Sách: Nhàn đàm y học 

Nhàn đàm y học 
85.000
53a6e41c7f8b9a77248b4575

vi
439
13 x 21 cm

Mô tả

Mỗi cuốn sách đều có một lịch sử, và cuốn sách này cũng không nằm trong ngoại lệ đó. Đã từ lâu, tôi ham mê tìm tòi về mối liên hệ giữa văn hóa và y học hiện đại, vì tôi nghĩ mối liên hệ này chắc chắn phải hiện hữu. Lúc còn bé, ở trong làng thuộc miền Tây Nam bộ, tôi thường hay để ý đến những khác biệt về nếp sống và mối liên hệ với bệnh tật giữa người Khmer và người Việt. Lớn lên, có dịp tiếp cận với những tranh luận trong giới khoa bảng Tây phương chung quanh đề tài văn hóa và bệnh tật (mà sau này dẫn đến sự ra đời của một bộ môn nghiên cứu mới có tên là “Tâm lí y học”) tôi mới có dịp quay lại cái sở thích thời ấu thơ.

Cuốn sách này là tập hợp những bài bình luận, đọc báo, và điểm báo liên quan đến bộ môn tâm lí y học mà tôi viết trong thời gian từ 2000 đến 2011. Tôi cũng cho in vài bài mang tính tương đối thời sự y học trong phần cuối của sách. Tuy nói đến y học và khoa học, nhưng những vấn đế được bàn đến trong sách này nằm trong những đề tài “nhẹ”, có khi mang tính giải trí khoa học. Và, vì thế cuốn sách không đòi hỏi người đọc phải động não ở mức độ cao. Chủ đích của tôi là cung cấp cho bạn đọc những thông tin khoa học thú vị, thiết thực với cuộc sống hàng ngày, nhưng cũng đồng thời khơi dậy tính tò mò và qua đó, hi vọng sẽ là động cơ cho bạn đọc nghiên cứu thêm.

Tôi dành một phần khá lớn trong sách để bàn về di truyền học và công nghệ sinh học, một bộ môn nghiên cứu mà có người cho rằng sẽ là đóng vai trò chủ đạo trong thế kỉ 21. Nhìn lại quá khứ và hướng về tương lai, tôi thấy bộ môn di truyền học mở cho chúng ta một cánh cửa lớn, để chúng ta tiến đến một thế giới mới cực kì hấp dẫn và hào hứng. Trong thế giới đó, tôi tin rằng, người Việt chúng ta, với sức thông minh sẵn có, có thể đóng góp đáng kể. Tôi muốn nhìn hệ thống tri thức y học như là một tòa nhà. Những giả thuyết là những vật liệu dùng để xây dựng và sửa chữa tòa nhà cho hoàn hảo hơn. Nếu cấu trúc của tòa nhà cần thay đổi lớn lao, thì có lẽ đã đến lúc nền móng của tòa nhà cần phải được xem xét lại. Muốn xây dựng một nền móng như thế, xã hội cần đến sự đóng góp của nhiều người trong và ngoài y khoa. Thành ra, cuốn sách này được viết cho mọi người, kể cả những người không có chuyên môn sâu về khoa học, học sinh trung học và sinh viên đại học.



Một số các bài viết trong sách này đã được đăng trên một số tạp chí ở trong nước dưới dạng tóm lược. Tôi cũng nhân dịp này có lời cám ơn ba trong những người bạn của tôi, Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn (Hà Nội), Bác sĩ Hồ Đắc Duy và Bác sĩ Phan Xuân Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) là những người đã giới thiệu những bài viết của tôi trên các báo và tạp chí trong nước. Tôi cám ơn báo Tuổi Trẻ, tờ báo mà tôi đã cộng tác suốt 20 năm qua, đã công bố những bài viết của tôi. Tôi cũng chân thành cám ơn Ban biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ đã chịu khó đọc và biên tập cuốn sách này. Tôi cũng đặc biệt cám ơn Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên, người đã chịu khó đọc qua phần lớn bản thảo và góp ý trong nhiều bài viết.

Có bạn bè và đồng nghiệp góp ý là một sự may mắn, nhưng môi trường cũng là một sự may mắn khác. Trong suốt thời gian đọc và viết những bài trong cuốn sách này, tôi làm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (còn gọi là Garvan Institute of Medical Research ở Sydney, Úc), nơi đã cho tôi cái môi trường tri thức để nghiền ngẫm những gì mình tiếp nhận. Quê hương tôi (Bàn Tân Định, Giồng Riểng, Kiên Giang) cũng là môi trường đã cho tôi động cơ và những kinh nghiệm mà tôi mang theo mình suốt đời. Tôi muốn xem cuốn sách này là một món quà tinh thần cho bà con và láng giềng tôi.

Không có cái gì hoàn hảo trên đời này. Cuốn sách này là một nỗ lực cá nhân, và “nhân vô thập toàn” cho nên chắc chắn trong sách có thiếu sót và nhầm lẫn. Viết sách mà được sự góp ý của bạn đọc là một vinh dự với tôi. Tôi rất mong được bạn đọc phê bình và góp ý để lần tái bản sau sẽ hoàn hảo hơn. Bạn đọc có thể liên lạc trực tiếp với tôi qua địa chỉ điện thư sau đây: t.nguyen@garvan.org.au.

Nguyễn Văn Tuấn



Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận