Ra đời ít lâu sau cuộc biểu tình rầm rộ của khoảng 40.000 người chống toàn cầu hóa bên ngoài Hội nghị cấp Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Seattle (Hoa Kỳ) năm 1999, tác phẩm đầu tay của nữ tác giả Canada - Naomi Klein (xuất bản lần đầu tiên vào năm 2000) đã có tiếng vang sâu rộng trên thế giới. Ngồn ngộn những sự kiện minh họa sinh động, lời văn khi đanh thép, lúc dí dỏm và chơi chữ, Naomi Klein dắt người đọc vào mê cung của các mánh khóe marketing, các thủ thuật moi tiền giới trẻ ưa “sành điệu” của các tập đoàn lớn. Bên cạnh đó là quá trình các công ty “lột xác” khỏi nền tảng sản xuất “phàm tục”, “di cư” nhà máy sang Thế giới Thứ Ba, tạo ra cái vỏ siêu việt hào nhoáng của thương hiệu, chiếm lĩnh mọi khoảng trống tự do theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một làn sóng toàn cầu hóa khác của những người đấu tranh chống sự thao túng của các tập đoàn đã ra đời.
Sách đã đoạt Giải thưởng Sách Kinh doanh Quốc gia (National Business Book Award) Canada 2000, giải Prix Médiations của Hội Đọc sách Chính trị (Lire la Politique) và Hội Giáo dục Pháp 2001. Cuốn sách cũng có ảnh hưởng lớn trong nền văn hóa đại chúng thế giới. Đến nay cuốn sách này đã được dịch ra khoảng gần 30 ngôn ngữ, với hơn 1 triệu bản được bán ra.
Cuốn sách là một hiện tượng truyền miệng chấn động, nói lên tiếng nói của thế hệ dưới ba mươi từ trước tới giờ chưa liên quan đến chính trị. Ban nhạc Anh Radiohead được cuốn sách truyền cho sự hăng hái đến mức họ cấm tiệt mọi quảng cáo trong tour lưu diễn ở Anh, tuyên bố mọi địa điểm biểu diễn đều “sạch bóng logo”…Naomi Klein chắc chắn đã có công giúp "tái tạo ý thức chính trị cho một thế hệ mới” (Katharine Viner, The Guardian).