Là một trong bốn tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Đai ở Việt Nam, với số dân vào khoảng 13.158 người (Tổng cục Thống kê, năm 2009), dân tộc La Chí cư trú tập trung ở các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần... thuộc tỉnh Hà Giang. Cũng như một số tộc người nói ngôn ngữ Ka Đai khác, nền kinh tế của người La Chí đến nay vẫn mang nặng tính tự cấp tự túc. Nguồn sống chính của họ là canh tác cây lương thực, trong đó chủ yếu là canh tác lúa nước.
Sinh sống ở các huyện vùng núi cao hẻo lánh, ít có điều kiện giao tiếp với các tộc người khác, nhất là người Việt (Kinh), đến nay văn hóa truyền thống của người La Chí ít thay đổi. Các giá trị văn hóa cổ truyền của họ còn được lưu giữ khá phong phú. Điều đó không chỉ thể hiện trong đời sống tâm linh, ngôn ngữ, văn nghệ dân gian, mà còn thể hiện ở nhà cửa, trang phục, đồ ăn uống và trong tổ chức, thiết chế, cũng như các quan hệ xã hội,... của cộng đồng người La Chí.
Cuốn sách ảnh Người La Chí Ở Việt Nam không những chỉ giới thiệu với bạn đọc những nét tiêu biểu, đặc sắc trong văn hóa La Chí, mà còn góp phần khẳng định những đóng góp của cộng đồng La Chí đối với nền văn hóa Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc, phong phú và đa dạng.
Cuốn sách được bố cục, trình bày theo các chủ đề: Nguồn gốc lịch sử và phân bố dân cư; Bản làng & nhà cửa; Trang phục; Nguồn sống; Tín ngưỡng - Lễ hội... Kèm theo các bài viết ngắn gọn, súc tích, là những hình ảnh được lựa chọn rất công phu, giúp bạn đọc có thể tiếp cận với văn hóa truyền thống La Chí một cách nhẹ nhàng, mà tường tận và sâu sắc.
Cuốn sách sẽ là nguồn tư liệu quý, phần nào đáp ứng nhu cầu của độc giả trong và ngoài nưôc muốn nghiên cứu, tìm hiểu về người La Chí, một trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.