Đọc một cuốn tiểu thuyết của Neel Doff, ngươi ta cảm thấy câu chuyện hiện diện một cách lạ kỳ do cái cách thức nó đến với độc giả, chinh phục được độc giả ngay từ phút giây tiếp xúc đầu tiên. Chúng ta đang ở đâu? Những sự việc đó đã xảy ra lúc nào? Ta hãy để nó đi vào cái phi thời gian tính, một áng văn bộc lộ hết những sóng gió trong tâm hồn con người, những co thắt của con tim, những co thắt của cái bụng ở mức độ sâu sắc đến như vậy. "Hôm ấy là ngày lễ của Nữ thánh Catherine. Tôi đi lang thang trong khu thấp của thành phố, có mẹ tôi theo sau tôi mươi bước. Mỗi lần tôi tưởng có người đàn ông nhìn mình là tôi tạt vào một con đường rẽ với hy vọng người đàn ông sẽ rẽ theo tôi." Câu chuyện của Keetje kể bắt đầu như vậy. Thật giản dị. Vậy mà chúng ta thấy hoang mang, hồi hộp làm sao! Vấn đề gì xảy ra vậy! Một thiếu nữ ư? Hay là một cô gái điếm? Bà mẹ có mặt ở đây làm gì?.
Chỉ mấy dòng thôi mà nói lên được tất cả. Đúng, đây là một thiếu nữ rất trẻ; cô đang làm gái điếm, và mẹ cô ta đang đi sau cô ta vừa để bắt buộc vừa để bảo vệ cho con gái, như một ma cô. Người con gái đó cũng chính là người viết truyện, Neel Deff - nhà văn chỉ khác Keetje, nhân vật của mình ở cái tự do mà bà đã giành được, cái tự do nội tâm đã sống trọn vẹn cuộc sống đã qua tới mức độ biến nó thành một câu truyện kể.
Thực ra, tác phẩm Keetje nhằm mục tiêu chủ yếu là cuộc đấu tranh mà Neel Deff tiến hành để thoát ra khỏi nghề mại dâm, vật chất cũng như tinh thần, cái nghề đó loại trừ người ta ra ngoài lề xã hội một cách dứt khoát và tàn bạo hơn cả sự nghèo khổ. "Tôi cảm nhận sâu sắc rằng, đối với một người đàn ông, một cô gái điếm là một kẻ không nhân phẩm, không thể mang trong mình bất cứ một thứ gì gọi là tình cảm con người...".
Cuốn truyện miêu tả những chặng đường đã qua, nhằm thoát ra khỏi cái vòng địa ngục ấy. Sắc đẹp yểu điệu của cô kết hợp với một tâm hồn cương nghị, đã biến Keeje thành một cô người mẫu sáng giá. Tại xưởng họa của các nghệ sĩ, cô được tiếp xúc với một môi trường ít giả tạo, nghèo hơn nhưng mà gần gũi với mọi người. Ở đây, cô đã nuôi dưỡng cho mình lòng khát khao hiểu biết và phát huy cái cảm quan sắc bén của mình về thực tế; sự hòa trộn cảm xúc và kinh nghiệm đó làm cho nhân cách cô thêm phong phú. Một chặng đường kỳ diệu mà, để bắt đầu, đã biến một cô gái giày dép luôn ướt sũng nước mưa thành một cô gái duyên dáng lần đầu tiên mặc chiếc áo dài - chiếc áo màu xanh đậm lá cây, rất bó, ngoài khác một chiếc áo choàng nhỏ có cài những cái hoa làm bằng vải mỏng.
Việc đọc sách sẽ là bất tận khi nó mở đường cho Keetje đi đến tự do tư tưởng. Cô đọc bất cứ cuốn sách nào, tài liệu gì cô vớ được như thỉnh thoảng cô nhặt để ăn những thứ mà bọn nhà giàu bỏ đi. Tại chợ cũ, cô mua cuốn "Những Lời Thú Tội" của Jeap Jacques Rousseau; qua cuốn sách này, cô gặp được một người bạn nghèo mà chân thực. Từ đó mà nảy sinh trong người thiếu phụ một sự đòi hỏi, kêu mời phải viết, và niềm tin người ta có thể và phải viết tất cả mọi sự và viết hết sức chân thành. Tuy cô vẫn luôn luôn bị giày vò vì những mảnh đời cô đã sống, cái mặc cảm ô nhục của những tháng ngày làm gái điếm. Cô không tha thứ cho cô cái tội đã đẩy con gái mình vào con đường điếm nhục. Đọc các tác phẩm của Dostoievsky, Keetje hiểu rằng không có gì làm mất danh giá một người đàn bà hành động vì tình thương. Cô phát hiện ra trong nhân vật Sonia của cuốn "Tội Ác Và Trừng Phạt" cái tấm lòng đại lượng vượt lên trên mọi dư luận khen chê.
|