Tóm tắt tác phẩm
Nhật kí Mã Yến là cuốn sách được in dựa trên nhật kí của một cô bé 12 tuổi sống tại thôn Trương Gia Thụ, nam Ninh Hạ, Trung Quốc. Đây là những ghi chép hàng ngày của Mã Yến trong hoàn cảnh khốn cùng của gia đình, bày tỏ lòng khao khát muốn được đi học, bộc lộ những suy nghĩ của một đứa trẻ về cuộc sống, tình cảm và sự hi sinh của cha mẹ, mơ ước thay đổi được hoàn cảnh… Cuốn nhật kí đã được phát hiện một cách tình cờ khi mẹ Mã Yến trao nó vào tay nhà báo Pháp Pierre Haski để chứng minh rằng cuộc sống của người dân Ninh Hạ khốn khổ như thế nào. Nhật kí của Mã Yến được chia thành hai phần. Phần thứ nhất là toàn bộ nguyên văn cuốn nhật kí được viết từ ngày 2/9 đến ngày 28/12 năm 2000, đã được mẹ Mã Yến trao vào tay các nhà báo tháng 5 năm 2001, và phần thứ hai từ ngày 3/7 đến ngày 13/12/2001. Tẩt cả những phần có vẻ quá thiên về mối quan hệ riêng tư của Mã Yến và những người phóng viên hay những đoạn khi cô bé viết khi biết sẽ có người đọc đều đã được cắt bỏ để đảm bảo tính chân thực cho nội dung.
Nhận định
"Lời kêu gào từ đáy lòng bé gái 13 tuổi, không chỉ là tâm nguyện của những đứa trẻ thất học ở Trung Quốc hay một số nước trên thế giới, mà còn là tiếng nói tin tưởng vào tiến bộ xã hội để trẻ nhỏ được đi học. Nguyện vọng ấy đáng được lắng nghe không chỉ trong cái thôn Trung Quốc nhỏ bé này. Nó cũng giúp ta hiểu rằng, ngay ở đầu thế kỉ XXI, nền kinh tế bần cùng, lạc hậu đã hủy diệt tương lai của rất nhiều trẻ em".
- Pierre Haski, người đã giới thiệu cuốn Nhật kí Mã Yến
"Cùng với Búp bê Bắc Kinh của nữ tác giả Xuân Thụ, Nhật ký Mã Yến thực sự là giọng nói mới của phụ nữ Trung Quốc."
- Inter Press
"Nhật ký Mã Yến, cuốn sổ mà cô bé 13 tuổi kể lại niềm khát khao đi học của mình, đã trở thành vật báu của các nhà xuất bản trên thế giới. Được báo chí Trung Quốc coi là "chuyện cổ tích", đây thực sự là tiếng kêu của những người thấp cổ bé họng."
- Nhân dân Nhật báo
"Mấy cuốn sổ ghi chép của một cô bé 13 tuổi người Hồi ở Trung Quốc đã khuấy động ở châu Âu. Nhật ký Mã Yến đã trở thành hiện tượng quốc tế."
- Publisherweekly
"Một cuốn sách làm người ta choáng váng và phải suy nghĩ. Bắt đầu từ những tập ghi chép riêng tư của Mã Yến, cô bé 12 tuổi sống trong nghèo đói ở Ninh Hạ, Trung Quốc. Nhật ký Mã Yến là câu chuyện thực có ích cho giới trẻ ở Pháp cũng như trên thế giới"
- Ruth Valentini, Le Nouvel Observateur
Chủ nhật, 11-11-2001
Trời quang.
Mờ sáng nay, lúc 5 giờ, mẹ dậy nấu cơm cho chúng tôi, vì sợ chúng tôi đói. Rồi mẹ gọi hai chị em dậy. Chúng tôi mặc quần áo, rửa mặt, rồi vào ăn cơm.
Trong lúc ăn cơm, tôi phát hiện thấy mắt, mũi, mặt, tay và chân của mẹ đều sưng sưng. Tôi hỏi mẹ bị làm sao vậy, mẹ trả lời: “Không, không sao cả, có thể là do mẹ dậy quá sớm”. Tôi biết đó không phải là nguyên nhân. Bệnh cũ của mẹ chắc chắn là đã tái phát.
Vì thế tôi bèn hỏi mẹ là có phải tại bệnh của mẹ hay không. Mẹ nhìn tôi và gắt lên: “Bệnh gì? Có thể tại mẹ gọi con dậy quá sớm, đầu óc con vẫn chưa tỉnh táo nên mới nói lung tung! Ăn nhanh lên... Xe tới rồi...”
Một chiếc xe chạy tới, và mẹ đã lợi dụng điều đó để chấm dứt những câu hỏi của tôi. Tôi biết mẹ đã lảng tránh, để tôi không phải lo lắng quá, để tôi có thể học tập tốt, để tôi không kém bất cứ người nào trong xã hội. Tôi sẽ học tốt, nếu không tôi sẽ không xứng với đôi tay tần tảo mẹ nấu cơm sáng hôm nay.
Thứ hai, 12-11-2001
Trời quang.
Tôi rất muốn trở về nhà bây giờ, chẳng cần đợi đến cuối tuần, muốn nhìn thấy lại khuôn mặt và đôi tay của mẹ. Bởi vì tôi biết mẹ sẽ lại đi xa, rất xa... Tôi không bao giờ muốn mẹ đi xa, nhưng làm cách nào mà tránh được?
Tuần trước, khi chúng tôi về tới nhà, mẹ muốn xem sổ ghi điểm của tôi. Tôi đưa cho mẹ xem những bài thi của tôi. Mẹ cầm xem và mặt mày trở nên tươi tỉnh. Mẹ nói: “Mẹ mất công nuôi con không uổng phí, con không làm mẹ thất vọng”. Mẹ cũng xem những bài làm của em trai tôi, mặt mẹ nghiêm lại, rồi mẹ bực tức nói: “Làm sao con lại nghĩ rằng con xứng với những cái bánh mà tuần nào con cũng mang theo? Con có biết mẹ đã vất vả như thế nào ở trên núi không? Mẹ đã đặt bao nhiêu hy vọng ở con! Vậy mà kết quả thì thế này! Làm sao không buồn và thất vọng cho được?”
Khi tôi nghĩ đến mẹ tôi, tôi rất muốn trở về nhà, muốn xin phép được nghỉ học ở trường. Nhưng, ngay cả lúc này tôi về, tôi sợ rằng có khi cũng chẳng gặp mẹ. Tôi cho rằng mẹ đã đi hái phát thái rồi. Tôi cầu cho mẹ khoẻ mạnh. Bởi lẽ nếu bệnh của mẹ tái phát, sẽ chẳng có ai bên cạnh để chăm sóc. Lần này bố không đi cùng với mẹ; bố phải ở nhà để lo việc nhà và việc đồng áng.
Tôi mong sao cho lần này bệnh mẹ không tái phát. Mẹ về nhà chưa ấm chỗ, chỉ nghỉ được hai ba hôm, đã lại phải ra đi để kiếm tiền. Tôi sung sướng biết bao khi cả nhà đoàn tụ, trò chuyện vui vẻ bên mâm cơm. Tôi muốn có một gia đình ấm cúng và hạnh phúc! Nhưng ông trời không muốn như thế, ông ấy bắt tôi phải sống trong buồn khổ và đau đớn.
Người bất hạnh nhất chính là mẹ. Quanh năm mẹ phải bươn chải vất vả ở bên ngoài. Vất vả thế tất phải mang bệnh. Nếu không, tại sao mẹ lại bị bệnh tật, đau ốm?
Mẹ lại ra đi vì điều gì? Vì công việc, vì cuộc sống của cả ba đứa chúng tôi. Nhưng em trai tôi đã không đem lại được cho mẹ những vinh dự ở trường học: làm sao mẹ lại không buồn cho được? Tôi cần học tốt để không làm mẹ thất vọng. Nguyện vọng lớn nhất của đời tôi là mẹ chóng khỏi bệnh, và rằng cuối cùng cả gia đình sẽ quây quần bên nhau.
Nếu như tôi một ngày kia có được một thành công nào đó, thì đó là nhờ công sức của mẹ. Tôi luôn hồi tưởng về mẹ. Tại sao tôi có nhiều đau khổ như vậy, tại sao nước mắt của tôi chẳng bao giờ cạn? Tại sao tôi, chỉ là một thiếu niên, đã phải khóc biết bao nhiêu lần? Hãy nói cho tôi biết tại sao! Phải chăng chỉ khi cạn nước mắt tôi mới thành công? Và nếu nước mắt mà không cạn, thì có phải đó là dấu hiệu là tôi sẽ không thành công? Tôi quyết tâm dấn bước đi trên con đường gập ghềnh, khó khăn này!
Thứ ba, 13-11-2001
Trời quang.
Tôi không biết tối qua mẹ tôi ngủ ở đâu, chẳng biết mẹ ngủ trên nền đất ẩm hay ở nơi phiến đá ven đường. Tôi chỉ chắc một điều là chắc chắn mẹ không được một đêm ngon giấc. Lúc này là mùa đông, khí trời giá buốt, nhất là lúc nửa đêm. Nhiệt độ xuống dưới 00C. Thế mà mẹ lại còn bị đau dạ dày...
Tôi không biết đi kiếm rau phát thái khó khăn đến chừng nào. Có lần tôi cũng đã đi kiếm rau phát thái cùng với bố. Lúc đó là vào dịp hè, vào khoảng 1 giờ đêm, máy kéo hết sạch dầu. Chúng tôi xuống xe, chúng tôi đành chấp nhận ngủ lại trên một cánh đồng.
Một lúc sau, người tôi phủ đầy bụi. Tôi hít phải bụi, và chẳng thể nào ngủ được. Tôi ngồi dậy và bắt đầu đếm sao trên trời.
Tôi nhớ ra bài học được từ hồi còn học ở tiểu học: “Chú bé đếm sao”. Ngày xưa có một chú bé, vào ban đêm, dựa vào người của bà để đếm những vì sao. Bà của chú nói rằng những ngôi sao đếm không hết được đâu. Nhưng chú bé đáp lại rằng: “Một khi đã có lòng tin, thì ta cũng sẽ đếm được hết”. Tôi đã không sao hiểu được câu nói đó.
Đêm đó, nhìn những ngôi sao trên trời, tôi rất muốn được dựa vào người mẹ để đếm sao. Tôi hiểu rằng sao nhiều thế kia, đếm không bao giờ hết. Vào lúc ấy, tôi đã biết rằng thế giới bên ngoài là bao la, vô cùng vô tận...
Đấy là lần đầu tiên từ khi đẻ ra tôi đã đi xa đến như vậy. Tôi cũng đã thấy nhớ nhà. Tôi cảm thấy thấy mình thật đáng thương, thật buồn bã...
Vì gia đình, vì tương lai chúng tôi, mẹ đã phải ra đi để kiếm tiền bất chấp tất cả. Mẹ đã khổ nhọc biết bao nhiêu... Mẹ sống đau đớn quá, mẹ bị mệt mỏi quá. Tôi nhất định phải học tốt, để thành công, để sau này mẹ có thể sống một cuộc sống sung sướng, để mẹ không còn phải chịu đựng nỗi đau đớn và mệt nhọc. Tôi hy vọng ước nguyện của tôi sớm được thực hiện và mẹ cũng sớm được sống sung sướng.
Thứ tư, 14-11-2001
Trời quang.
Hôm nay, lúc tan học về nhà ăn cơm, các bạn khác đã đi hết, chỉ còn mình tôi ngồi làm bài trong lớp. Đột nhiên tôi nghe có tiếng người gọi. Ngẩng đầu nhìn lên, thấy Mã Nguyệt Hoa đứng bên song cửa gọi bảo là bố tôi tới. Tôi sung sướng, chạy ra đón. Bố đứng chờ tôi ở bên ngoài. Bố hỏi tôi đang làm gì. Tôi đáp đang làm bài tập và hỏi mẹ còn ở nhà hay đã đi rồi. Bố nói mẹ đi đã ba hôm rồi. Nước mắt tôi lại chảy ra. Mùa đông đã tới, mẹ mang bệnh trong người, làm sao chịu được mấy chục hôm rét buốt? Suốt đời mẹ cứ phải đi xa, ngày đông tháng giá, trèo đèo lội suối! Thật khổ sở cho mẹ!
Hai bố con đi ngoài phố, cùng nói hết chuyện nọ đến chuyện kia... Lúc ra đến chợ rau, nhìn mớ tiền trong tay những người đi chợ tôi nhớ ra tuần trước mẹ đưa cho 10 đồng để mua phiếu ăn, vì nhà đã hết gạo. Tôi không nỡ tiêu mấy đồng bạc đó, bèn cầm 10 đồng nhét vào tay bố. Bố nói: “Không được, các con không ăn thì chết đói đấy”. Tôi cứ bắt bố phải cầm. Bố dứt khoát không chịu, bảo bố không cần mua thức ăn đâu. Chẳng còn cách nào khác, tôi bèn khóc nức nở. Bố nói: “Con khóc gì vậy? Không ăn làm sao được, không ăn thì ốm yếu và sinh bệnh”.
Nhưng tôi không muốn tiêu những đồng bạc mồ hôi, nước mắt của mẹ. Mẹ tôi đã vất vả bao nhiêu mới kiếm được số tiền này. Vượt qua núi cao, suối sâu, suốt ngày khổ cực, không được một miếng cơm ngon. Tôi đã biết nỗi khổ đó một lần, tưởng không thể chịu nổi, nhất là vào những hôm trời mưa, chăn, áo đều ướt hết. Trời mưa thì rau ướt, đất ướt, không có cơm ăn, không có nơi ngủ, suốt đêm ngồi bên bếp lửa. Mùa đông còn khổ sở hơn mùa hè nhiều. Mùa đông trời đầy tuyết, không kiếm được phát thái, không kiếm được cơm, không có lửa sưởi, tất cả gần như chết cóng. Mong sao ở chỗ mẹ không có tuyết, mong sao mẹ chóng trở về. Mẹ tôi suốt ngày ăn khổ ăn cực, ăn chẳng no bụng, thì tôi có đói cũng chẳng sao...
Biết đến bao giờ thì cuộc sống khổ cực này mới hết?
.................