Dường như có một rào cản vô hình quanh những đỉnh núi cao nơi đây mà không một ai có thể vượt lên được. Dĩ nhiên, nguyên nhân thật sự nằm ở chỗ từ độ cao 8.847m trở lên, tác động của áp suất không khí thấp lên cơ thể con người nghiêm trọng đến mức làm cho việc leo núi gần như bất khả thi, một cơn bão nhỏ cũng có thể gây chết người. Điều kiện thời tiết và mặt tuyết hoàn hảo nhất cũng chỉ cho họ một cơ hội thành công nhỏ nhoi nhất và không một đoàn thám hiểm nào có thể quyết định trước được ngày chinh phục đỉnh…
Người ta không lấy làm ngạc nhiên khi đỉnh Everest không hề chịu khuất phục con người chỉ sau vài nỗ lực đầu tiên. Thật ra, nếu việc chinh phục đơn giản như vậy thì các nhà leo núi hẳn sẽ cảm thấy ngạc nhiên và rất buồn lòng, bởi vì nó không còn là một ngọn núi vĩ đại nữa. Có lẽ chúng ta đã trở nên hơi kiêu ngạo với những công nghệ tiên tiến như đôi đế đinh và giày cao su, với kỷ nguyên chính phục dễ dàng bằng phương tiện cơ giới. Chúng ta đã quên rằng, Everest vẫn đang nắm giữ chiếc chìa khóa mà các nhà leo núi cần để đi đến thành công và nó sẽ chỉ trao cho họ khi nó muốn mà thôi. Còn lý do khác khiến cuộc phiêu lưu này quyến rũ các nhà leo núi đến như vậy?
Khi Jon Krakauer lên được đỉnh Everest vào đầu giờ chiều ngày 10 tháng 5 năm 1996, anh đã không ngủ trong 57 giờ liền và đang quay cuồng vì những tác động lên não của chứng hạ oxy huyết. Khi anh quay lưng để bắt đầu chuyển xuống núi nguy hiểm từ độ cao 8.848m (xấp xỉ độ cao của một chiếc máy bay Airbus), hai mươi nhà leo núi khác vẫn đang tận lực bò lên đỉnh mà không biết rằng bầu trời đã bắt đầu vần vũ mây…
Trong hồi ức sau cùng này về mùa leo núi tang tóc nhất trong lịch sử Everest, Jon Krakauer đã đưa người đọc từng bước một từ Kathmandu lên đến đỉnh núi chết chóc, mở ra một câu chuyện nghẹt thở, làm người đọc rùng mình và kinh hãi.