Cà phê Việt Nam nổi lên trên thị trường thế giới được coi là một kỳ tích ở cuối thế kỷ 20. Nếu lấy mốc từ sau ngày thống nhất đất nước vào năm 1975 thì diện tích cà phê của cả nước mới chỉ có 13.400 ha, sản lượng chưa quá 7.000 tấn. Cho đến nay vào năm 2010 diện tích cà phê của Việt Nam đã có tới 520.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên dưới 800.000 tấn. Giá trị xuất khẩu hàng năm đã vươn tới con số dưới 2 tỷ đô la. Việt Nam được xếp vào hàng thứ hai về sản lượng xuất khẩu cà phê trên thị trường thế giới chỉ đứng sau Braxin và đứng ở vị trí hàng đầu về sản lượng cà phê vối (Canephora robusta). Nhiều vùng chuyên canh trên diện tích lớn đã có năng suất bình quân đạt hàng năm từ 3 - 4 tấn nhân/ha. Nhiều diện tích ở quy mô nhỏ từ 0,5 - 1 ha đã đạt tới năng suất từ 5 - 7 tấn nhân/ha. Không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới lại đạt năng suất cao kỷ lục như vậy.
Thành tựu đã đạt được của ngành cà phê Việt Nam thật là to lớn. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có thể nêu lên những điểm chủ yếu sau đây:
- Nhà nước có chủ trương phát triển diện tích cà phê khá sớm trong các hình thức sản xuất của Nhà nước và nhân dân.
- Việt Nam nhiều vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, vị trí địa lý phù hợp cho phát triển cây cà phê.
- Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh đã tạo ra những tiến bộ kỹ thuật về nhiều mặt: giống, phân bón, hệ thống kỹ thuật canh tác, chế biến, phòng trừ sâu bệnh được phổ biến áp dụng kịp thời vào trong sản xuất.
- Giá cả thị trường kích thích sản xuất phát triển.
- Có các hình thức tổ chức và quản lý sản xuất phù hợp.
- Công tác khuyến nông được đẩy mạnh. Các tiến bộ kỹ thuật mau chóng được đưa vào ứng dụng trong sản xuất.
- Sự tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật của người sản xuất thông minh và không ngừng sáng tạo.
Bên cạnh mặt thành công là to lớn và cơ bản nhưng tồn tại, yếu kém còn không phải là ít đã hạn chế đến mặt hiệu quả kinh tế và tính bền vững của sản xuất, xuất khẩu. Tồn tại chủ yếu hiện nay.
Đó là: Chất lượng sản phẩm chưa cao và hệ thống sản xuất và xuất khẩu thiếu bền vững.
Để góp phần giải quyết các mặt tồn tại yếu kém ấy nhằm giữ vững và phát triển vị thế của ngành cà phê trên thị trường quốc tế do vậy cuốn tài liệu kỹ thuật do PGS.TS Phan Quốc Sủng, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Cà phê Việt Nam, người đã gắn bó với cây cà phê từ năm 1960 đến nay đã biên soạn những bài báo đã công bố, một số chuyên đề khoa học và những thông tin, bài thơ có liên quan đến cà phê được tập hợp biên soạn cuốn sách có tiêu đề: "Những nội dung khoa học kỹ thuật có quan hệ đến sản xuất cà phê đạt hiệu quả cao và bền vững". Thông qua những kết quả của các công trình nghiên cứu và những kinh nghiệm trong hoạt động khoa học và quản lý của bản thân và các nhà khoa học khác. Chắc chắn tài liệu kỹ thuật này sẽ góp phần đem lại những lợi ích cần thiết cho người đọc để góp phần đóng góp với ngành cà phê Việt Nam khắc phục được những tồn tại, yếu kém nhằm vững bước đi lên với mục tiêu đưa hiệu quả kinh tế ngày càng lớn cho người sản xuất và thu về ngày càng nhiều nguồn ngoại tệ mạnh cho đất nước song vẫn giữ được môi trường bền vững. Xứng đáng là một cường quốc cà phê của thế giới.
Xin trân trọng giới thiệu!