Ngày xưa, có một ông quan Thừa tướng sinh được một người con gái tên là Mỵ Nương nhan sắc tuyệt trần. Nàng ở cấm cung trong ngôi lầu cạnh bờ sông. Bấy giờ có một chàng trai con nhà thuyền chài tên là Trương Chi, ngày ngày đến thả lưới kiếm ăn trên khúc sông đó. Chàng ta thường vừa buông lưới, vừa hát. Tiếng hát rất hay, khiến cho Mỵ Nương ở trong lầu xao xuyến say mê. Một dạo, Trương Chi đi đánh cá ở khúc sông khác. Không được nghe tiếng hát, Mỵ Nương sinh ra sầu não. Nàng bồn chồn trông đợi, tiếng hát vẫn vắng lặng và nàng bắt đầu ốm.
Thừa tướng vội mời các lương y đến xem mạch, bốc thuốc. Thuốc uống đã nhiều mà Mỵ Nương vẫn không chuyển bệnh. Sau Thừa tướng dò hỏi những người hầu hạ Mỵ Nương, mới biết con mình ốm tương tư. Các lương y khuyên Thừa tướng cho gọi anh lái đò đến.
Trương Chi được mời đến thăm Mỵ Nương. Chàng vừa ngồi sắc thuốc, vừa hát cho Mỵ Nương nghe. Lại được nghe tiếng hát, quả nhiên Mỵ Nương dần dần khỏi bệnh. Nhưng đến khi nhìn thấy mặt Trương Chi thì nàng tỏ ý lạnh nhạt, còn Trương Chi bực tức bỏ ra về.
Cũng từ đấy Trương Chi thầm trộm yêu Mỵ Nương. Chàng tủi cho thân phận nghèo nàn của mình, buồn chán không thiết làm ăn gì nữa. Rồi một hôm, chàng hát:
"Kiếp này đã dở dang nhau
Thì thôi xin hẹn kiếp sau tương phùng"
Hát xong, chàng nhảy xuống sông tự vẫn. Đó là câu hát cuối cùng trong đời chàng.
Trương Chi chết, nhưng hồn chàng nhập vào trong cây gỗ bạch đàn. ít lâu sau, có người vót được cây gỗ, vô tình đem bán cho Thừa tướng. Mua được gỗ quý, Thừa tướng sai ngay thợ tiện tiện thành bộ chén trà. Một hôm, Mỵ Nương cầm chén rót nước, thì lạ thay, hình ảnh người chèo thuyền đánh cá hiện lên chầm chậm xoay quanh trong lòng chén. Tức thì tiếng hát năm xưa cũng văng vẳng như than, như trách. Mỵ Nương chạnh lòng nhớ lại mối tình đã qua, một giọt nước mắt của nàng rơi xuống chén và chiếc chén cũng tan ra thành nước.