Cuốn sách đề cập đến vấn đề mỹ thuật dân tộc ở giai đoạn đầu cùa kỷ nguyên độc lập - thời kỳ quân chủ Phật giáo Lý - Trần, dựa trên hai nguồn tư liệu là thư tịch và hiện vật khảo cổ. Về nguồn tư liệu thứ nhất, sách đã sử dụng những bài văn, bài minh khắc trên bia đá và chuông đồng, những áng văn chương của các thi hào đương thời, đặc biệt là những cuốn sổ biên niên hay sử chí từng thể loại của các sử gia đương thời hoặc sử gia hay sử quán thuộc các thời tiếp sau đó. Những tài liệu chữ viết ấy ghi chép về mỹ thuật rất ít, song các đoạn văn sơ sài đều là các minh chứng lịch sử quan trọng. Về nguồn tư liệu thứ hai, do sự phá huỷ của thiên nhiên với khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt, do các cuộc chiến tranh liên tục diễn ra, do cả nhận thức không đầy đủ của con người ở từng thời từng nơi, ngày nay hầu hết các sáng tạo mỹ thuật ở thời quân chủ Phật giáo Lý - Trần đã bị phá huỷ, những gì sót lại, lại rải rác ở nhiều địa phương, không đâu còn tương đối nguyên vẹn. Những di vật hiếm quý ấy chính là những bằng chứng xác thực nhất.
Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, nếu mỹ thuật Đông Sơn là đỉnh cao thứ nhất, thuộc về người Việt cổ ở trước Công nguyên, thì sau cả chục thế kỷ thu mình ẩn tàng khỏi sự đồng hoá của ngoại xâm phương Bắc, mỹ thuật Lý - Trần với tính cổ điển chân chính là sự phục hưng văn hóa dân tộc, xác lập đỉnh cao thứ hai, thuộc về người Việt. Với một xã hội mang đậm chất quân chủ Phật giáo, mỹ thuật Lý Trần cũng đậm tính mỹ thuật Phật giáo. Vì đây không phải là công trình trích ngang của đề tài lớn là bộ lịch sử mỹ thuật Việt Nam mà chắc chắn Nhà nước sẽ phải đặt ra, các tác giả đã chia nhỏ mỹ thuật dân tộc ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên độc lập ra những chuyên đề để đi sâu tìm hiểu...