Trích đoạn tác phẩm: Tôi không biết bắt đầu kể lại câu chuyện này như thế nào khi bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng cô bé thì thầm "Ông đừng kể lại cho ai nghe những này tươi đẹp của chúng ta. Kể lại chúng sẽ thành những ngày cải lương ngay. Em rất ghét cải lương, ông nhớ chưa?" "Kể lại cho ai nghe". Chắc thuê tiền tôi cũng chẳng thèm. Nhưng trong buổi chiều này, một mình giữa nơi hoang vắng, tôi không thể kể lại (nhớ lại) những ngày tươi đẹp đó với chính mình. Tôi đặt bó hoa marguerite trắng mà cô bé hằng ưa thích, trước ngôi mộ bằng cát rồi khum tay che gió châm một điếu thuốc. Từ lâu tôi vẫn ước ao thực hiện một cuốn phim. Nhưng lúc này, trong nỗi buồn rầu, dù cho đầu óc đầy những hình ảnh nhập nhòe xáo trộn như hàng ngàn thước phim đã quay xong chỉ đợi chờ ráp nối vậy mà tôi cứ phân vân chẳng biết bắt đầu thực hiện cuốn phim trong trí tưởng tượng của mình như thế nào? Hãy giúp tôi đi nhỏ. Hãy giúp tôi kể lại (nhớ lại) những ngày tươi đẹp của chúng ta lần này nữa, rồi thôi...
******* Hằng năm, vào đầu tháng tám ở Sài Gòn trời đã đổ những cơn mưa lớp giúp khí hậu cuối mùa nắng bớt oi nồng. Năm nay gần hết tháng tám, trời vẫn nắng gay gắt, không có lấy một trận mưa nhỏ, khiến không khí ngột ngạt khó thở. Không chịu nổi thứ không khí pha trộn với hơi nóng đó, tôi quyết định rời Sàigòn. Tôi muốn tìm đến một chốn yên tĩnh, mát mẻ, xa lánh những cuộc vui và bạn bè một thời gian để giam mình viết xong tập tiểu luận cao học, vì lười biếng tôi đã đệ trình Hội đồng Giám khảo trễ mất một năm. Sau bữa ăn tối gia đình tôi thường chẳng mấy khi ngồi quây quần với nhau để bàn định một chuyện gì. Có lẽ vì thiếu những món ăn nóng hổi, bốc hơi trước mắt, nên ai nấy đều tránh nói chuyện sợ hao tốn sức khỏe. Cho nên vừa uống nước trà xong, mỗi người đều đi mỗi nơi khác nhau. Ba tôi vội vào phòng khách mở tivi để nghe tin tức quốc nội và quốc ngoại trong ngày. Mẹ tôi xuống bếp giúp người làm thu dọn bếp núc. Cô em gái tôi lên lầu ôm chiếc máy cassette vào lòng, đem ra sân thượng ngồi ngả lưng trên chiếc ghế bố nghe nhạc. Bản nhạc luôn luôn được cô em tôi mở nghe đầu tiên là bản Somewhere My Love. Nó ghiền bản đó đến nỗi đã thâu secour vào ba băng khác nhau để có thể nghe hoài mà không sợ hư băng. Tôi cũng khoái bản nhạc đó lắm, khi mới nghe lần đầu trong phim Doctor Zhivago, nhưng từ khi bị cô em bắt nghe mỗi tối một lần, tôi đâm thù bản nhạc đó kinh khủng. Có lần bản nhạc đó đã làm tôi điên đầu, phải chạy ra sân thượng nói với nó. - Này nhỏ, có ai thèm yêu em đâu mà tối nào cũng phải thắc mắc người yêu em ở chốn nào? Con nhỏ ngẩng mặt nhìn tôi, trả lời tỉnh bơ. - Em đã có tình yêu. Chàng ở trong chiếc máy cassette này và mỗi tối chàng đều đến với em bằng tiếng nhạc. Anh không thấy người yêu của em sao? Tôi cứng miệng chẳng biết đáp ra sao, đành lủi thủi đi xuống thang lầu và rủa thầm. Bố khỉ người yêu của mày... cầu trời cho mày trợt chân ngã từ sân thượng xuống đất vỡ đầu cho hết mơ mộng! Còn tôi, sau mỗi bữa ăn tối, để tránh ở dưới nhà nghe tin tức quốc nội và quốc ngoại nhức đầu và để tránh lên lầu nghe bản nhạc Somewhere My Love điên đầu, tôi đã lấy xe gắn máy chạy lòng vòng các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi để "rửa mắt" hay đến nhà bạn bè ngồi đấu láo đến chín giờ mới trở về nhà. Vì sự "phân tán mỏng" đó nên tôi phải trình bày ý định rời Sàigòn một thời gian, ngay trong bữa ăn tối để ba má và em tôi đều được biết. Miệng đang nhai một miếng thịt vịt luộc chấm với nước mắm gừng, ba tôi nói: - Ba nghĩ con nên lên Đà Lạt ở trọ nhà chú Long. Trên ấy yên tĩnh, mát mẻ, con dễ làm việc. Chú Long là em ruột của ba tôi. Chú khá giàu, có nhiều vườn cây ăn trái và một ngôi nhà lớn ở Trại Hầm Đà Lạt. Nhưng tôi không thích lên nhà chú tôi vào dịp này. Tôi sợ thành phố Đà Lạt. Thành phố của giálạnh và sương mù đã khiến đầu óc tôi lúc nào cũng mơ mơ màng màng chẳng thể chú tâm suy nghĩ một điều gì cho đến nơi đến chốn. Năm qua, tôi đã ở Đà Lạt nửa năm và chẳng viết được chữ nào cho tập tiểu luận đã sẵn dàn bài chỉ cần khai triển thêm. Sáu tháng ở nhà chú Long, chú đã đối xử với tôi rất tốt. Chỉ có bà thím luôn miệng gắt gỏng với lũ con và những người giúp việc, khiến tôi bực bội và đôi lúc có cảm tưởng như bà muốn trách cứ tôi đã đến ăn bám gia đình của bà. Tôi không nói điều đó cho ba tôi biết, tính ông rất nóng, ông sẽ dời bàn ăn đi gọi điện thoại phiền trách người em trai của ông ngay. Chuyện chẳng đáng gì, nhưng có thể làm mất sự thân thiện trong họ hàng. Tôi phải phân trần với ba tôi. - Con không thích lên Đà Lạt nữa. Thành phố đó không thích hợp với đàn ông, nhất là người không chịu được giá lạnh như con. Vả lại, trên đó đang mùa mận chín, con không muốn sẽ bị đau bụng phải nằm nhà thương như năm qua vì ăn mận quá nhiều. Má tôi vừa nuốt xong miếng cơm, bà cười nói: - Chẳng cứ gì mận. Với tính tham ăn uống của con, cái thứ gì cũng có thể làm cho con đau liệt giường. Cô em gái tôi còn lúng búng miếng thịt vịt (chắc chắn là thịt đùi ngon nhất, tôi biết rõ tính con nhỏ đó quá mà), nó quay sang nói với má tôi. - Mấy nhỏ nữ sinh bạn con cũng làm anh ấy đau liệt giường. Miệng tôi cũng đầy thịt vịt (dĩ nhiên không phải là cổ cánh mà là miếng mề), tôi nói: - Cả cô nữa, cô cũng làm tôi đau liệt giường vì những chầu kem bắt khao sau mỗi lần giới thiệu với bạn cô. Nó gắp một miếng gan vịt bỏ vào miệng rồi mới nói: - Ai bảo anh tham lam đòi giới thiệu cho nhiều làm chi. Khi đĩa thịt vịt đã hết, má tôi đưa ý kiến tôi nên đến sống với người em gái của bà ở một vùng biển. Dì phong mỗi lần vào Sài Gòn đều đến ở lại nhà tôi. Dì thường tả cặn kẽ nơi dì ở và mời tôi có dịp ra thăm dì, luôn tiện dạy kèm cho đứa con trai độc nhất của dì, học chuẩn bị đi thi tú tài vào năm tới. Tôi nghĩ, nếu thân thuộc với một người đàn bà trong gia đình, mình sẽ sống dễ chịu hơn, nên tôi trả lời. - Vâng con sẽ đến ở nhà dì Phong. Má tôi nói: - Con định bao giờ đi? - Ngay ngày mai. - Làm gì mà gấp gáp vậy? - Chần chừ con sợ mình sẽ thay đổi ý kiến. - Thì con cũng phải đánh điện cho dì ấy biết trước chứ. - Con muốn dành cho dì Phong sự ngạc nhiên khi bất ngờ thấy con. Cô em gái tôi che miệng cười. - Em biết tại sao anh phải đi gấp rồi. Anh đi trốn phải không? - Việc gì mà phải trốn. - Anh đi trốn nợ. Nợ tiền và nợ tình đúng chưa? - Trốn nợ? Đúng. Nhưng không phải nợ tiền và nợ tình. Anh đi trốn bản nhạc "của nợ" Somewhere My love. Con nhỏ bặm môi đúng dậy dời khỏi bàn. Bắt chước giọng lão phù thủy Gà Mên trong truyện tranh Xì Trum, nó nói: - Nị chọc quê ngộ hả. Được rồi, nị sẽ xem ngộ "páo chù". Uống cạn ly trà do người giúp việc mang đến, ba tôi nói - Con định ở đấy bao lâu? - Đầu tháng mười hai con mới phải trình tập tiểu luận, nếu viết sớm con sẽ về sớm. Ba tôi nhìn đồng hồ đeo tay và đẩy ghế đứng dậy. Ông nói trước khi bước vào phòng khách nghe tin tức quốc nội, quốc ngoại. - Con cố gắng viết cho xong rồi đi làm phụ khảo nếu không lại kẹt đủ thứ chuyện. Bữa ăn chấm dứt. Cuộc bàn định nơi tôi sẽ đến ở trọ kể cũng như xong. Tôi lo đi sửa soạn quần áo, sách vở để mai đi sớm. Vừa bước chân lên lầu tôi đã nghe bản Somewhere My Love được em tôi mở volume hết cỡ. Chắc nó muốn dùng nhạc đó thay nhạc đám ma đưa tiễn tôi. Nghĩ ngày mai phải đến ở một nơi xa lạ có đồng ruộng để hóng gió, có biển cả để bơi lội và tránh được khí hậu nóng bức ở Sàigòn, tôi vui vẻ nói vọng ra sân thượng tối om nhưng biết chắc có cô em gái đang ngồi ôm máy cassette ở ghế bố. - Bản nhạc hay quá. Mở to lên, anh nghe ké với nhỏ. Tôi nghe có tiếng "tách” và bản nhạc đột nhiên ngừng ngang. Con nhỏ tắt máy. Thật khỉ, lúc tôi nhận ra bản nhạc đang hay, con nhỏ lại chẳng muốn cho nghe. Tôi đành cất giọng vịt đực hát. - Là là lá... là lá la la la là...
|