Từ khi chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, trong nền kinh tế Việt Nam đã tồn tại sự vận hành song song của hai cơ chế: cơ chế thị trường và phi thị trường. Nếu như cơ chế thị trường điều tiết nền kinh tế chủ yếu thông qua các biến kinh tế của thị trường (như cung, cầu, giá cả... ) thì thực chất cơ chế phi thị trường lại là sự can thiệp, điều tiết của chính phủ đối với nền kinh tế ở những lĩnh vực, bộ phận, nơi, thời điểm mà thị trường không thể điều tiết được hoặc điều tiết không có hiệu quả. Vì lẽ đó, việc trang bị cho sinh viên kinh tế những kiến thức cơ bản về vai trò của chính phủ trong nền kinh tế thị trường, cách thức can thiệp và phương pháp đánh giá các tác động của những công cụ chính sách mà chính phủ sử dụng để điều tiết nền kinh tế là hết sức cần thiết. Điều này cũng phù hợp với quan điểm xây dựng mô hình phát triển của Việt Nam mà Đảng ta đã xác định, đó là nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, vấn đề nhìn lại mô hình tăng trưởng của Việt Nam từ sau Đổi mới và xây dựng mô hình tăng trưởng mới cho giai đoạn 2011 - 2020 đang trở thành vấn đề nổi bật trong các diễn đàn trao đổi chính sách. Điều đó càng làm yêu cầu xác định rõ vai trò của chính phủ trong mô hình tăng trưởng mới thêm cần thiết.
Để đáp ứng yêu cầu đó, TS. Vũ Cương và PGS. TS. Phạm Văn Vận - Khoa Kế hoạch và phát triển - Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã biên soạn lại cuốn Giáo trình Kinh tế công cộng và xuất bản năm 2012 với độ dày 456 trang. Nội dung sách dựa trên các cuốn giáo trình được xuất bản trước đó, đồng thời bổ sung một số chương, mục mới và thay đổi cơ bản kết cấu theo hướng nâng cao tính khoa học; tính hiện đại và tính Việt Nam trong giáo trình.
Cuốn giáo trình này được biên soạn dành cho sinh viên các hệ đại học và cao học ngành kinh tế đã được trang bị sơ bộ các kiến thức về Kinh tế học vi mô. Qua đây, sinh viên sẽ nắm được nền tảng lý thuyết để hiểu rõ hơn về các chức năng của chính phủ, hệ quả của các hoạt động, chính sách can thiệp của chính phủ đến lợi ích người dân và phúc lợi xã hội nói chung. Ngoài ra, trong giáo trình cũng bổ sung nhiều tình huống có tính chất minh họa lý thuyết hoặc đặt ra các vấn đề thực tiễn để sinh viên thảo luận. Giáo trình này cũng là một tài liệu tham khảo có giá trị đối với các nhà nghiên cứu, các học giả và bất cứ ai quan tâm đến lĩnh vực kinh tế công cộng và chính sách công.
Nội dung Giáo trình kinh tế công cộng gồm 6 chương sau:
- Chương 1: Tổng quan về vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường và đối tượng nghiên cứu của môn học Kinh tế công cộng.
- Chương 2: Chính phủ với vai trò phân bổ lại nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
- Chương 3: Chính phủ với vai trò phân phối lại thu nhập nhằm đảm bảo công bằng xã hội.
- Chương 4: Chính phủ với vai trò ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh toàn cầu hóa.
- Chương 5: Lựa chọn công cộng.
- Chương 6: Các công cụ chính sách can thiệp chủ yếu của chính phủ trong nền kinh tế thị trường.