Sách: Người tình của Brecht

Người tình của Brecht
31.000
53a6e4187f8b9a77248b456c

vi
270
12 x 20 cm

Mô tả

Giải Goncourt 2003
Tóm tắt tác phẩm

Tại Đông-Berlin thời hậu chiến đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa  Bertolt Brecht- nhà viết kịch lưu vong trở về với một nữ diễn viên trẻ tuổi-nhân viên mật vụ Đức Maria Eich. Brecht đã trở về, hoành tráng với đoàn kịch của ông, nhưng lại bị nghi ngờ, cả ý tưởng lẫn con người, đến hành động. Để nắm chắc, giám sát ông không rời nửa bước, viên mật vụ Hans Trow đã dùng đến thân thể của Maria Eich, một cô đào trẻ, bí ẩn và giỏi diễn. Vậy là nàng trở thành người tình của Brecht. Sau những khóc cười của nghề diễn, sau niềm ngưỡng vọng và cả sự vô cảm giành cho Brecht, sau tình yêu không thành với Hans Trow, Mria Eich trở về sống và dạy học ở một vùng  quê yên tĩnh, đôi khi nhớ lại quá khứ như một hư ảnh xa xôi và  ngày ngày cảm nhận sự thanh thản của cuộc sống mới.
Với văn phong trầm tĩnh, giàu suy nghiệm và đầy chất thơ, "Người tình của Brecht"  thực sự là bức chân dung lôi cuốn về hai con người bị kìm hãm trong bối cảnh nghẹt thở của cuộc Chiến tranh lạnh.


Nhận định

   Một trong những đặc điểm của lối viết hiện đại đó là chối từ sự lên gân của cảm xúc, sự bùng nổ (đôi khi không thật cần thiết) của ngôn từ, sự cường điệu khi xây dựng hình ảnh. Điều đó khiến người đọc bấy lâu quen được ru vỗ trong những tác phẩm du dương cảm thấy hụt hẫng. Nhưng đó cũng chính là lối viết  mà cuộc sống hiện đại kiếm tìm, lối viết chân thực, trong sáng, tinh tế, ít biểu cảm, đôi lúc gần đạt tới độ vô sắc. "Người tình của Brecht" là tác phẩm tiêu biểu cho lối viết ấy. Đọc những trang văn của J.- Amette, người đọc nhận thấy, đây chính là những gì đã được tác giả chưng cất từ cuộc sống, một cuộc sống đầy rẫy những biến động, dễ khiến người ta liên tưởng đến những điều ly kỳ, nhưng thực chất trong thẳm sâu của nó vẫn là dòng chảy giản đơn, vẫn là những câu chuyện muôn đời: con người giữa vòng xoáy của lịch sử, khát vọng hạnh phúc và cuộc truy tầm tuyệt vọng, cảm giác thanh thản sau những biến động đã qua.  J.-Amette, khôn ngoan và thành công, khi chọn lối viết này, để câu chuyện hiện lên như những gì nó vốn thế, nên thế, và bức tranh thiên nhiên, tâm trạng giữ nguyên được chất thơ và sắc màu tự nhiên nhất.
- Nhã Nam
 
  "Khi tiểu thuyết đùa với lịch sử, khi hư cấu trộn lẫn với hiện thực, để có thể làm những gì mình muốn. Đó là trường hợp của "Người tình của Brecht", cuốn sách mô tả cuộc sống trong cái nước Đức quỳ gối, bị tàn phá, hư hại...Chẳng quan trọng gì việc câu chuyện có thực hay bịa, bởi nó đã được viết ra. Và viết một cách tuyệt diệu, không ép-phê, không thêm thắt không day dứt, cũng chẳng thống thiết. Chỉ với đúng các từ và các từ đúng, theo kiểu Brecht. Vậy là cái thế giới lịch sử, nghệ thuật đã sống dậy dưới ngòi bút chạm khắc của Jacques-Pierre Amette. Một kỹ nghệ tiểu thuyểt, được đền bù bằng giải Goncourt "
 
- Céline Daner, Amazone.Fr
 "Ban giám khảo giải Goncourt đã vội vã công bố giải trước hai tuần vì họ không muốn mạo hiểm trong dịp kỷ niệm 100 năm một trong những giải thưởng văn học lâu đời và danh giá nhất thế giới này, bởi cuốn "Người tình của Brecht" rất dễ bị các giải đối thủ khác lựa chọn"
- The Guardian
 
  " Tác phẩm chín muồi của một tác giả danh tiếng đã viết cả thảy khoảng một trăm tiểu thuyết, truyện và kịch, "Người tình của Brecht" của Jacques-Pierre Amette thật sự tuyệt vời như mong muốn của Edmond de Goncourt, "một tập tưởng tượng bằng văn xuôi”
- Radio France
 
  "Trong một bài viết báo trước quyết định của ban giám khảo giải Goncourt, ngày J.Savigneau đã nhấn mạnh rằng, với sự tinh tế của mình, J.-Amette đã rọi sáng toàn bộ hệ thống máy móc của chủ nghĩa quyền lực."
- SDM
 
  "Một cuốn tiểu thuyết về những năm cuối cùng của Bertolt Brecht, người biết mình sắp chết và chỉ sống bằng những ảo tưởng về nhân loại cùng chế độ bảo hộ với mình."
- Alapage.com
 
*****
Trích đoạn tác phẩm
 
 
5
 
Họ ngồi trên khán đài sân vận động Walter Ulbrich.
Hans Trow ngắm Théo Pilla đang cố nhét một lá xà lách xanh mỡ màng vào hai lát bánh có trứng luộc.
- Anh có chắc là người ta không cần đến cái... cô Maria Eich... Giờ Brecht đã chết; cô ta có thể nói với chúng ta nhiều điều, phải không?
- Không.
- Anh có chắc không?
- Chắc.
Hans Trow nói rõ thêm:
- Người ta không cần nữa.
- Người ta chưa bao giờ cần.
- Có chứ!
- Anh không cần đến tôi nữa!
- Không, Hans nói.
- Anh có buồn lòng không khi nàng chuồn sang chỗ bọn Mẽo... uống Coca Cola...
- Có.
- Tôi muốn làm rõ một điều trước khi sang Matxcơva, Théo nói. Tôi muốn biết có thật anh phải lòng nàng?
- Có.
- Tôi đã tin chắc như thế.
Théo chén hết chiếc bánh kẹp, bánh mì đen với tinh thần hoà giải với thế giới. Luôn luôn là như thế khi hắn ăn, chấm dứt những buồn bã và những câu hỏi sau chót. Hai người rời khán đài, đi trên đường chạy trải xỉ than.
- Anh nói tôi nghe, hắn lại nói, tôi còn muốn làm sáng tỏ một điểm.
- ừ.
- Anh luôn yêu nàng à?
- Phải.
- Anh đã... với nàng chưa...
- Không.
- Chưa bao giờ à?
- Không.
Họ ra khỏi sân vận động, đến điểm dừng của xe điện.
Hans xem đồng hồ, kéo cao cổ áo ga-bac-đin. Còn bảy phút nữa. Tầu điện sẽ chật ních thợ.
Trong toa tầu hơi chật. Hans cúi xuống, nói nhỏ với Théo: “Từ bây giờ thì đừng moi móc kỷ niệm lên nữa và chớ làm tan đường trong cốc cà phê của cậu ở Matxcơva, đồng ý không? Tôi không muốn cậu nhắc đến tên Maria Eich nữa...”
Họ chia tay ở Alexanderplatz. Hans rời đường tầu số 3 đến lối đi công viên, nơi ông đã trông thấy Maria lần cuối mà nàng không thấy ông. ở đây thật im lặng, những vật liệu xây dựng, than, những hàng rào, những lán gỗ, Bước chân kéo dài của một đội tuần tra gác một bồn dự trữ dầu. Ông đi trên đê sông Spree, bước dọc rất lâu theo mép nước, những cánh cổng sắt đồ sộ của một xí nghiệp liên hợp, bước vào một nhà hàng, quán cà phê Con Trâu. Ông uống ba cốc bia và một ly rượu trắng; tươi tỉnh lại, ông đi trong bóng chiếc cầu bên cạnh.
6
 
Mùa hè 1954, Cộng hoà dân chủ Đức và Cộng hoà liên bang Đức trao đổi công hàm và một vùng cấm dài năm cây số chạy dọc biên giới của Cộng hoà liên bang Đức.
Maria lo lắng. Nàng cùng con gái lên một chuyến tầu liên vùng thường hay bị kiểm tra. Hai cái vali và một địa chỉ mà một giáo sư đã cho nàng. Nàng phải tới Pforzheim, ở vùng Bade-Wurtemberg, nơi có một chủng viện Gia tô giáo đang cần một giáo viên dạy tiếng Đức.
Nàng lên một toa tầu nâu, hơi bẩn. Con gái nàng ngủ rất nhanh. Nàng đi qua những quả đồi bình yên, những cánh đồng bát ngát, bằng phẳng, lượn sóng, về chiều thì gặp những cánh rừng, những công sự phòng ngự, những lán che các hầm đạn. Giấy thông hành của nàng đều đặn bị kiểm tra bởi những người mặc áo đi mưa xám, mũ nâu. Rồi những đèn pha, những pháo đài nhỏ, những bộ quân phục Mỹ, Anh, những cuộc kiểm tra giấy tờ, vali... Maria thấy quá khứ Berlin của nàng rời xa, tiếp sau quá khứ Vienna. Vực và đồi, cầu, sông và đống hoang tàn.
Nàng có cảm tưởng rằng, dưới mặt trời nhợt nhạt của Dusseldorf, cuối cùng nàng đã mất hết lòng khao khát muốn sống. Nàng để lại ở Berlin mọi sự biết ơn. Nàng từ bỏ cái tôi cũ của mình và trở lại cái vô danh của quần chúng.
Nàng nhìn cảnh vật trôi xuôi như chính nàng, Dương xỉ bạt ngàn, những dải rừng đen. Từ nay, bí mật của nàng, tình trạng vô danh của nàng sẽ trở thành người bạn đường. Nàng sẽ chăm sóc con gái nàng và bản thân nàng một cách kiên nhẫn và hợp lý.
Đang chìm trong ý nghĩ đó thì nàng đến ga Cologne. Nàng chuyển sang một tầu khác, bé hơn, chật chội, với tiếng nghiến của gỗ. Tim se lại, con tim bị cầm tù chứ không phải trái tim nồng nhiệt. Nàng đến thành phố Pflorzheim, giữa những thung lũng nhỏ yên tĩnh. Nàng cảm thấy mình sống lại giữa cảnh rừng núi này.
Tháng giêng, hai, ba, tư. Trời nổi gió, trời trong vắt. Nàng dọn đến một ngôi nhà xám nhỏ xinh đẹp cất từ những năm ba mươi với một ban công bằng gỗ trông ra khu dân cư. Cảm giác biết ơn. Nàng nghe thấy tiếng chuông nhà thờ. Nàng có một mảnh vườn xinh. Nàng dễ dàng quen với cuộc đời dạy học của mình. Những kỳ nghỉ dài. Lotte lớn lên. Maria mua một chiếc xe cũ hiệu Opel. Nàng nhiều lần lái xe dọc các con đường nhẵn thín, ẩm ướt của Forêt Noire, đi tới Schellbronn, Badliebenzell, Calw, Wildberg, Nagold. Đôi khi nàng đi đến tận Tubingen. Nơi đây nàng thành kính thăm toà tháp nơi nhà thơ Holderlin đã sống những năm điên dại, những năm của ngợi ca và lễ tiết. Nàng không còn cảm thấy mình bị cầm tù vì bất cứ điều gì. Nàng không còn chờ đợi những tràng hoan hô của quần chúng. Nàng không còn phải giấu mặt dưới lớp hoá trang. Nàng không còn bị ám ảnh bởi ý nghĩ tạo dựng một nhân vật. Nàng không còn bị nghẹt đi vì sợ mỗi khi xuống cầu thang từ hậu trường bước ra sàn diễn.
Ở chủng viện, nàng tránh những cuộc nói chuyện riêng tư. Nàng chỉ nói đến thời tiết mưa rào, mây di trú, băng đóng bất ngờ, cái nóng đầu hè, những chiếc ghế dài, những buổi tối thắp nến. Người ta tưởng nàng thụ động và hơi ngốc; những buổi lên lớp của nàng lại chứng tỏ điều ngược lại. Nàng rất chú tâm, chính xác, ngộ nghĩnh, hài hước với học trò. Nàng nói nhiều về các nhà thơ Heine, Holderlin hơn là các nhà văn xuôi. Nàng chỉ mặc những chiếc áo pull cũ trắng, đen, váy xám. Theo một số đồng nghiệp, ở nàng toả ra một cái gì đó “ở giữa sự trong trắng và mùi cờ-lo của các bể tắm.”
Rất hiếm khi nàng bình luận các sự kiện, trừ sự kiện ngày 14 tháng 8 năm 1961, ngày quân đội Xô viết bắt đầu trải dây thép gai, đặt những tấm chông, trưng tập thợ về bịt cửa sổ các nhà. Người ta cắt Berlin làm hai. Nàng bình luận sự kiện một cách tàn nhẫn: “Xã hội này tự nuôi thân bằng cái chết; đêm tối là không bờ bến, không giới hạn và không bao giờ kết thúc”.
Nàng dường như là không thể nắm bắt, gần như câm lặng. Mùa hè, nàng bơi ở bể bơi Wildbach. Phụ nữ và trẻ em sưởi ấm quanh bể bơi. Họ loá mắt vì tấm lưng trắng của nàng, vì cử động đều đặn của cánh tay nàng, đường nét mềm mại của chân nàng, những bọt nước theo chân nàng. Tấm lưng thon, trắng của nàng ngời lên khi nàng ra trước ánh nắng ban trưa bên cạnh cầu nhẩy để lau mình. Nàng đẹp một cách nổi bật, xa vắng.
Khu nhà ở có rừng, rất hợp với nàng. Những ngôi nhà lớn và yên tĩnh, những khuôn viên được trông nom tốt, những thung lũng đồng quê, những đường phố thẳng toát ra một cái gì yên bình. Khu phố này không bị máy bay Starfighter của Mỹ bay qua, quấy nhiễu. ánh kim loại là là ngọn thông, cùng tiếng gầm rất nhanh chóng bị mây hút mất. Chỉ còn sự yên lặng, hàng giậu của hàng xóm, những chiếc ghế dài, xe đạp của Lotte dựa vào cổng vườn.
Việc xuất bản toàn tập của Brecht lôi cuốn Maria cực độ. Nàng mua, lần giở những quyển sách nặng. Những năm làm diễn viên diễu qua. Người ta không nhắc đến nàng trong các ghi chú, nàng rất sung sướng.
Nàng vẫn giữ một mối tình kín đáo với Hans Trow. Nàng nhận ra điều đó vào một tối khi đang đọc tờ Zeit, trên bờ Neckar. Trang tám. Người ta nói về những cảnh binh mặc sắc phục. Họ khám phá ra cửa vào một đường hầm ở Đông Berlin, trong hầm của một tiệm ăn. Có một người đàn ông trong bộ quần áo thường dân mầu nâu. Maria nhận ra ngay Hans Trow với dáng dấp tò mò, cái cằm hơi lẹm, nụ cười nhẹ nhàng. Bụng nàng quặn lên, gáy như bị xiết chặt, người nhẹ bẫng, mồm khô, đắng nghét. Buổi chiều, trời tối sầm, khủng khiếp. Buổi tối bất tận, hoang vắng. Nàng đi dọc theo các nhà trong khu phố rồi leo lên quả đồi phơn phớt xanh. Nhưng không gì giúp nàng thoát khỏi cái u buồn. Nàng bước theo những cái bóng. Trong một lát, nàng mất những thói quen, ý nghĩ, sự tự tin mà nàng đã mất bao công phu mới lấy lại được ở nơi đây, với những cuộc đi dạo đơn độc, những giờ bơi lội, những chuyến xe trên đường dài, tất cả đã gẫy vụn.
Cuối cùng nàng vào một quán rượu. Nàng uống. Để bớt tức nghẹn, để giảm đau đớn. Đã lâu lắm rồi, ẩn giấu trong nàng là một ước mong không bao giờ thoả nguyện, một lời cầu xin mà người ta không mong chờ gì nữa.
Trong những tuần lễ sau, nàng chú tâm đặc biệt đến việc học hành của học trò. Buổi chiều, nàng háo hức nghe Lotte nói về kỳ thi tú tài của con bé.
 
 
Tháng tám năm sau, Maria đưa con ra đảo Borkum, một hòn đảo ở biển Bắc. Nàng thuê một khách sạn nhỏ có nhà ăn, khách sạn Grafwalderse. Một chàng học sinh trung học to lớn, tóc hung, bám theo họ. Anh ta tán tỉnh Lotte.
Trời xanh, gió nhẹ, những dải mây lớn, sóng biển mênh mông, tất cả gợi cho nàng nhớ lại những mùa hè khác, dù nàng không muốn nhớ.
Nàng đọc báo, có hàng chồng báo Đức, báo áo. Bức tường Berlin có ảnh hưởng lạ lùng đến tâm trí nàng. Nàng cảm thấy trong nàng có những sức mạnh bị ức chế, một trạng thái lên men tâm lý kỳ lạ. Nàng không tưởng tượng ra nổi cuộc sống của người khác. Nàng bỏ ra nhiều ngày để quan sát chăm chú các gia đình, để tự hỏi về những mối dây liên hệ giữa những con người với nhau. Làm thế nào mà họ có thể lấy vợ, lấy chồng? Làm thế nào họ có thể nói năng, giữ im lặng, ngủ với ai đó, nói những điều lăng nhăng, chơi bài, làm công chuyện?
Nàng quan sát những bàn ăn trong quán gồm những chàng trẻ tuổi, một người đàn ông xuýt chó, một cặp quý bà đội mũ, đi trên đê, sát bên nhau, tay khoác tay. Phải, nàng sững sờ trước cảnh tượng của cuộc sống thường nhật.
Cuối tháng tám, nàng trở về Pforzheim, không có con gái. Nàng thấy lại nhà mình, những hành lang trống vắng, vườn lấp lánh, yên tĩnh, cây cối xanh um. Sự vắng mặt của nàng chẳng làm thay đổi gì ư?
Một buổi tối, đang mắc một tấm voan nhẹ lên cửa sổ để tránh muỗi, qua cửa sổ mở, nàng thấy một cặp trai gái đi qua. Người đàn ông nói rất khẽ. Nàng cảm động.
Những ngày, những đêm đi qua, đều đặn, vô tận, đơn điệu, lặng lẽ. Maria đặt cái xách tay trên bồn cỏ, thay áo tắm, nhào xuống bể bơi Wildbach. Nàng lặn xuống nước để khỏi động đến những cái bóng và những ánh nước.
 
...............
 



Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận