Tác giả: Hà Văn Hiền - Phạm Hồng Chương (Đồng chủ biên)
Số trang: 384 trang
Giá: 62.000đ
Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt là những năm 1990 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta đạt được những con số ấn tượng so với thời kỳ trước đó. Trải qua bốn thời kỳ tăng trưởng thăng trầm, nhưng nhìn chung, nhịp độ tăng trưởng dài hạn khá cao và ổn định. Đạt được những thành công đó một phần rất quan trọng nhờ chúng ta đã lựa chọn được mô hình tăng trưởng kinh tế tương đối phù hợp với điều kiện của đất nước.
Tuy vậy, cho đến nay, trước sự phát triển nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới, mô hình này đang bộc lộ nhiều hạn chế và được đánh giá là mô hình tăng trưởng dàn trải theo chiều rộng, kém hiệu quả trong dài hạn, không thực sự phát huy được các thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam. Thực trạng này đặt ra yêu cầu chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế một cách chủ động và có định hướng rõ ràng.
Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu của tập thể tác giả do Hà Văn Hiền và Phạm Hồng Chương đồng chủ biên. Cuốn sách kế thừa kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp nhà nước cùng tên.
Được chia thành 4 chương, thông qua việc hệ thống hóa các mô hình tăng trưởng kinh tế, cuốn sách đi sâu phân tích thực trạng tăng trưởng kinh tế Việt Nam (cả về tốc độ và chất lượng, tính bền vững...), làm rõ những bất cập của mô hình tăng trưởng mà Việt Nam đang thực hiện và phân tích, dự báo những hạn chế của mô hình này trong tương lai nếu tiếp tục theo đuổi.
Trên cơ sở phân tích những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến nền kinh tế Việt Nam (thể hiện qua tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu giảm sút, sự căng thẳng trên thị trường tín dụng - ngân hàng, sự tuột dốc của thị trường chứng khoán; sự suy giảm trong việc giải ngân vốn FDI và ODA, ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng) và những bài học kinh nghiệm chuyển đổi mô hình tăng trưởng sau các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, các tác giả đã phân tích những cơ hội và thách thức, những điểm mạnh và điểm yếu cơ bản đối với Việt Nam sau khủng hoảng, từ đó đưa ra những căn cứ khoa học, quan điểm, mô hình và giải pháp thực hiện mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011-2020 cho nền kinh tế đất nước.
Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2030 được xác định là mô hình tăng trưởng bền vững, hiệu quả và vì con người, dựa trên cơ sở khai thác và sử dụng tốt nhất các lợi thế cạnh tranh quốc tế, chú trọng các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu, vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường hoàn chỉnh, trong một môi trường thể chế có tính trách nhiệm và minh bạch cao và định hướng ưu tiên xây dựng năng lực sản xuất công nghiệp. Căn cứ vào mô hình tăng trưởng tổng quát như trên, các giải pháp cơ bản mà các tác giả đưa ra bao gồm: tái cấu trúc nền kinh tế; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đổi mới hệ thống chính trị và cải cách hành chính.