Sinh sống lâu đời trên dải đất Việt Nam, kế thừa một nền văn minh cổ truyền của cha ông, người Thái đã góp phần không nhỏ vào kho tàng văn hóa chung của các dân tộc Việt Nam. Theo những sử liệu còn lưu lại thì người Thái có mặt ở Việt Nam từ khoảng thế kỷ VII. Hiện nay người Thái cư trú trên một địa bàn rộng lớn chủ yếu ở các huyện vùng trung du và thượng du Tây Bắc cho đến tận miền Tây hai tỉnh Thành Hóa và Nghệ An. Là cư dân nông nghiệp, người Thái thường tìm đến sinh sống ở gần nguồn nước ven sông, suối, định cư khá bền vững ở các thung lũng trù phú dưới chân đồi với cuộc sống trồng lúa nước và phát nương, làm rẫy, săn bắn, hái lượm. Phụ nữ Thái rất khéo léo với các nghề thủ công như dệt vải, thêu thùa, kỹ thuật nhuộm vải... Người Thái có nhiều phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp, văn hóa đa dạng. Nhờ có văn tự, đồng bào Thái đã lưu lại cho đến nay nhiều sách, truyện ghi trên giấy bản, trên lá cọ. Đó là những cuốn sách sử chép tay dài hàng trăm trang, những bộ luật hay tập quán pháp tương đối hoàn chỉnh, phản ánh tình hình xã hội đương thời, những truyện thơ tuy khuyết danh nhưng có giá trị nghệ thuật cao, những tập dân ca, những bài hát đồng dao, những sách răn dạy, những tập ghi chép các nghi thức tôn giáo...