"Hình như Phan An, đằng sau tất cả những giao tiếp, những bề mặt hiển thị có thể là một nỗi cô đơn, một hoang vắng chưa được hóa giải. Nó lẩn khuất đâu đó, sau những con chữ, rằng cuộc đời, cơ bản là buồn...
1. Bạn đọc chờ một cơn sốc, một trận bão dục tính như những gì người ta vẫn tò mò về văn học trẻ bây giờ từ tên tập truyện? Hồi hộp đợi những pha gay cấn, những phơi trải tận cùng ham muốn của con người “ham muốn quá nhiều”? Sẽ chờ đợi một cách nhìn về sex, về tình yêu và những “nổi loạn” cá nhân...?
Nhưng bạn sẽ bất ngờ, bởi ở đây, tình yêu như mãi chỉ ngập ngừng ở ngưỡng cửa sex. Và chính từ đó, bạn sẽ thấy một cách nhìn khác về tình yêu. Hóa ra, những đam mê của con người, kể cả đam mê thân thể, cũng có thể trở nên vô vị làm sao, khi hình như, đó là cái đã-được-biết-trước. “Trong một giây phút, tóc em bay bay cọ nhẹ vào má tôi, bờ môi em gần kề...”. Chi tiết này lần đầu xuất hiện sẽ làm người ta hồi hộp. Và đến lần hai, lần ba, lần bốn... ta sẽ nhận ra đó có thể là một giễu nhại, hay hiền lành hơn, một phản tỉnh buồn bã, rằng tình yêu, cũng sẽ có những điều biết trước, thế thôi, và những câu chuyện, có cần kể nữa ra không? Nhưng nếu ngẫm sâu hơn, người đọc sẽ nhận ra rằng trong hành trình đi tìm tình yêu, mỗi người phải đi xa hơn nữa...
Cái nghịch lý đầu tiên nằm ở chỗ: một câu chuyện tưởng đã xảy ra, nhưng có thể, giống như cuộc đời luôn là không biết trước, sẽ chẳng có gì xảy ra cả.
2. Ở Phan An, đằng sau những câu chuyện được kể lại, đằng sau những niềm vui đem đến cho người đọc, đằng sau sự thông minh, hài hước, đằng sau cảm giác về một cuộc sống không mệt mỏi và kéo trĩu, có một lời đề nghị thật sâu: “Làm ơn nhóm cho tôi một đống lửa, dẫu không phải là thảo nguyên mà chỉ là đồng cỏ, cũng xin nhóm cho tôi một đống lửa - để tôi đỡ hoang vắng”. Điều đó chẳng phải đã chạm đến nỗi hiu quạnh của mỗi cá thể sống, một niềm khao khát được trìu mến, được trò chuyện, được gặp gỡ, được nhìn thấy một tín hiệu ấm áp, dù chỉ là một đốm lửa sáng lên từ đồng cỏ...
Hình như Phan An, đằng sau tất cả những giao tiếp, những cái bề mặt hiển thị có thể là một nỗi cô đơn, một hoang vắng chưa được hóa giải. Nó lẩn khuất đâu đó, sau những con chữ, rằng cuộc đời, cơ bản là buồn...
Đó dường như là một nghịch lý về chính người sáng tạo, và anh sẽ cảm hiểu nó hơn ai hết...
3. "Tôi kể một câu chuyện vớ vẩn trong lúc đợi trời tối cũng như bây giờ tôi kể một câu chuyện vớ vẩn trong lúc đợi tàn lửa. Tại sao lại là chuyện vớ vẩn? Vì bây giờ có chuyện nào kể ra là nghiêm chỉnh đâu?".
Ấy thế mà cuộc chơi ấy, những câu chuyện chừng như vớ vẩn ấy, lại có thể làm giật mình người đọc, bởi một cuộc sống chừng như bận rộn không ngớt lại đang làm loãng chúng ta, một cuộc sống với nhiều tương tác, hóa ra lại có thể làm ta cô quạnh hơn, hoang vắng hơn nữa. Đi tìm mộng hóa ra lại gặp hiện thực, háo hức một hương vị phương xa, nhưng hóa ra, cái sợi dây níu người ta với quê nhà cũng không phải một bước đổi không gian mà dễ đứt. Ở một số truyện như Ăn Trưa Một Nhát, Ăn Trưa Hai Nhát, Bữa Ăn Trưa Kéo Dài (thuộc phần Ăn Trưa Một Nhát) người đọc gặp lại chút hồi hộp đầu đời, những thú vị, giật mình về tình yêu, về cách sống, về những hương vị, nỗi đau không nặng nề. Những truyện ngắn làm người ta “say nắng”.
Đó có phải là một nghịch lý của giá trị văn chương, là ranh giới mà nhà văn đứng cheo leo trên đó, ở giữa những câu chuyện chừng không nghiêm chỉnh, và một thông điệp sâu hơn nằm ở phía sau?
4. Và trò chơi của người sáng tạo, cuối cùng, lại hình thành một quan niệm, một ý tưởng riêng: Cuộc đời là một ván cờ, văn chương hóa ra cũng chẳng khác. Phan An đã viết truyện ngắn như đánh một ván cờ, hết ván này đến ván khác. Thực chất, bố cục tập truyện cũng mở ra những ván cờ với 6 phần khác nhau, mỗi phần lại gồm một hệ thống các truyện ngắn - có thể hình dung như những nước đi khác nhau cho một lần chơi. Sự độc quyền sáng tạo cũng bị mất giá bởi cách trộn xóc, lắp ghép nhiều mảng tác phẩm, thậm chí có thể ghép Bunin và Nguyễn Huy Thiệp, chỉ thay đổi tên họ của nhân vật, làm giật mình, làm ú ớ người đọc như “trò đùa” của Duchamp với nàng Mona Lisa. Một cách “chịu chơi” khác là khả năng gây nhiễu, “lừa bịp” người đọc bằng việc làm trở đi trở lại những nhân vật, cảnh huống, câu nói, cách nói. Đó cũng là một cách kích thích độc giả đồng sáng tạo.
Chẳng có trò chơi nào không nghiêm túc, và không có sự nghiêm túc giá trị nếu người viết không “cao cờ”. Quan niệm văn chương là cuộc chơi cần được hiểu một cách nghiêm túc, cũng chính từ đó...
5. Phan An, một kẻ tài tử, thơ thẩn trong thơ, nhạc, muốn làm nhẹ nhàng hơn cuộc sống này bằng những bước không kéo trĩu, muốn cùng bạn đi trên một con đường bằng không xuống dốc và cũng không có đỉnh cao, nhưng dọc đường người kể chuyện rong ruổi này đã bày ra trước ta bao nhiêu lời cỏ lạ
Phan An với sự xuất hiện này, có thể hứa hẹn một phong cách, cũng ngầm ý một tự nhắc: viết cũng là một cách “luyện cờ”, muốn thành “cao cờ”, ắt cần tạo những cuộc chơi nhọc nhằn hơn nữa, kích thích đến cùng hơn nữa. Và người đọc cũng đang chờ sự xuất hiện tiếp nữa của anh, như một nhân vật trong tác phẩm bày tỏ “trong cả cuộc đời chỉ cần viết được một cuốn tiểu thuyết có giá trị, tôi muốn viết về thế hệ mình, về những gã khốn nạn (hay khốn khổ?) đã tiêu phí tuổi trẻ của mình, đã tiêu phí cuộc đời mình".
Nhưng Phan An, chính bản thân anh, hình như cũng ôm đồm một khối mâu thuẫn. Những nghề nghiệp của anh chồng lên nhau, hoặc đi song song nhau, những thế giới khác nhau trong một thế giới, và có thể chính anh, cũng luôn phải xuất hiện với nhiều vai khác nhau, “như một người khác”... Liệu điều đó tác giả có coi là một nghịch lý?" (Nhã Thuyên - Evan).
. Ở cuốn sách này, tôi cũng chờ đợi một tín hiệu, một cử chỉ âu yếm từ phía em. Còn em, có lẽ em cũng chờ đợi một tín hiệu rõ ràng từ phía tôi. Hoặc có thể em tự đặt cho mình một quy ước, có thể em sẽ chấp nhận tôi nhưng ở một khung cảnh khác chứ không phải ở "Giường Ở "Giường", tôi đã kể cho em nghe nhiều chuyện và có thể qua đó, em thấy tôi là một gã hết sức nhảm nhí và vớ vẩn. Lẽ ra để chiếm được tình cảm của em, tôi sẽ phải kể khác đi. Nhưng chẳng sao cả, dẫu sao tôi vẫn là tôi - vừa kéo em vào lại đẩy em ra.
Tôi cũng tự giao ước với mình là mọi chuyện phải được quyết định dứt khoát trong buổi chiều hôm đó.... Tại sao chúng ta cứ phải như vậy? Chỉ vì chúng ta vẫn chưa sẵn sàng đến với nhau. Tôi và em là thế...
Ra khỏi "Giường", với em, tôi biết tôi đã đọc bài thơ tuyệt mệnh của Exenin: "Thôi chào nhé, bạn ơi chào nhé / Bạn thân yêu tôi mang bạn giữa lòng / Cuộc ly biệt tự bao giờ định sẵn / Chẳng hẹn ngày tái ngộ chờ mong...". Hóa ra, giữa tôi và em sẽ không xảy ra điều gì là chuyện đã được định sẵn tự bao giờ? Tôi bấm điện thoại, điên cuồng gọi cho bạn. Bây giờ có một câu xuất phát từ trò chơi "Ai là triệu phú" đang được thịnh hành là: "Chúng ta được phép gọi điện thoại cho người thân". Đến cú điện thoại thứ ba, thứ tư gì đó, tôi phát hiện ra một quy luật là hôm nay sẽ chẳng gặp được ai hết, tất cả đều bận hoặc đều không bắt máy.... Có những ngày như vậy đấy. "Vừa chán vừa buồn, đưa tay không người bắt / Trong những phút lòng hiu hắt quặn đau...".
Mục lục:
Một ba ba xin nghe
Marina
Có một thời như thế
Đêm Mai Châu
Trả lời thảo nguyên
Trả lời nắng
Hai người bước vào thang máy
Vó bò
Nhắn tin
Những mơ mộng của đàn ông
Chơi cờ
Ba mùa ...
|