Kiến trúc luôn gắn liền với văn hóa dân tộc, thể hiện bản sắc mỗi địa phương. Cuộc sống càng phát triển, con người càng có nhu cầu giữ gìn bản sắc, tìm về cội nguồn những nét văn hóa xa xưa, Chính vì vậy những không gian còn bảo tồn được kiến trúc cổ xưa như Hội An, Huế luôn là điểm thu hút khách du lịch khắp thế giới.
Người ta nói, văn hóa là những gì còn lại sau khi đã mất đi. Những ngôi nhà cô xưa trong tập sách này đại diện cho một thời huy hoàng rực rỡ của những gia đình quan lại, thương gia, điền chủ giàu có của vùng đất Gia Định sau thời Minh Mạng, bao gồm miền Đông và miền Tây Nam Bộ.
Là câu chuyện về nhà hát Thủ Dầu Một một thời lừng lẫy sáng đèn với những tên tuổi của đoàn hát Kim Chung, Kim Chưởng, Dạ Lý Hương, đoàn kịch Thẩm Thúy Hằng… giờ nhỏ bé của một thời kiến trúc xưa đã mất, dần lui về ân sâu trong những miền ký ức của những cụ ông, cụ bà ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Hay huyền thoại về Huỳnh Phủ ở Bến Tre, ngôi nhà xưa một thời nổi tiếng khắp vùng miền Tây Nam Bộ đã hơn trăm tuổi. Ngôi nhà của dòng họ Huỳnh là ngôi nhà Rường năm gian hai chái với bao thăng trầm thời cuộc, đầy ắp sóng gió cuộc đời thế thái nhân sinh.
Đến thăm nhà Đốc Phủ Hải ở Gò Công, mọi người dễ choáng ngợp trước một tư dinh đồ sộ nằm trong thị xã nhỏ thuộc tỉnh Tiền Giang. Ngôi nhà có liên quan đến lịch sử chống Pháp của Lãnh binh Trương Định, nay được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc cấp quốc gia. Mặt tiền chạm trổ tinh vi, các bức hoành, liễn cẩn xà cừ tinh xảo. Gian giữa đề hai Hán tự “YẾN DỰC” tượng trưng cho mùa xuân vui tươi, hưng thịnh. Tại đây, chúng ta được thưởng thức sự pha trộn Đông – Tây trong lối kiến trúc độc đáo thời thuộc địa; là tác phẩm kiến trúc độc đáo không chỉ của Gò Công và của cả miền Nam. Các đoàn làm phim cũng từng mượn nơi đây xây dựng bối cảnh cho các bộ phim “Con nhà nghèo”, “Nợ đời”…
Với gần 180 trang sách, Ngô Kế Tựu đã dẫn dắt chúng ta đi khắp miền Nam đất nước, thăm lại những di tích xưa, chứng nhân của một thời lịch sử. Từ nhà hát xưa của đất Thủ Dầu Một, nhà cổ chữ Đinh ở Cái Bé, nhà cổ trăm cột ở Cần Đước…đến nhà Đốc phủ họ Cao ở Bạc Liêu.
Bộ sách được in màu trên giấy couche dày, với sự hỗ trợ nhiệt tình của nhà báo Phạm Công Luận, nhà văn Mạc Can, nhà báo Thái Hiếu, Nguyễn Đình Thiên Ý và Vũ Công Tâm.
Có thể nói, bộ sách ảnh Nhà Xưa Nam Bộ của Ngô Kế Tựu – một mảnh hồn xưa của miền đất Nam Bộ – là tâm huyết và tình yêu quê hương của một người sống xa quê. Ngô Kế Tựu đã làm được điều mà nhiều người trong chúng ta chưa làm được cho nơi mình đang sống.
-------
Trong không gian tĩnh lặng của miền quê yên ắng, tôi đi qua lại trong ngôi nhà gỗ xưa, sờ nắm những vật dụng, bàn ghế đầy dấu ấn thời gian. Thích nhất là cái nền gạch Tàu tổ ong, mòn khuyết dấu chân người bao năm tháng còn đọng lại trên đó. Và tin rằng bạn cũng như tôi, lòng sẽ bỗng thấy chùng xuống, mọi ưu phiền trong đầu tự dưng biến mất, cảm thây thư thái, lắng đọng trong tâm hồn khi ngồi trong ngôi nhà này. Nếu là người đã quá tuổi trung niên, chắc rằng sự hồi tưởng và nuối tiếc sẽ quay về như những thước phim chiếu chậm của tuổi thiếu thời giống như má tôi hay nói: "Hồi đó... nhà bà ngoại...", cứ như đang nhìn ngắm một ngôi nhà xưa của cha ông, dù là cha ông của người khác. Và ưóc mơ cuộc sống "Tam đại đồng đường" bên con cháu của những người già, nhất là những ngày giỗ chạp, Tết nhất, bà con họ hàng đông vui. Một mơ ước có thể không còn hợp thời?
(trích đoạn)