Tôi vẫn là bọt biển, vẫn tự nhiên chạy nhảy theo thủy triều để phản ánh trung thực sức gió, độ mặn... Cái khó là ở đây - cái khó cho một vai hề trên sân khấu giấy là ở đây - làm sao giữ được bợt biển vẫn là bọt biển, không chậm và cũng không nhanh hơn thủy triều. Nhiều năm qua tôi vẽ theo chiều hướng như thế: vai hề, bọt biển và cầu thủ không được đá vào lưới nhà.
Nghề Cười, trang 187-188
Riêng tôi với Chóe nhiều năm trời cùng làm việc bên nhau ở một tòa báo, ngày nào cũng trò chuyện trên trời dưới bể với nhau, lúc này đây khi viết về Chóe, hiện về trong tôi ấn tượng nhất đó là nụ cười và tiếng cười của Chóe. Nước mắt của tôi bỗng chảy khi chợt nhận ra rằng, nói cho cùng thì người có tiếng cười chân thật, thoải mái nhất lại chính là người từng chịu nhiều nỗi đau trần gian nhất.
Lưu Trọng Văn
Về tác giả:
Họa sĩ Chóe tên thật là Nguyễn Hải Chí.
Sinh ngày ngày 11 tháng 11 năm 1943 tại Chợ Mới, An Giang.
Mất ngày 12-3-2003, an táng tại nghĩa trang nhà thờ Thánh Mẫu, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Năm 1960 -1969, ông bắt đầu học vẽ, tham gia vẽ hí họa cho tuần báo Diễn Đàn, báo Sóng Thần và ưở thành họa sĩ hí họa nổi tiếng từ năm 1972.
Từ năm 1990, làm việc tại báo Lao Động và cộng tác với nhiều tờ báo: Tuổi Trẻ Cười, Phụ Nữ, Công An TP.HCM...
Tác phẩm The World of Choe được Nhà xuất bản Glade Publications xuất bản cuối năm 1973 tại Mỹ.
Năm 1995, tham dự cuộc triền lãm hội họa quốc tế với chủ đề “Phụ nữ nước tôi” tổ chức tại một số thành phố của Nhật.
Năm 1998, triển lãm tranh tại Pháp và đã tới Roma, được diện kiến Đức Giáo hoàng John Paul II tại Tòa thánh Vatican.
Báo New York Times năm 1973 đã bình chọn Chóe là một trong tám họa sĩ biếm xuất sắc nhất thế giới thập kỷ 1970.
Tuần báo L'Hebdo của Pháp bình chọn Chóe là một trong sáu người Việt Nam tiêu biểu từ 1975 - 1995 với đặc trưng là họa sĩ bướng bỉnh.