Sách: Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Giông tố

Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Giông tố
85.000

vi
14,5 x 20,5 cm

Mô tả

CHI TIẾT SÁCH

Tên sách: Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Giông tố

Tác giả: Lại Nguyên Ân

Số trang: 704 trang

Khổ sách: 14,5 x 20,5 cm

Giá bìa: 85.000 VNĐ 

GIỚI THIỆU

Nếu đọc tiểu thuyết Giông tố trong vòng 50 năm trở lại đây, liệu bạn có biết rằng văn bản đó đã ít nhiều bị rơi rụng, sai lạc qua các lần truyền bản?

Với nỗ lực chung của một vài đồng nghiệp Việt-Mỹ, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã có trong tay hai văn bản Giông tố lần đăng báo đầu tiên (1936) và lần in sách đầu tiên (1937); đây là cơ sở để hiệu chỉnh một văn bản đáng tin cậy.

Sách này giới thiệu một công trình văn bản học về một tác phẩm văn học chữ Quốc ngữ của tác giả Việt Nam, hiện còn tương đối hiếm trong khoa học ngữ văn ở Việt Nam, nhân đây có thể kích thích một tiếp cận nghiêm túc hơn đối với các tác phẩm sáng tạo ngôn từ đang dần dần trở thành tài sản kinh điển của văn học dân tộc. 

*****

Cuốn sách này mang tính chất của một công trình văn bản học.

Người ta biết rằng, văn bản học như một ngành của ngữ văn học, vốn thiên về mặt thực hành; nó gắn với thực tiễn xuất bản, gắn với việc công bố các tác phẩm viết bằng chữ; vì vậy hầu hết các nhà chuyên môn về biên tập sách, ở mức nhất định, đều can dự đến công tác văn bản. Tuy vậy, cho đến nay, cả trong giới làm biên tập sách lẫn giới nghiên cứu văn học ở ta hầu như chỉ có rất ít chuyên gia về văn bản.

Liên quan đến những tác phẩm đã trải qua lịch sử tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, người ta biết, có khá nhiều vấn đề về văn bản. Một số công trình về một số tác phẩm chữ Hán hoặc chữ Nôm, ví dụ “Truyện Kiều”, cho thấy tình trạng phức tạp của công tác văn bản học. Đối với bộ phận tác phẩm viết và in bằng chữ Quốc ngữ la-tinh của các tác gia Việt Nam, tuy chỉ mới có bề dày lịch sử tồn tại trên 100 năm, song ở khía cạnh văn bản không phải vì thế mà không nảy sinh các vấn đề; việc các tác phẩm văn học Quốc ngữ hầu như chưa được nghiên cứu về mặt văn bản hoàn toàn không có nghĩa là ở đây không có các vấn đề để nêu ra và giải quyết, mà chỉ chứng tỏ sự thiên lệch không đáng có trong sự hành nghề của giới nghiên cứu.

Công trình khảo dị trong cuốn sách này, ngoài việc giải quyết các vấn đề văn bản đã nảy sinh trên một tác phẩm cụ thể, là tiểu thuyết Giông tố của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-39), ngoài việc cung cấp một văn bản khả dĩ tin cậy được cho tác phẩm này, một tác phẩm có vị trí đáng kể trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, người biên khảo còn muốn qua đây lưu ý bạn đọc và bạn nghiên cứu về tình trạng tồn đọng nhiều vấn đề văn bản học đối với hầu hết các tác phẩm ra đời từ thời văn học chữ Quốc ngữ. Một khi các tác gia và tác phẩm của thế kỷ XX đang và sẽ đi vào di sản kinh điển của văn học dân tộc, nhưng lại không đi kèm với hoạt động khảo sát nghiên cứu chúng về mặt văn bản, sẽ dẫn đến tình trạng trái nghịch: cái tên tác phẩm được coi là thuộc vốn kinh điển rồi, nhưng văn bản của nó vẫn ở dạng trôi nổi, chưa thể được coi là đáng tin cậy chừng nào chưa có một văn bản chuẩn hoặc một văn bản chính được đề xuất; trong tình hình đó, các sách giáo khoa trích giảng tác phẩm đó, các tổng tập, tuyển tập có chọn tác phẩm đó, các dự án chuyển thể hoặc dịch thuật tác phẩm đó,… sẽ sử dụng văn bản nào trong số các văn bản trôi nổi?

Thiết nghĩ, đây không phải là một đề xuất thiếu tính thực tiễn. Theo dõi việc khảo dị và hiệu chính văn bản được thực hiện trong cuốn sách này, bạn đọc và bạn nghiên cứu sẽ thấy rõ điều đó.

Việc khảo dị và hiệu chỉnh văn bản tác phẩm được thực hiện trong cuốn sách này, người biên khảo nghĩ rằng vẫn còn nhiều thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý phê bình của đồng nghiệp và bạn đọc gần xa.

12/06/2007

LẠI NGUYÊN ÂN

*****

MỤC  LỤC

Phần Một

Nhập đề

Về việc khảo dị Giông Tố

So sánh bản A với bản B

So sánh hai bản C và D với hai bản A và B

Về việc hiệu chỉnh văn bản Giông Tố

Phần Hai

Văn bản - Khải dị - Chú thích

Phần Ba

NHẤT CHI MAI: Ý kiến một người đọc: Dâm hay không dâm?

VŨ TRỌNG PHỤNG: Để đáp lời báo ngày nay: Dâm hay không dâm?

LÊ THANH: Chúng tôi phỏng vấn ông Vũ Trọng Phụng về những tiểu thuyết Giông Tố, Làm đĩ

VŨ TRỌNG PHỤNG: Cùng ông Lê Thanh

NGUYỄN LƯƠNG NGỌC: Đọc sách Giông Tố

HIỆN CHI: Đọc Giông Tố của Vũ Trọng Phụng

XUÂN SA: Văn chương và Giai cấp: Lần thứ nhất trong văn học Việt Nam cuốn Giông Tố của Vũ Trọng Phụng bày tỏ cuộc xung đột của hai giai cấp

ĐÔNG CHI: Ông Vũ Trọng Phụng với quyển Giông Tố hay là sự giác ngộ của nhà văn

LỆ CHI: Giông Tố, xã hội tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng

VŨ TRỌNG PHỤNG: Chung quanh một bài phê bình

XUÂN SA: Chung quanh bài phê bình về Giông Tố trả lời cho Vũ Trọng Phụng

VŨ TRỌNG PHỤNG: Để đáp lại những sự mạt sát của báo Tân Việt Nam

VŨ NGỌC PHAN: Giông Tố của Vũ Trọng Phụng

TRƯƠNG CHÍNH: Về Giông Tố

Trích sách:

Phần Một, trang 13 – 17, sách “Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Giông tố„ – Nhà xuất bản Tri thức, 12/2007 

NHẬP ĐỀ

VÀI NÉT CHUNG VỀ VĂN BẢN HỌC

Văn bản học (chữ Anh: textology) nói tới ở đây là một ngành của ngữ văn học (chữ Anh: philology), chuyên nghiên cứu các văn bản viết tay hoặc văn bản in của các tác phẩm ngôn từ (chủ yếu là tác phẩm văn chương, học thuật, bình luận, chính luận, cũng có thể mở rộng sang các tác phẩm sử học, và xét trên nguyên tắc thì đối tượng khảo sát có thể là tất cả các tác phẩm tồn tại dưới dạng ngôn từ); mục đích khảo sát thường là hoàn tất văn bản tác phẩm để xuất bản, để chuyển thể, để dịch thuật. Khái niệm văn bản (chữ Anh: text, chữ Pháp: texte) ở đây là một khái niệm cổ điển, trỏ văn bản theo nghĩa đen, tức là các bản chữ viết tay, in hoặc khắc trên các loại giấy hoặc vật liệu tương tự (chẳng hạn lá cây, da thú, mặt đá, mặt kim loại…); nó hoàn toàn khác khái niệm “văn bản” (cũng dùng đúng thuật ngữ này) với ngụ ý trỏ tác phẩm, trước hết là tác phẩm văn chương, mà Phái phê bình mới ở Pháp hồi giữa thế kỷ XX đưa vào nghiên cứu văn học.

Văn bản học khảo sát văn bản dưới góc độ lịch sử của nó. Bằng kết quả nghiên cứu, nhà văn bản học đề xuất một sự luận chứng được biện giải khoa học nhằm xác lập văn bản đích thực thuộc ngòi bút một nhà văn cụ thể. Thông thường, đối với những tác phẩm ra đời chưa lâu so với thời điểm được khảo sát, nhà văn bản học có thể có trong tay cả bản thảo viết tay của tác giả, cả các bản in trong các lần tác phẩm được xuất bản, tái bản; do vậy sẽ là khả thể việc khảo sát để đưa ra văn bản đích thực của nhà văn. Song, càng xa thời điểm tác phẩm được viết ra thì càng ít cơ hội để có đủ cả hai dạng, − dạng bản thảo viết tay và dạng các bản in của cùng một tác phẩm. Ngoài ra, do việc các tác phẩm sau khi sáng tác có thể được truyền bá bằng các bản chép tay (khi kỹ thuật in hàng loạt chưa thông dụng) hoặc được in những lần khác nhau với những cách thức biên tập khác nhau, sẽ tạo ra những biến thái không hề đơn giản; cho nên, thay vì yêu cầu đề xuất văn bản đích thực thuộc ngòi bút tác giả, người ta chỉ yêu cầu nhà văn bản học đề xuất văn bản chính của tác phẩm, dạng văn bản chính này, ở châu Âu thời cận đại cũng được gọi là “văn bản chuẩn” (texte canonique), cách gọi này thật ra không phải là hay, vì nó gây ra một ý niệm sai, theo đó thì dường như văn bản có thể được xác lập dứt khoát, tức là được chuẩn hóa; trong khi đó trên thực tế, chính cái văn bản đã được hiệu chỉnh kỹ lưỡng, về sau cũng thay đổi, bởi có thể sẽ tìm ra những trang bản thảo mới, có thể sẽ có những đề xuất bổ sung, hiệu chỉnh mới, thuyết phục hơn.

Hướng tới văn bản chính, điều quan trọng là gắng làm sáng tỏ ý chí sáng tác sau cùng của tác giả. Đối với văn học cổ, trung đại, thậm chí cả văn học cận đại, việc xác lập văn bản chính là việc hầu như không thể làm được, do không còn các bản viết tay của tác giả.

Từ kinh nghiệm riêng, làm việc với các tác phẩm văn học Nga thế kỷ XX, các nhà văn bản học Nga, “khi chuẩn bị xuất bản một tác phẩm thường chọn văn bản được xuất bản trong sinh thời tác giả làm điểm xuất phát. Trong những trường hợp mà văn bản sau cùng được in khi tác giả còn sống lại mang những dấu vết bị can thiệp của biên tập, hoặc bị cắt xén bởi kiểm duyệt, được xuất bản vắng mặt tác giả hoặc có dấu hiệu tác giả tự kiểm duyệt, − trong những trường hợp đó có thể chấp nhận bản biên tập sớm nhất hoặc bản viết tay của tác giả làm văn bản chính”.[1] Nhìn lại sự phát triển văn học thế kỷ XX trong điều kiện bị can thiệp của giới cầm quyền ở một loạt nước, người ta lại thấy cần nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của trực giác nghiên cứu, của thị hiếu văn học ở công tác văn bản học; tiêu chuẩn thẩm mỹ trở nên thiết yếu đối với người nghiên cứu văn bản; giới học thuật ở nước Nga cho rằng thành tựu ở lĩnh vực này của S. M. Bondi (1891-1983), chuyên gia văn bản học hàng đầu của Nga trong nghiên cứu di cảo của thi hào A. Pushkin, chứng tỏ điều đó.

Ở các nền văn học lớn và có truyền thống lâu đời như của châu Âu, Ấn Độ, Trung Hoa, hoạt động nghiên cứu văn bản học đều có từ khá sớm.

 Ở văn hóa Việt Nam thời trung đại, có thể thấy dấu hiệu của loại hoạt động này, chẳng hạn, ở việc vua Quang Thuận vào năm 1469 sai Trần Khắc Kiệm tìm lại các tác phẩm bị thất tán của Nguyễn Trãi do thảm án Lệ Chi Viên, hoặc, cũng trên di cảo Nguyễn Trãi, việc sưu tầm do Dương Bá Cung (1794-1868) thực hiện trong hơn mười năm để hoàn thành bộ sưu tập các tác phẩm của Ức Trai và cho in khắc vào năm 1868, v.v…

Vào những năm cuối thế kỷ XX, khi mà di sản văn tự Hán Nôm của người Việt đứng trước nguy cơ mất mát trầm trọng, những hoạt động của giới học giả nhằm bảo tồn và cứu vãn nguồn di sản này đã đồng thời khiến việc nghiên cứu văn bản học từ bình lặng chuyển thành hoạt bát hơn, thu hút nhiều chuyên gia trên nhiều mảng văn bản Hán Nôm khác nhau; thông thường, các khảo sát văn bản học đã đóng vai trò tích cực vào việc biên soạn, dịch thuật, giới thiệu các tác phẩm Hán Nôm thuộc các thời đại trước cho công chúng ngày nay; có những khảo sát khiến các giới nghiên cứu và công chúng thấy rõ tính chất phức tạp của vấn đề văn bản ở những tác phẩm được coi là kiệt tác của văn học dân tộc, nhất làTruyện Kiều; có những nghiên cứu mở ra giả thuyết khoa học mới trên những văn bản đã biết, chỉ ra, chẳng hạn, mức độ vay mượn thậm chí mạo nhận một số tác phẩm của tác gia Trung Hoa làm tác phẩm của thiền sư Việt Nam [2]; hoạt động của các nhà văn bản học Hán Nôm đôi khi gây được sự chú ý cho một vài giới công chúng rộng.

Tuy vậy, ngoài khu vực văn bản Hán Nôm, chưa có một nguồn văn bản nào khác thu hút nỗ lực nghiên cứu ở mức tương tự. Người ta biết rằng, sau thời đại văn tự Hán Nôm, xã hội người Việt đã chuyển sang thời đại dùng văn tự Quốc ngữ (tiếng Việt viết bằng chữ cái Latin) từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Báo chí và sách bằng chữ Quốc ngữ đã xuất hiện và tồn tại liên tục trên lãnh thổ Việt Nam từ gần 150 năm nay. Các văn bản do tác gia Việt Nam viết bằng chữ Quốc ngữ suốt thời gian ấy trên khá nhiều chuyên ngành, tính đến nay đã đạt tới một số lượng rất lớn, chưa biết là bao nhiêu vì chưa hề được kiểm định. Còn ở phương diện chúng ta đang quan tâm, ngay một lĩnh vực cần đến công tác văn bản học hơn cả là văn học, thì môn nghiên cứu này vẫn chưa được coi là thật sự cần thiết.

Văn học Việt Nam thế kỷ XX, − văn học chữ Quốc ngữ, − cho đến nay vẫn được giới nghiên cứu trong nước, ở các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu, tiếp cận như văn học đương thời mình; rất có thể tâm thế này trong nghiên cứu đã tự nó gạt bỏ hoặc hạ thấp vai trò bổ trợ của các nghiên cứu về văn bản. Hơn nữa, các hướng nghiên cứu vốn chỉ chú trọng làm bộc lộ ra những nội dung tư tưởng bao trùm tác phẩm mà không cần gắn với diện mạo ngôn từ dệt nên tác phẩm, không cần gắn với cái cụ thể của câu chữ, cũng làm lu mờ sự cần thiết của việc làm sáng tỏ những xử lý ngôn từ mang đặc điểm riêng của từng tác giả, từng phong cách, từng xu hướng nghệ thuật văn chương.  

Có thể biện giải thế này hay thế khác, song thực tế hiển nhiên là hầu như cho đến hết thế kỷ XX, các tác phẩm văn học Việt Nam viết bằng chữ Quốc ngữ vẫn chưa trở thành đối tượng cho các nghiên cứu văn bản học; công tác nghiên cứu văn bản vẫn chưa trở thành một bộ phận hữu cơ của nghiên cứu văn học chung. Điều này cố nhiên ảnh hưởng đến chất lượng của những bộ tuyển lớn mang tầm vóc quốc gia: những tác phẩm văn học Quốc ngữ đưa vào các bộ tuyển ấy, dù được gọi là “hợp tuyển”, hay “tổng tập”, hầu hết đều chưa được khảo sát về văn bản; những người tuyển chọn chỉ có thể dùng loại văn bản ngẫu nhiên, chưa thật đáng tin cậy. 


[1] E. G. Elina, I. A. Knigin (2001): Tekstologija (mục từ Văn bản học), trong sách: Literaturnaja Enciklopedija; Terminov i ponjatij (Bách khoa văn học: Các thuật ngữ và khái niệm), A. N. Nikoljukin tổng chủ biên. Moskva: NPK “Intelvak”, 2001, str.1065 (chữ Nga).

[2] Hà Văn Tấn (1992), Vấn đề văn bản học các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam // Tạp chí văn học, Hà Nội, 1992, số 4, đặc san văn học Phật giáo.




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận