Dân tộc Khmer là một trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, sinh sống lâu đời cùng với người Kinh, người Hoa và một số dân tộc khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó là tộc người có số dân đông nhất trong các dân tộc sử dụng ngôn ngữ Môn - Khmer ở nước ta.
Vốn là cư dân nông nghiệp lúa nước, từ lâu, người Khmer đã thạo việc thâm canh cây lúa, biết chọn và lai tạo được nhiều giống lúa tốt, biết làm thủy lợi và lợi dụng thủy triều để thau chua, xổ phèn, cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng bào còn chú trọng phát triển kinh tế toàn diện như chăn nuôi trâu bò để cày kéo, nuôi lợn, gà, vịt đàn, khai thác thủy hải sản và phát triển các nghề thủ công.
Người Khmer có bản sắc văn hoá truyền thống độc đáo được thể hiện qua chữ viết, qua phong tục, lễ hội, qua trang phục cũng như những sinh hoạt cộng đồng khác. Là một dân tộc mộ đạo, người Khmer có nhiều lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Phật như: Lễ Phật Đản hay Lễ Tam hợp (diễn ra vào rằm tháng tư âm lịch); Lễ Donta (báo hiếu, xá tội vong nhân), Tết Choi Chhnam Thmey (vào năm mới); Lễ hội Ok Om Bok (cúng trăng, đút cốm dẹp, đua ghe ngo)... Các phong tục, lễ hội của người Khmer đều vừa mang màu sắc tôn giáo, cả dấu ấn Bà La Môn giáo và Phật giáo, vừa mang đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước và gắn bó chặt chẽ với chùa chiền . Đối với người Khmer, chùa là “cõi thiêng”, là nơi gửi gắm cả cuộc đời với quan niệm: “Còn sống vào chùa xin gửi thân; Sau khi từ trần xin gửi cốt”, là không gian văn hóa tâm linh, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng tộc người.
Đến phum, sóc của người Khmer vào các dịp lễ, tết, bạn sẽ được ngắm nhìn các chàng trai, cô gái trong trang phục lễ hội, say sưa với điệu múa Romvông, Saravan, Sarikakeo, Adây (hát đối) trong tiếng nhạc ngũ âm trầm vang dập dìu. Gặp lễ cúng trăng, bạn có cơ hội được thưởng ngoạn màn đua ghe ngo sôi nổi, quyết liệt, vô cùng hấp dẫn với những chiếc ghe ngo được tạo hình rực rỡ như những cụm hoa nổi trên sông...
Người Khmer có kho tàng văn học dân gian phong phú với các thể loại: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, có sân khấu truyền thống đầy bản sắc, có nền âm nhạc vừa có nguồn gốc từ Ấn Độ, vừa có nguồn gốc Đông Nam Á. Đặc biệt, nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là di sản đặc sắc nhất của văn hóa Khmer. Trong các ngôi chùa Khmer theo hệ phái Phật giáo Nam Tông, ngoài tượng Đức Phật Thích Ca được tôn thờ ở vị trí trung tâm chính điện, vẫn tồn tại một hệ thống phong phú linh thần, linh thú - những vết tích còn lại của Bà La Môn giáo và tín ngưỡng dân gian.
Cuốn sách ảnh Người Khmer Ở Nam Bộ, Việt Nam với những bài viết ngắn gọn, cô đọng của các chuyên gia dân tộc học cùng hàng trăm bức ảnh chân thực, sống động của các nghệ sỹ nhiếp ảnh phần nào sẽ phác họa được những nét đặc sắc, độc đáo về văn hóa tộc người của đồng bào Khmer.
Cuốn sách sẽ là tư liệu cần thiết và quý giá, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài nước muốn nghiên cứu, tìm hiểu về người Khmer, một trong cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam.