một người Việt sống xa xứ nhiều năm, Việt Linh dẫu không cố ý thể hiện vẫn chẳng giấu nổi nghĩa tình với quê hương. Có một chút thở than, có những tiếng thở dài, có cả giây phút chạnh lòng... nhưng trên tất cả là tình đau đáu thương quê của một người sốt sắng, nôn nóng khi được (phải) chứng kiến khoảng cách thăm thẳm giữa quê nhà với những quốc gia chị từng đặt chân đến, về cả kinh tế, xã hội lẫn văn hóa, văn minh. Việt Linh đã đi qua Cannes xa hoa tráng lệ để thương cho người làm phim Việt Nam đang ngụp lặn giữa cánh đồng điện ảnh như vừa vỡ vạc, đã chen chân xem Hạn hán và cơn mưa ở Paris để biết tiếc mướn cho sự thờ ơ của khán giả quê nhà; đã bội thực những lời cảm ơn, xin lỗi của người Tây để thèm khát một lời khách sáo cần có của đồng bào mình...

 

Phần 2 cuốn sách là những câu chuyện nghề - đây là khoảnh đất để Việt Linh vẫy vùng, phô diễn kiến thức của một người trong cuộc. Nhưng vẫn vậy, chị từ tốn, lắm lúc là dè dặt khi đưa ra nhận xét về một tác phẩm điện ảnh, một quy trình làm phim. Nhưng đó là cái dè dặt dễ thấy của một người dám nghĩ mới, nghĩ khác. Những bài viết của chị đã gợi mở hướng tiếp cận ban đầu tới những nền điện ảnh còn xa lạ với người Việt như Iran, Romania, Thụy Sĩ...

 

Một trong những thách thức của thể loại tạp bút đối với người viết là sự kỳ công với chữ. Một đạo diễn tưởng như mạnh về ngôn ngữ hình ảnh như Việt Linh lại rất mẫn cảm với ngôn từ. Những người sống xa quê hương, thường phải chật vật đuổi bắt với sự phát triển ùn ùn của ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng Việt Linh không đuổi, chị đi trước hoặc ít ra cũng thong dong với kho từ vựng giàu có, đầy biến hóa của mình. "Tim tôi nhoi nhói: sao mà giống thế cái mâm nhôm mom móp, cái lon thiếc sen sét, cái thân dáng ranh rách của tuổi thơ cơ cực nhọc nhằn... Hóa ra kỷ niệm vẫn là thứ ương bướng nhất, bấu víu, bất biến" (Miên man đậu phộng nấu).

 

Hà Linh




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận