Ngay từ thời cổ đại ở phương Tây, trước khi các tôn giáo ra đời, thì thần linh và những hiện tượng tự nhiên đã rất được tôn sùng, thành kính. Con người luôn khẩn cầu các vị thần thánh cai quản các tầng trời, dương thế, âm phủ và thủy cung hãy ban phúc lành, sức mạnh để họ tránh được rủi ro, tai họa.
Nửa đầu thế kỷ XIX, các triết gia cổ điển Đức đã từng đưa ra nhiều định nghĩa và quan điểm khác nhau về tôn giáo. Hêghen cho rằng, tôn giáo là lĩnh vực của ý thức con người, giải đáp mọi điều bí ẩn của thế giới quan, và tôn giáo là lĩnh vực tận cùng và cao nhất của ý thức con người. Phoiơbắc quan niệm, tôn giáo là sự khám phá trang trọng nhất những của cải cất giấu trong con người, là sự thừa nhận công khai nhất những tình cảm bí mật của con người. Chính C.Mác và Ph.Ăngghen là những học giả có công lớn đặt nền móng cho việc nghiên cứu tôn giáo trở thành một bộ môn khoa học dựa trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng. C.Mác đã có một cống hiến, một phát hiện lớn về bản chất của tôn giáo với câu nói: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”…
Mỗi tôn giáo nảy sinh từ một hiện thực xã hội, một nhu cầu tinh thần của mỗi cộng đồng, vì vậy, tôn giáo có những vai trò, chức năng phù hợp với thực tiễn lịch sử của không gian nơi nó xuất hiện. Trong thế giới cổ - trung đại, tôn giáo có chức năng: gắn kết thế giới con người và thế giới tự nhiên; phản ánh khát vọng thoát khỏi nỗi khổ đau trần thế của quần chúng lao khổ; là công cụ, phương tiện đắc dụng của giai cấp thống trị để ru ngủ, mê hoặc quần chúng; là vũ khí sắc bén, lợi hại của giai cấp thống trị trong cuộc đấu tranh chống đối thủ; đồng thời góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa dân tộc, quốc gia, khu vực và thế giới.
Qua 3 chương sách, PGS.TS. Lại Bích Ngọc giúp người đọc có một cách nhìn khách quan, biện chứng về nguồn gốc, vai trò, chức năng của tôn giáo trong lịch sử thế giới cổ, trung đại.
Sách gồm 168 trang, giá 20.000đ.
GIAO LINH