Ngoại tình bị coi là một chuyện phi đạo đức, đồng thời nó cũng là đề tài hấp dẫn được bàn tán rất nhiều trong đời sống. Ngoại tình có vẻ khá phổ biến ở kỳ nền văn hóa hay bất kỳ quốc gia nào. Vì sao người ta ngoại tình và chuyện ngoại tình trên thế giới diễn ra như thế nào, với mức độ ra sao? Câu hỏi đó ám ảnh nhà báo Mỹ Pamela Druckerman khiến cô quyết định cất công đi tới 24 thành phố trên thế giới để tìm lời giải đáp qua vô số các cuộc găp gỡ với những “người trong cuộc”, những chuyên gia tình dục học, các nhà tâm thần học, các chuyên gia tư vấn hôn nhân.
Khảo sát về ngoại tình tầm cỡ quốc tế của Pamela Druckerman đã hé lộ những khám phá lý thú về cách mọi người trên thế giới nhìn nhận chuyện trăng hoa. Có thể trong mắt nhiều người, Mỹ là một đất nước “lăng nhăng” nhưng trên thực tế người Mỹ “kém” nhất trong chuyện ngoại tình; những người dân Mỹ vụng trộm không thật sự thấy hạnh phúc vì cảm giác ăn năn; khi bị phanh phui thì chuyện ngoại tình của người Mỹ là bi kịch. Với người Nga, ngoại tình như một điều “bắt buộc” của cuộc sống, họ cũng không coi những cuộc vụng trộm chớp nhoáng trong các kỳ nghỉ là chuyện thiếu chung thủy trong đời sống vợ chồng. Các doanh nhân người Nhật coi “ăn bánh trả tiền” không phải là chuyện lừa dối vợ. Người Nam Phi vẫn thích phóng túng cho dù vấn đề đó là con đường dẫn tới hiểm họa AIDS của quốc gia này.
Pamela Druckerman còn vén màn bí mật về những khao khát ngoài hôn nhân của người dân theo đạo Do Thái, ở nước theo đạo Hồi, đem lại những điều ngạc nhiên thú vị cho người đọc. Nếu như đạo Hồi cho phép đàn ông được chế độ đa thê với những người vợ tiết hạnh; song điều thật sự ngạc nhiên là Pamela Druckerman đã khám phá ra ngay cả những phụ nữ rất ngoan đạo này cũng sẵn sàng quan hệ lén lút, thậm chí dám chạy theo tiếng gọi của tình một đêm để lấp khoảng trống cô đơn. Vấn đề kinh tế cũng tác động tới chuyện ngoại tình – ở những nước nghèo thì nhiều phụ nữ chấp nhận chuyện làm vợ lẽ để có cuộc sống khá hơn về vật chất…
Bằng một giọng văn hài hước, sinh động, Pamela Druckerman đưa chúng ta lần lượt khám phá các nền văn hóa tình dục khác nhau trên thế giới. Theo tác giả, “con người chung thủy đến mức nào tùy thuộc vào nơi sinh sống. Những xã hội khác nhau sẽ có những luật lệ riêng biệt cho phép ai và vì lý do gì có thể vụng trộm…” Cuốn sách thú vị, chân thực này không chỉ giúp giải mã về chuyện trăng hoa mà còn đem đến cái nhìn hoàn toàn mới về việc hướng tới “hôn nhân một vợ một chồng”.
Nhận định về tác phẩm:
“Câu chuyện được phác họa đầy màu sắc… Rất thú vị.” - The New York Times
“Chứa đựng nhiều mẩu chuyện đầy kích thích.” - Reuters
“Rất thú vị và ý nghĩa… Druckerman rất giỏi về các câu văn tinh tế và kích thích… Thật sinh động và đáng đọc.” - Bookslut.com
“Mở rộng tầm mắt… Nhìn chung, cuốn sách này nhẹ nhàng và bổ ích nhưng cũng rất tinh tế và có cái nhìn rất sâu. Nó tương tự như những câu chuyện truyền miệng hay nhất trong giới công sở.” - Colorado Springs Independent
“Sau khi phỏng vấn nhiều người ngoại tình, chuyên viên tình dục học, chuyên viên tư vấn hôn nhân và ‘những nhà mai mối’ từ Pháp đến Trung Quốc, Druckerman đã cho ra một cái nhìn thú vị từ nhiều xã hội khác nhau.” - The San Diego Union-Tribune
“Cuốn sách này thật hài hước, thú vị, chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ cứ như thể nhiều cuốn phim truyền hình dài tập tái hiện lại chuyện tình của con người vậy.” - The Observer (London)
“Cuốn sách được viết bằng một giọng văn lôi cuốn và những tình tiết cực kì kích thích này xứng đáng được đem ra thảo luận bởi nhiều nhóm chuyên gia hay những người muốn đem lại điều tốt đẹp nhất cho mọi người.” - Booklist
“Cực kì thú vị. Với quyển sách đầu tay hóm hỉnh này, Druckerma sẽ đưa độc giả vào những câu chuyện tưởng như đùa cợt vòng quanh thế giới nhưng đồng thời sẽ làm cho những người mộ đạo ở Mỹ bất ngờ khi khám phá ra những bí mật của các nền văn hóa khác. Tất cả những chuyện ngoại tình sai trái được tái hiện lại một cách chân thực không chút tội lỗi.” - Elisabeth Eaves, tác giả cuốn Bare: The Naked Truth About Stripping (Sự thật trần trụi về chuyện thoát y)