Sách: Hạt Cơ Bản -Tiểu Thuyết

Hạt Cơ Bản -Tiểu Thuyết
55.000
Tác giả: Michel HouellebecqBìa mềm. Xuất bản tháng 12/2006. NXB Đà NẵngSố trang: 430. Kích thước: 13.5x20.5cm. Cân nặng: 550 gr
53a6e4d97f8b9aec248b4587

vi
430
13.5x20.5cm.

Mô tả

Cuốn tiểu thuyết dữ dội phê phán xã hội phương Tây hiện nay, cũng như những năm 60, 70 của thế kỷ trước; nhà văn còn cực đoan đến mức muốn xóa bỏ cái xã hội đầy rẫy cái xấu xa và tệ nạn ấy.  

Hai nhân vật chính, Bruno Clément và Michel Djerzinski, đều sống với bà và đều học ở trường trung học ở Meaux. Houellebecq đã rút tỉa các sự kiện từ chính cuộc đời mình; theo một cách nào đó ông đã tự phân tích mình, cuộc tiểu phẫu đó là tiền đề cho cuộc đại phẫu áp dụng cho xã hội, mà ông đã tiến hành một cách xuất sắc trong Hạt cơ bản.

Con dao mổ của Houellebecq sắc nhọn, nó bới tung từng ngóc ngách của con người và xã hội, nỗi khốn khổ hiện đại bị lột trần. Nhưng lẽ dĩ nhiên, trước đó, nó đã gây đau đớn cho chính ông.

Ở Pháp, Hạt cơ bản rất ăn khách. Năm 1998, việc Houellebecq “trượt” giải Goncourt làm người ta nhớ lại năm 1932 kiệt tác “Hành trình đến tận cùng đêm tối” của Céline cũng để tuột giải này về tay nhà văn Guy Mazeline. Hạt cơ bản chỉ giành giải Novembre.

Hạt cơ bản mở đầu bằng việc nhà khoa học Michel Djerzinski xin nghỉ làm tại Trung tâm Khoa học Quốc gia sau 15 năm làm việc tại đây, lấy lý do là để dành thời gian suy nghĩ. Trên thực tế anh sẽ tiến hành những nghiên cứu mang ý nghĩa lớn cho toàn bộ loài người.

Tiếp đó câu chuyện quay về những năm tháng tuổi thơ của hai anh em Michel và Bruno, xen lẫn với cuộc sống sau này của họ. Ở Bruno khía cạnh nổi bật là ham mê tình dục đến mù quáng, còn Michel lại hoàn toàn ngược lại: anh là con người của lý trí, dịu dàng và luôn hướng tới một đạo đức theo lối của triết gia Kant.

Câu hỏi lớn của Michel là hạnh phúc có tồn tại thật không, và phải giải quyết mối tương quan giữa đàn ông và đàn bà như thế nào. Hai anh em (cùng mẹ khác cha) chỉ giống nhau ở điểm cả hai cùng cô độc, từ bé đến lớn không có chỗ dựa nào khác ngoài những bà nội bà ngoại già nua. Số phận họ bị kết án không thể hạnh phúc, dù đã có lúc bên cạnh Bruno có Christiane dịu dàng và tinh tế, Michel có Annabelle kiều diễm.

Sự bi thảm nằm ở từng câu chữ của tiểu thuyết, và trong từng sự kiện nhỏ nhặt nhất của cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Bruno và Michel sống bên lề của những biến chuyển xã hội phương Tây, họ không phải hippie, không phải rock star, mà chỉ là những con người cô đơn, luôn thấy cuộc sống nhàm chán, trống rỗng và đáng căm ghét.

Cùng với sự xuống dốc cuộc đời của họ là sự xuống dốc không phanh của phương Tây, rơi tõm vào cơn cuồng loạn của chủ nghĩa tiêu dùng, sự đi xuống của cái gọi là Đức tin, sự đe dọa của nhân bản vô tính, tính hủy diệt của các giá trị tự do, trong đó có vai trò không nhỏ của phong trào giải phóng tình dục những năm 60; tất cả những cái đó, theo Houellebecq sẽ hủy diệt loài người như một quả bom hạt nhân (Chính vì thế mà ông đặt tên tác phẩm của mình là Hạt cơ bản).

Theo nhiều nhà phê bình Pháp, kể từ Con quái vật (Roi des Aulnes) của Michel Tournier năm 1970 đến nay chưa có tiểu thuyết Pháp nào chứa đựng nhiều ý tưởng như tác phẩm của Houellebecq. Cả hai tác phẩm đều có tham vọng giải quyết các vấn đề to lớn của toàn nhân loại,Tournier bằng con đường tôn giáo còn Houellebecq bằng con đường khoa học.

Đọc Hạt cơ bản, cũng là một cách ngược dòng thời gian trở về những năm 60, 70 của thế kỷ XX ở phương Tây, khi mà tinh thần “tháng năm năm sáu tám”, tinh thần giải phóng tình dục như lý giải cho một sự bế tắc, trống rỗng, hỗn mang đến kinh hoàng, con người cá nhân đã phơi bày một cách tự do và thảm hại với tất cả các cấp độ, khi ấy chúng ta sẽ thật sự chia sẻ và dễ dàng tiếp xúc với những ý tưởng dồi dào gợi ra từ tác phẩm này, dẫu vẫn thấy có những khác biệt không nhỏ về cách tiếp thu, nhìn nhận giữa Đông - Tây.

Các-Mac từng có một cách ngôn nổi tiếng: Không có gì thuộc về con người lại xa lạ đối với tôi. Trên tinh thần này chúng ta có thể cắt nghĩa thêm vì sao Hạt cơ bản được bạn đọc ở nhiều quốc gia quan tâm, chào đón, và thực sự trở thành một hiện tượng trên văn đàn thế giới những năm gần đây. Phải chăng bi kịch cá nhân vẫn đang hiện hữu ở nhiều nơi trên trái đất này?




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận