Những cây cầu ở quận Madison là cuốn sách “chiếm giữ con tim của toàn thế giới” với câu chuyện về tình yêu, hạnh phúc, nỗi đau, là một nốt lặng rất đẹp trên cung trầm thời gian.
Cuốn sách được Robert James Waller viết bằng hình dung, xâu chuỗi qua lời kể, những bức thư và bất cứ dấu tích nào còn để lại của hai nhân vật chính: Francesca và Robert Kincaid.
Trong gia sản để lại cho hai con, bà Francesca, còn để lại một câu chuyện được chôn giấu suốt mấy mươi năm. Đó là một tình yêu mãnh liệt.
Có một gia đình yên ấm với vai trò là một người nội trợ, những tưởng cuộc sống của Francesca sẽ cứ thế yên bình trôi qua cùng với bao nhiêu người phụ nữ “tề gia” khác ở quận Madison. Cho đến khi bà gặp được nhiếp ảnh gia tự do Robert Kincaid - người đi tìm những cây cầu có mái ở vùng đất này. Một cuộc gặp gỡ tình cờ, một câu chuyện phiếm giữa hai người xa lạ để rồi sau đó là chuỗi ngày họ đi cùng nhau, đi tìm những cây cầu và rồi cũng là tìm thấy tình yêu của chính họ.
Francesca - từ một người phụ nữ chỉ biết cặm cụi trong gian bếp nhà mình, chăm sóc cho chồng con đã được trở lại những ước mơ thời thiếu nữ khi sống những ngày ngắn ngủi bên cạnh một con người lãng tử, dịu dàng như Robert Kincaid. Tình yêu lớn lao hơn tất cả sự trói buộc nào, đến mức Francesca nghĩ đến việc cùng Kincaid bỏ trốn, bỏ lại Madison những chuỗi ngày nhàm tẻ với một người chồng thô vụng, bỏ lại gian bếp đã giam cầm những mong ước bay bổng, nổi loạn của một thời thiếu nữ.
Francesca và Robert Kincaid cuốn người đọc theo hành trình của họ. Có lúc ta hồi hộp đến nghẹt thở trước ranh giới lựa chọn của Francesca. Vừa muốn Francesca bỏ trốn cùng Robert Kincaid vừa đau đáu nghĩ về sự lựa chọn, rằng nếu ra đi với hạnh phúc mới thì lỗi lầm của nàng có được tha thứ? Tình yêu có lý lẽ riêng của nó nhưng lý trí đã gọi nàng trở lại với hai đứa con vẫn còn rất nhỏ.
Sức mạnh tình yêu có thể chiến thắng mọi thứ. Nhưng có những điều thiêng liêng hơn cả tình yêu. Francesca đã lựa chọn bằng sự giằng xé của trái tim. Nỗi đau của một tình yêu chia lìa khiến người đọc xót xa. Còn sự trở về của Francesca với gia đình cũng là điều khiến độc giả nhẹ nhõm.
Để có hạnh phúc luôn cần có ai đó phải hy sinh. Francesca và Robert Kincaid đã có những ngày hạnh phúc bên nhau. Dù vậy, để bảo toàn hạnh phúc cho 3 con người khác, cả hai buộc phải lựa chọn những mảnh tan tác cho trái tim. Tất cả phải lặn sâu vào đáy tim, vì Francesca biết chỉ cần một cú điện thoại, một bức thư tay gửi cho nhau thôi thì mọi thứ sẽ bung vỡ hết. Nàng lặng lẽ dõi theo những bài báo của Kincaid, lặng lẽ tìm kiếm hình ảnh ông đã chụp trên các tờ tạp chí, lặng lẽ với tình yêu biết rằng chẳng bao giờ còn có thể.
Cho đến khi người chồng qua đời, khi mái đầu đã bạc, Francesca mới thử một lần liên lạc với Robert Kincaid, nhưng đó lại là số điện thoại của công ty bảo hiểm - nơi Kincaid đã ký thác những gì muốn gửi cho bà sau khi ông ấy qua đời…
Nhà văn cũng như Robert Kincaid, cũng đã có một “hành trình vĩ đại” khi đi xuyên qua miền Bắc nước Mỹ để có thể nắm bắt những chi tiết thật trong đời sống của nhà nhiếp ảnh lãng tử. Tình yêu vượt thời gian với sức nặng của sự chờ đợi, hy sinh đã khiến cho tác phẩm đẹp lung linh như hình ảnh cây cầu Roseman trong nắng sớm - bức ảnh mà Robert Kincaid đã chụp trong ngày đầu tiên gặp gỡ Francesca - ngân vang mãi mãi như chính khúc nhạc mang tên Francesca mà người thổi saxophone da đen bên eo biển Puget đã tặng cho Robert Kincaid.
"Những cây cầu ở quận Madison" là tác phẩm kinh điển đã nằm trên giá sách cũ nhưng vẫn còn mãi sức sống với câu chuyện tình yêu làm rung động hàng triệu trái tim độc giả.