Sách: Giành Lại Tri Thức

Giành Lại Tri Thức
180.000
Tác giả: Michael F. D. Young. Dịch giả: Nguyễn Thị Kim QuýBìa mềm. Xuất bản tháng 12/2013. NXB Thời ĐạiSố trang: 453. Kích thước: 16 x 24cm. Cân nặng: 550 gr
53a6e41c7f8b9a77248b4573

vi
453
16 x 24cm.

Mô tả

Michael Young là Giáo sư của Viện Giáo dục thuộc ĐH London và khoa Giáo Dục thuộc ĐH Bath (Anh Quốc) – một người có vai trò lớn trong ngành xã hội học giáo dục. Những nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng của ông có sự giao thoa giữa nhận thức luận và lý thuyết xã hội.

 

Trong cuốn Giành Lại Tri Thức, ông đã giải quyết một trong những vấn đề quan trọng nhất trong giáo dục ngày nay: sự phân chia giữa giáo dục hàn lâm và giáo dục hướng nghiệp vốn rất ám ảnh các nhà nghiên cứu giáo dục và các nhà làm chính sách, tính hợp pháp của hệ thống văn bằng, bản chất của tri thức giáo dục ngành nghề, vị thế và tính hợp pháp của các chính sách liên quan tới việc công nhận tri thức kinh nghiệm có trước của người học, và quan trọng nhất là vai trò của tri thức và chương trình học trong những cách tiếp cận giáo dục dựa trên năng lực và bị chi phối bởi thi cử như hiện nay. Ông cũng đã liên kết những chủ đề như bản chất của tri thức ngành nghề (professional knowledge) với cách nhìn phê phán về nền giáo dục bị chi phối bởi thi cử và thị trường trong một lý thuyết mới mẻ cho cái mà ông gọi là “quốc hữu hóa” giáo dục. Cuốn sách này cũng đem lại cho chúng ta nhiều khía cạnh so sánh có giá trị nhờ kinh nghiệm của tác giả trong quá trình nghiên cứu phát triển giáo dục ở Nam Phi.

 

Những vấn đề được tác giả giải quyết trong cuốn sách này đều dựa vào một khung lý thuyết. Trong khi vào những năm đầu sự nghiệp, ông có thể được xem là một nhà tương đối luận khi coi tri thức và chương trình học không có những căn cứ chắc chắn nào mà chỉ là sự thể hiện của quyền lực, nhưng ông không dừng lại ở đó. Dự án của ông nhằm mục đích thừa nhận rằng tri thức được xã hội tạo ra nhưng nó đòi hỏi được đảm bảo không lệ thuộc vào những mối quan tâm xã hội và xu thế quyền lực liên quan. Với mục đích đó, ông phát triển một lý thuyết được ông gọi là duy thực xã hội về tri thức: tri thức mang tính xã hội bởi nó công nhận vai trò của tác nhân con người trong quá trình sáng tạo tri thức và mang tính duy thực bởi ông muốn nhấn mạnh tới sự độc lập của tri thức đối với hoàn cảnh và tính ngắt quãng (discontinuities) giữa tri thức và kinh nghiệm thường nhật – một điều cốt lõi trong quan điểm của ông về chương trình học.

 

Để đề ra lý thuyết duy thực xã hội về tri thức, ông cần giải quyết một loạt các xung đột: xung đột thứ nhất là giữa “tính xã hội” và “tính duy thực”. Vì thế giới xã hội rất dễ thay đổi, nên vấn đề được đặt ra là cần dùng tiêu chí nào để xác định tri thức, nhằm đưa ra khái niệm về những gì tạo thành tri thức hơn là quan điểm. Đồng thời, tư tưởng về sự tồn tại của tri thức độc lập với hoàn cảnh (hay là tư tưởng duy thực, theo cách gọi của Young) gợi ý rằng cần có một sự thương lượng khéo léo nào đó trong lãnh hải giữa một bên là chủ nghĩa duy bản luận kinh nghiệm (empiricist foundationalism) và một bên là chủ nghĩa tương đối, cái mà ông hiện bác bỏ. Nguồn gốc sâu xa của vấn đề này là tính xung đột giữa ổn định và thay đổi. Các lý giải về tri thức của chủ nghĩa kinh nghiệm là ổn định bởi những nền tảng của tri thức đó được bắt nguồn từ quan điểm ấu trĩ về sự quan sát và những phẩm chất bảo tồn chân lý của phương pháp quy nạp và sau này là phương pháp diễn dịch. Một khi những nền tảng ấy bị cho là không thể đứng vững được thì vấn đề cốt lõi về nhận thức luận buộc chúng ta phải đưa ra đánh giá giữa những nhận định tri thức đối chọi nhau hay nói chính xác hơn là giữa những lý thuyết.

 

Đây chính là địa hạt của Michael Young, và ông đã quay lại với những triết gia và những nhà lý thuyết xã hội lớn, đó là Durkheim, Vygotsky, Cassirer và Bernstein để vượt qua những xung đột trong lập trường mà ông cố công phát triển và bảo vệ. Các chương về Durkheim, Vygotsky và bản chất của tri thức là những mẫu mực về việc sử dụng các tri thức được phát triển ở đầu thế kỉ 20 nhằm giải quyết những vấn đề của thế kỉ 21. Tác giả không chỉ sử dụng một cách độc đáo những công trình của họ nhằm bảo vệ lập trường của mình mà còn nhắc nhở thế hệ trẻ rằng ông đang đánh vật với những vấn đề mà lịch sử của chúng vượt xa cả những lý thuyết gia tân thời nhất được ưa chuộng trong ngành xã hội học giáo dục.

 

Quả thực, một chương được xem như bản lề của cuốn sách này, với nhan đề “Nghiên cứu Chương trình học và Vấn đề Tri thức”, đã được đặt tiểu đề là “Cập Nhật Thời Đại Khai sáng”, và chính qua tiểu đề này mà Michael Young đã gói gọn toàn bộ lập trường kiên định của mình. Trái với chủ nghĩa hư vô có nhiều liên hệ với chủ nghĩa tương đối trong tư tưởng hậu hiện đại và cả nhận thức sâu sắc của bản thân ông về vai trò của những mối quan tâm của “kẻ mạnh” trong quá trình định hình tri thức và chương trình học, ông đang cố gắng bảo tồn ý niệm về sự tiến bộ trong giáo dục và đặc biệt là trong tương quan với tri thức. Về mặt lý thuyết, ông quan tâm tới sự phát triển của tri thức và lý do tại sao một vài lĩnh vực nghiên cứu, như các ngành khoa học tự nhiên, lại có vẻ tiến triển theo những cách khác biệt với các ngành khoa học xã hội. Về mặt thực tiễn, ông đã áp dụng những mối quan tâm này trong phần phê phán về các chương trình học chủ trương “kinh nghiệm thường ngày” (common sense) và tước khỏi người học, đặc biệt là những người thuộc nhóm thiểu số trong xã hội, những cấu trúc hệ thống của tư duy vốn mang lại tính đặc thù của tri thức và giúp người học có được cái hiểu phê phán về thế giới tự nhiên và xã hội.

 

Hiếm thấy một cuốn sách nào trong ngành giáo dục vừa có tầm lý thuyết phức tạp lại vừa gần gũi với thực tiễn: đây chính là cuốn sách như vậy. Thật đáng trân trọng bởi trong khi Young đặt ra rất nhiều câu hỏi rồi tự mình trả lời, ông không hề né tránh những khó khăn của nhiệm vụ do chính mình đặt ra, qua đó mà đem lại một cuộc đối thoại cần thiết với các lý thuyết gia trong quá khứ và thế hệ học giả, nhà lập chính sách và giáo viên hiện tại. Chưa bao giờ trong lịch sử chúng ta lại cần trở về với những vấn đề cốt lõi trong giáo dục như thế.




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận