Một trí não bị kiềm chế trong kỷ luật không bao giờ là một trí não tự do giải thoát, cũng không bao giờ có thể là một trí não tự do khi dục vọng của nó bị dồn ép. Chỉ bằng cách thấu hiểu toàn bộ tiến trình của dục vọng, trí não mới có thể tự do. Kỷ luật, giới luật luôn luôn hạn chế trí não vào một chuyển động ngục tù, trong khuôn khổ của một hệ thông tư tưởng hay tin tưởng đặc biệt nào đó, phải không? Cho nên, một trí não như thế không bao giờ tự do để thông minh hay trí tuệ được. Kỷ luật khiến sinh thái độ qui phục vào quyền lực. Kỷ luật tập cho ta có khả năng vận động đúng với chức năng của mình theo yêu cầu của một mô hình xã hội, nhưng kỷ luật không đánh thức được trí thông minh vốn có khả năng riêng của nó. Một trí não không biết đào luyện gì ngoài cái khả năng dựa vào ký ức, giống như một máy tính điện tử hiện đại, tuy vận hành với một khả năng lạ lùng và độ chính xác cực cao, nó vẫn chỉ là một chiếc máy. Uy lực, quyền lực có thể thuyết phục trí não tư duy theo một phương hướng đặc biệt nào đó. Nhưng bị hướng dẫn tư tưởng theo một đường hướng nào đó, hay dựa vào một kết luận có sẵn, không phải là tư tưởng chi cả, mà chỉ vận hành như người máy, khiến sinh bất mãn một cách mù quáng, thất vọng và nhiều nỗi phiền muộn khác.
Vấn đề quan trọng ta quan tâm là sự phát triển toàn diện của từng con người, giúp con người hiểu rõ cái khả năng cao tột nhất và đầy đủ nhất của chính mình - chứ không phải cái khả năng giả tạo nào đó mà nhà giáo dục nghĩ ra như một quan niệm hay một lý tưởng. So sánh - bất kỳ với thái độ nào - cũng đều ngăn chặn sự phát triển toàn diện của cá nhân, dù bất luận là người làm vườn hay là nhà khoa học. Khả năng đầy đủ nhất của người làm vườn vốn đồng hóa với khả năng đầy đủ nhất của nhà khoa học khi ta không đem họ ra so sánh với nhau; nhưng khi sự so sánh xen vào, thì liền có lòng khinh thị và những phản ứng ganh tị làm dây lên xung đột giữa người và người. Cũng tương tự thế, đau khổ, tình yêu không thể đem ra so sánh; không thể so sánh cái này tốt hơn, cái kia nhỏ hơn. Đau khổ là đau khổ, như tình yêu là tình yêu, nơi kẻ giàu cũng như kẻ nghèo.
Sự phát triển trọn vẹn của mỗi cá nhân tạo ra một xã hội bình đẳng. Cuộc đâu tranh xã hội hiện tại nhằm tạo nên một sự bình đẳng về kinh tế hay tinh thần, ở bình diện nào đó, không có nghĩa lý chi cả. Các cuộc cải cách xã hội lấy bình đẳng làm mục đích, dấy sinh thêm nhiều hình thức hoạt động phản nghịch xã hội mới khác; nhưng với một nền giáo dục chân chính, không cần phải tìm kiếm sự bình đẳng bằng các cuộc cải cách xã hội hay nhiều hình thức cải cách khác; bởi vì lòng ghen tị do so sánh các khả năng đã ngưng dứt.