Lý Quang Diệu là một nhân vật lớn, không chỉ của Singapore mà còn của cả khu vực, và có tên tuổi trên trường quốc tế.
Độc giả Việt Nam đã từng biết đến Lý Quang Diệu qua quyển tự truyện của ông. Tuy vậy, đó là mạch suy nghĩ của chính ông, hồi ức của riêng ông. Còn ở quyển sách mới nhất này (biết đâu là quyển sách cuối cùng viết lúc ông còn sống, kết quả của một trong những cuộc phỏng vấn sau cùng – theo lời tác giả), Lý Quang Diệu đối thoại với một nhà báo Mỹ sừng sỏ mà trong cuộc “thoại” đôi lúc cũng có “đối”. Vậy ông đã hóa giải những cách dẫn dắt, dồn ép của một nhà báo- nhà phỏng vấn đầy kinh nghiệm như thế nào?
Chính trong tình huống đối thoại này mà sự thông minh, tinh quái của hai người đối diện được bộc lộ. Những lời lẽ sắc như dao cạo, tư duy nhạy như máy tính cứ được họ tung hứng qua lại làm cho câu chuyện hết sức hấp dẫn.
Mặc dù cuộc phỏng vấn trực tiếp chỉ diễn ra trong hai buổi chiều, nhưng những thông tin và cảm xúc trong quyển sách là sự bồi đắp, lắng đọng của cả một quá trình gặp gỡ, trao đổi qua thư điện tử giữa tác giả và Lý Quang Diệu. Vì vậy, độc giả sẽ không khỏi cảm thấy kinh ngạc trước khối lượng thông tin khổng lồ được khai thác trong một thời gian cực kỳ ngắn, và được nén trong một quyển sách mỏng nhưng mang tầm vóc của một quyển tiểu sử.
Tác giả đã làm rõ ý thức hệ và quan điểm của Lý Quang Diệu đối với nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại cũng như cuộc sống riêng của ông, phần nhiều với sự đồng thuận (về ý thức hệ) và đồng cảm (về tình cảm). Những câu hỏi về địa chính trị như quan hệ với các cường quốc, các nước láng giềng đã được tác giả dẫn dắt và được Lý Quang Diệu trả lời thấu đáo. Những vấn đề nhạy cảm liên quan đến thuật cai trị của vị lãnh đạo – vốn được một số nhà báo phương Tây gọi là “tiểu Hitler” – cũng được đề cập một cách có kiểm soát. Cuộc sống riêng của Lý Quang Diệu được tiếp cận theo hướng nghiêm túc, với ý định dắt dây đến những vấn đề lớn hơn chứ không nhằm khai thác những chi tiết giật gân.
Qua quyển sách, độc giả có thể tham khảo nhiều điều từ cách thức quản lý, từ những chính sách hiệu quả của ông. Nhưng chắc chắn không ít người trong chúng ta cũng không đồng ý với những đánh giá của ông về các vấn đề lịch sử, tôn giáo, chủng tộc. Chỉ riêng cách nhìn nhận có phần kỳ thị đối với cả một tôn giáo (đạo Islam, Công giáo) và dân tộc (một số dân tộc/chủng tộc là siêng năng, thông minh, có khả năng học tập hơn các dân tộc khác) của ông đã có thể không nhận được sự đồng tình của nhiều người.