Sách: Ngã Ba Đường

Ngã Ba Đường
150.000
Tác giả: Lệ Tân SitekBìa mềm. Xuất bản tháng 04/2013. NXB TrẻSố trang: 539. Kích thước: 13 x 20cm. Cân nặng: 450 gr
53a6e4187f8b9a77248b456b

vi
539
13 x 20cm.

Mô tả

Ngã Ba Đường là tập tiếp theo của bộ tiểu thuyết tự truyện về cuộc đời của tác giả sau quyển Một Mình Trên Đường.

 

Ngã Ba Đường gồm có 2 phần: phần 1 là Ngã ba đường và phần 2 là Trên vịnh lặng, là câu chuyện kể về cô An, nay đã thành thiếu nữ, và được đi du học trong lớp sinh viên đầu tiên của miền Bắc trong năm 1955. 16 tuổi, có lẽ An là cô gái nhỏ tuổi nhất trong đoàn du học sinh đến các nước Đông Âu.

 

Những cảm xúc mới lạ của một cô gái lần đầu tiên ra nước ngoài càng thôi thúc siêng năng trong học tập và rèn luyện. Sau hai năm học ngoại ngữ, cô được chọn đi học ngành đóng tàu ở Gdansk, Ba Lan. Tại đây cô ham mê ngành kiến trúc và chuyển sang bí mật học ngành nầy dù cơ quan quản lý không cho phép. Hệ lụy của những bất ổn trong cuộc đời du học sinh của An có lẽ cũng từ đây mà ra.

 

Trong thời gian theo học tại Gdansk, An yêu một chàng trai Ba Lan. Bị sứ quán phát hiện, An bị áp tải về nước. Trên đường áp tải, An bỏ trốn. Được sự giúp đỡ chí tình của người dân vùng biên giới và của cả những viên chức chính quyền Ba Lan, An trở thành công dân không quốc tịch và kết hôn với người mình yêu – chàng trai Ba Lan.

Chính vì trở thành công dân không quốc tịch mà mãi 15 năm sau, sau những cố gắng liên hệ và đóng góp không mệt mỏi, An mới được trở về Tổ quốc sum họp cùng gia đình trong năm 1979.

 

Thông qua Ngã Ba Đường, người đọc càng hiểu hơn về quá trình trở thành trí thức xã hội chủ nghĩa của lứa du học sinh đầu tiên miền Bắc, và thông qua đó càng hiểu hơn những đặc điểm lịch sử ẩn chứa trong lòng các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu. Hơn tất cả là nghị lực của cô gái đã vượt lên những khắc nghiệt để được sống, được yêu và được làm người.

 

 

Về tác giả:

 

Lệ Tân Sitek (tức Bùi Lý Lệ Tân) sinh năm 1939 tại Hồ Nam Trung Quốc, con gái đầu của hai lão thành cách mạng đã từng hoạt động nhiều năm tại Trung Quốc, đó là ông Bùi Hải Thiệu mang bí danh Lý Quốc Lương và bà Hoàng Lệ Minh mang nhiều bí danh, trong đó Lý Phương Thuận, Lý Sâm là những tên thường dùng nhất.

 

Năm 1944, Lệ Tân cùng mẹ và hai em gái Bùi Lý Lệ Lan và Bùi Lý Lệ Hồng về Việt Nam. Từ năm 1945 đến năm 1955 ở và sống với bà nội và các cô chú tại làng Phổ Đông, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vì trong thời gian thăm gia đình của cha mẹ mình ở Nghệ An thì kháng chiến bùng nổ nên tắt đường, không về được với mẹ và các em đang ở Hà Nội.

 

Mùa thu năm 1955, Lệ Tân được đi du học tại Ba Lan. Năm 1964 tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Politechnika Gdánka. Năm 1962, bà xây dựng gia đình với ông Ryszard Sitek, từ đó mang thêm họ Sitek và sinh sống tại Ba Lan đến năm 1967. Từ năm 1967 cho đến bây giờ, gia đình của bà cùng chồng và hai đứa con trai định cư ở Oslo - Na Uy.

 

Hơn bốn mươi năm làm nghề kiến trúc, ngoài công việc chính, bà là một người ham mê, sưu tầm tác phẩm nghệ thuật và viết nhiều bài cho báo chí về đề mục này. Năm 2003 - Nhà xuất bản Mỹ thuật in một tập truyện ký: Sưu và Tầm. Tháng 3 năm 2009, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phát hành cuốn sách Một mình trên đường. Tháng 5 năm 2010, bản thảo này được giới thiệu tại Hội chợ sách ở Warszawa sau khi tác giả dịch sang tiếng Ba Lan, mang tên Sama na drodze và được Nxb Swiat Ksiazki - thuộc Bertelsmann Media ký hợp đồng trong thời gian 7 năm và được phát hành tháng 3 năm 2011. Tháng 8 năm 2012, quyển tiếp thứ hai: Na rozdrozu {Ngã ba đường) được in ra cũng qua NXB này.




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận