I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương
Tác giả: Jacques Dournes
Dịch giả: Nguyên Ngọc
Chủ biên: Andrew Hardy
Khổ sách: 16 x 24 cm
Số trang: 596 trang
Giá bìa: 115.000 VNĐ
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
Năm xuất bản: 2013
II. GIỚI THIỆU SÁCH
1. Về tác giả:
Linh mục Jacques Dournes sinh ngày 27/5/1922 tại miền Bắc nước Pháp; thụ phong linh mục ngày 19/4/1945; gia nhập Hội Truyền Giáo Paris ngày 29/10/1945; được chỉ định đi truyền giáo trong địa phận Sài-gòn ngày 29/6/1946; lên đường sang Việt Nam ngày 28/10/1946…. Ngài được Đức cha Cassaigne gửi lên Di-linh, ở với cha Grelier đang làm cha sở tại đây, để học tiếng Ko-ho… Cha Dournes say mê nghiên cứu về con người bản địa, phong tục tập quán, tín ngưỡng và ngôn ngữ của người dân Tây Nguyên trong suốt 25 năm. Hai mươi ba năm sau, vào ngày 03/4/1993, ngài qua đời tại Bagard, trong tỉnh Gard, miền Nam nước Pháp.
2. Về tác phẩm:
Năm 1977, ở tuổi 55, nhà nhân học Jacques Dournes cho xuất bản Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Gia Rai Đông Dương (Pötao: Une théorie du pouvoir chez les Jörai sud-indochinois, Paris, Flammarion). Đây là bản phát hành của luận án tiến sĩ cấp nhà nước (thèse d’état) của ông nhan đề ‘Pötao: những bậc thầy của các nguyên tố, nghiên cứu nhân học chính trị ởngười Gia Rai’ (‘Pötao, les maîtres des éléments, étude d’anthropologie politique chez les Jörai’), được ông bảo vệ ở trường Sorbonne ngày 23 tháng 6 năm 1973, dưới sự hướng dẫn của Georges Condominas và có Claude Lésvi-Strauss là thành viên của hội đồng. Pötao là công trình nghiên cứu của ông về chính trị của người Gia Rai, cho đến nay vẫn là nghiên cứu sâu duy nhất về sự vận hành của quyền lực giữa những tộc người khác nhau ở khu vực Tây Nguyên.
3. Mục lục
LỜI TỰA – PÖTAO, MỘT LÝ THUYẾT
Andrew Hardy và Lê Hồng Lý
PHÀM LỆ
PHẦN THỨ NHẤT –CHUNG QUANH VẤN ĐỀ PÖTAO
Chương 1. Những ông vua ở xứ hổ
Chương 2. Các vua-thần bị thực dân hóa
Chương 3. Kẻ bịa chuyện hay người quyền thế
PHẦN THỨ HAI –TỪ LỊCH SỬ ĐẾN HUYỀN THOẠI
Chương 4. Những người chín và những người sống
Chương 5. Lô-gích của phân cắt
Chương 6. Lắng nghe lời nói dân gian
Chương 7. 1 + 1 = 1, phép tính của huyền thoại
PHẦN THỨBA –PÖTAO TRONG ĐỜI THƯỜNG
Chương 8. Cái huyền thoại thường nhật
Chương 9. Chức trách thiêng
Chương 10. Cấu trúc của chế độ
PHẦN THỨTƯ –PÖTAO ĐỂ MÀ NGHIỀN NGẪM
Chương 11. Một trạng thái bộ ba của vật chất
Chương 12. Tuyên ngôn của huyền thoại và chính trị Jörai
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TỪ VỰNG
KÍ HIỆU SỬ DỤNG TRONG SÁCH NÀY
BẢNG TRA CỨU THEO CHỦ ĐỀ
BẢNG TRA CỨU CÁC TÊN RIÊNG
BẢNG TRA CỨU CÁC HUYỀN THOẠI
MỤC LỤC CÁC HÌNH TRONG SÁCH
MỤC LỤC CÁC TRANG ẢNH
4. Bình luận
“Pötao, một lý thuyết chỉ là một trong rất nhiều cuốn sách do Dournes viết dựa trên những thành quả nghiên cứu của ông ở Việt Nam. Các tác phẩm đầu tiên của ông, xuất bản vào những năm 1950’s, phản ánh những mối quan tâm ban đầu của ông đối với người dân Tây Nguyên và công việc của ông với tư cách một nhà truyền giáo Cơ đốc. Bắt đầu từ nửa sau những năm 1950’s, mối quan tâm của ông đối với những vấn đề tâm linh nhạt hẳn đi: ông hầu như không viết gì về Cơ đốc giáo và niềm tin tâm linh hằng ngày của những người vùng cao. Các công trình của ông giờ đây được đóng khung về mặt lý thuyết bởi nhân học cấu trúc trường phái Pháp, tập trung vào tìm hiểu cuộc sống xã hội, chính trị và văn hóa của những người ông nghiên cứu. Pötao là công trình nghiên cứu của ông về chính trị của người Gia Rai, cho đến nay vẫn là nghiên cứu sâu duy nhất về sự vận hành của quyền lực giữa những tộc người khác nhau ở khu vực Tây Nguyên.
Nhưng Pötao, một lý thuyết không phải là một tác phẩm dễ đọc. Những vòng tròn đồng tâm (mà Dournes gọi là những lớp xếp củ hành, được dùng để phản ánh những yếu tố trong vũ trụ quan và cấu trúc xã hội Gia Rai) làm nên bố cục của cuốn sách, hòa trộn những phương pháp luận của lịch sử, văn học dân gian và nhân học cấu trúc để trình bày những dữ liệu và lý thuyết vô cùng phong phú và phức tạp. Trong khi đó thì bản thân hệ thống chính trịcủa người Gia Rai cũng không hềdễhiểu chút nào.
Vì lý do này, bản dịch đầu tiên của Pötao, một lý thuyết sang tiếng Việt tự nó đã là một thành tựu phi thường, phản ánh mối quan tâm của dịch giả đối với những người dân Tây Nguyên qua nhiều thập kỷ. Lòng đam mê mà Nguyên Ngọc dành cho lĩnh vực này và những cố gắng chuyển ngữ cuốn sách giờ đây đã ra mở ra cho người Việt Nam nói chung và người Gia Rai nói riêng một cánh cửa dẫn thẳng tới kho tàng những hiểu biết của Dournes về nền văn minh Gia Rai.
…
Đọc Pötao là một kinh nghiệm vô cùng đáng giá. Qua cuốn sách này, Dournes không những thách thức chúng ta tìm hiểu suy nghĩ của người Gia Rai về thế giới của họ, ông còn khiến ta xem xét lại những suy ngẫm của mình về chính thế giới nơi ta đang sống.”
(Trích Lời tựa của Andrew Hardy, Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương, Jacques Dournes, Nguyên Ngọc dịch, NXB Tri thức, 2013)