Sách: Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010)

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo rằng: Báo chí phải phục vụ nhân dân, chủ nghĩa xã hội, đại đoàn...

vi
596

Mô tả

Lich su BAO CHI CMVNTác giả: PGS. TS. Đào Duy Quát (Chủ biên)

Số trang: 596

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo rằng: Báo chí phải phục vụ nhân dân, chủ nghĩa xã hội, đại đoàn kết dân tộc và hòa bình thế giới. Người làm báo phải là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Thấm nhuần lời dạy của Bác, các cơ quan báo chí và các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với vai trò là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước giàu mạnh.

Ngày 21-6-1925, báo Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra số đầu tiên, đánh dấu sự khởi nguồn một dòng báo chí hoàn toàn mới trong lịch sử báo chí Việt Nam: báo chí cách mạng. Được xuất bản gần như đều đặn hằng tuần, với gần 90 số báo, tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lớn lao của mình là bước đầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về mặt lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tính đến năm 2010, báo chí cách mạng Việt Nam đã đi được một chặng đường dài 85 năm với những bước phát triển rất mạnh mẽ, gắn bó chặt chẽ với lịch sử cách mạng của đất nước, của dân  tộc và đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế. Chặng đường lịch sử 85 năm ấy với những sự kiện, những dấu mốc, những thăng trầm, những giá trị, thành tựu và cả những hạn chế đã được tổng kết trong cuốn sách Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010) do PGS. TS. Đào Duy Quát chủ biên.

Nội dung cuốn sách phản ánh một cách sinh động, có hệ thống toàn bộ chặng đường 85 năm hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam theo trình tự thời gian, gắn với các thời kỳ lịch sử của dân tộc: 1925-1945, 1945-1954, 1954-1975, 1976-1986, 1986-2000, 2000-2010. Trong từng thời kỳ, các tác giả lại chia thành những giai đoạn nhỏ, phân tích kỹ bối cảnh, tình hình chính trị - xã hội, điều kiện lịch sử trong nước và thế giới, tương ứng là những phân tích sâu về tình hình hoạt động, những nhiệm vụ cụ thể của báo chí nước nhà, điểm ra những tờ báo chủ lực, tiêu biểu trong các giai đoạn này. Nếu như trong thời kỳ đầu của nền báo chí cách mạng (1925-1945), ngoài báo Thanh niên, có thể kể ra những tờ báo, tạp chí ghi dấu ấn đậm nét trong làng báo như: Búa Liềm, Đỏ, Tranh đấu, Dân chúng, Việt Nam độc lập, Cứu quốc, Cờ giải phóng… thì trong những thời kỳ tiếp theo, không thể không kể đến những cái tên: Sự thật, Độc lập, Lao động, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam…

Bằng văn phong chính luận, các tác giả cuốn sách đã tái hiện lại lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam với đầy ắp các sự kiện, con số, tư liệu lịch sử nhưng không hề khiến độc giả thấy khô khan, tẻ nhạt, nhàm chán mà ngược lại, rất lôi cuốn. Kể cả khi đánh giá tình hình chính trị, xã hội, tình hình hoạt động báo chí hay khi giới thiệu quá trình ra đời và hoạt động cũng như những đóng góp của những tờ báo, tạp chí cụ thể, các tác giả vẫn kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự khái quát, phân tích, đánh giá với những ví dụ cụ thể, sinh động.

Nếu ví cuốn sách này là một bức tranh về chủ đề lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, thì có thể nói các tác giả đã vẽ nên một bức tranh sống động, chân thực về mặt lịch sử, lôgic về mặt bố cục và được chuyển tải bởi những nét vẽ khá mềm mại, uyển chuyển.

Với gần 600 trang sách, với 7 chương khái quát quá trình phát triển báo chí cách mạng qua các thời kỳ và phần cuối cùng khép lại cuốn sách: Báo chí cách mạng Việt Nam - 85 năm nhìn lại, độc giả, đặc biệt là những người đang công tác, hoạt động trong ngành báo chí và những người quan tâm tới lĩnh vực này, sẽ cảm thấy hài lòng bởi đã được tiếp cận một công trình nghiên cứu công phu, có giá trị.

Giao linh




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận